Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Mười Một 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 10    
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

THIÊN CHÚA ĐI TÌM CON NGƯỜI

LM. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT XXXI TN C:
Chúng ta còn nhớ câu chuyện của ông bà Adam và Eva trong vườn Địa đàng. Trước khi ông bà phạm tội, hai người đã có một cuộc sống rất hạnh phúc với Thiên Chúa. Sách Sáng Thế dùng hình ảnh thật đẹp để mô tả về hạnh phúc ấy: “Chiều chiều, Thiên Chúa xuống đi dạo với con người.” Thiên Chúa được so sánh như bạn hữu, như người thân của con người. Tuy nhiên, sau khi Adam, Eva phạm tội phản nghịch lại Thiên Chúa, từ chối tình yêu của Thiên Chúa, đã có một sự thay đổi lớn xảy ra trong tương quan của ông bà với Thiên Chúa. Kinh Thánh kể lại: Chiều hôm đó, Thiên Chúa vẫn xuống với con người, nhưng Adam, Eva đã không bước ra để đi dạo với Thiên Chúa nữa, họ đã tìm chỗ ẩn núp để trốn tránh Thiên Chúa. Thiên Chúa cất tiếng gọi: “Adam! Adam! Ngươi ở đâu?” Lúc đó con người thưa: “Tôi nghe thấy tiếng Chúa nhưng tôi sợ, tôi đi trốn.”
Thưa quý OBACE, con người luôn tìm cách trốn tránh Thiên Chúa, còn Thiên Chúa thì luôn chủ động tìm kiếm con người, để tha thứ, yêu thương và nối lại sợi dây thân tình với con người. Câu chuyện ông Giakêu trong Tin Mừng Luca hôm nay mang những ý nghĩa đó.
Tin Mừng kể lại: Chúa Giêsu đi vào thành Giêricô và ngang qua thành phố ấy. Xét về mặt lịch sử, Giêricô là thành phố cổ nhất thế giới và là thành phố khá phát triển. Nhưng vào thời Chúa Giêsu, thành phố này bị người Do Thái coi như một thành phố tội lỗi, nơi chứa đầy sự dữ, sự xấu, sự tăm tối, những con người sống trong thành phố bị coi như những nạn nhân của sự xấu xa, bị giam cầm trong tội lỗi. Câu chuyện hôm nay xảy ra cho ông Giakêu. Ông là một quan chức, là trưởng đội thu thuế. Điều này chứng tỏ ông là người giàu có. Chắc chắn vì có tham nhũng nên người Do Thái xếp vào hạng tội lỗi, là kẻ phản bội dân tộc. Tuy nhiên, sự giàu có, địa vị xã hội dường như không lấp đầy sự thiếu thốn, khao khát sự thiện trong tâm hồn. Ắt hẳn ông Giakêu đã nghe nói nhiều về Đức Giêsu, về lòng bao dung nhân hậu của Chúa. Vì thế, khi nghe tin Đức Giêsu sắp đi ngang qua thành, ông đã tìm cách để nhìn thấy Ngài. Ông Giakêu đã cố gắng hết mình với những giới hạn cá nhân: Trong lúc đám người đi theo Chúa quá đông, còn ông lại thấp bé. Ông không ngần ngại về vóc dáng, cũng không e dè về địa vị của mình là một quan chức. Ông đã quyết định trèo lên cây cao, để chỉ được nhìn thấy Đức Giêsu đi ngang qua.
Tin Mừng kể lại: Trong khi ông Giakêu chưa kịp nhìn thấy Đức Giêsu, thì Đức Giêsu đã nhìn lên và thấy ông. Trong khi ông đi tìm Chúa và chưa thấy Chúa, thì Chúa đã tìm ông và thấy ông trước. Cũng chính Đức Giêsu đã chủ động ngỏ lời gọi ông: “Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! Ông vội vàng tuột xuống và mừng rỡ đón tiếp Người.” Chúa Giêsu đã cho Giakêu một món quà bất ngờ. Trong lúc ông chỉ muốn được nhìn xem Đức Giêsu là người thế nào, thì Đức Giêsu cho ông gặp Ngài. Trong lúc ông mong đợi Chúa đi ngang qua nhà ông, thì Chúa lại tuyên bố sẽ lưu lại nhà của ông. Điều này cho thấy, qua Đức Giêsu, Thiên Chúa luôn chủ động bước đến với con người, tạo cơ hội cho con người được gặp Ngài và Ngài còn muốn ở lại với con người.
Trước lời đề nghị của Đức Giêsu ông Giakêu vô cùng sung sướng, hạnh phúc. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên này với Đức Giêsu, ông Giakêu đã được biến đổi hoàn toàn: Trước đây ông là người thu thuế tham lam, chỉ biết thu tích, nay ông đã mở lòng ra với mọi người: “Tôi làm thiệt hại ai điều gì tôi xin đền gấp bốn.” Trước đây ông chỉ nghĩ đến bản thân và gia đình, nay ông nghĩ đến người nghèo khó: “Tôi sẽ chia phân nửa tài sản cho người nghèo.” Ông Giakêu khi gặp được Đức Giêsu thì đã thể hiện sự quyết tâm thay đổi cách sống, cách hành xử và khắc phục những hậu quả thiệt hại đã gây ra cho người khác.
Chứng kiến một tâm hồn thành tâm thiện chí như Giakêu, Đức Giêsu đã không chịu thua sự quảng đại của ông, Chúa đã khuyến khích cho sự hối cải của ông và đã tuyên bố: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham.” Khi tuyên bố như thế, Chúa Giêsu cho thấy ơn cứu độ Chúa đem đến như hạt giống đã bắt đầu bén rễ nảy mầm trong tâm hồn của Giakêu và qua ông sẽ còn lan toả đến nhiều người. Nếu như trước đây ông bị những người đồng hương coi như kẻ tội lỗi, đáng bị khinh bỉ, bị loại trừ, thì hôm nay Đức Giêsu đã đưa ông Giakêu trở lại với địa vị là con cháu tổ phụ Abraham. Địa vị này không chỉ do bởi máu huyết dòng giống Do Thái, nhưng còn là mối tương quan và địa vị được thiết lập bởi đức tin. Vì Abraham được gọi là cha của những kẻ có lòng tin.
Qua Đức Giêsu, chính Thiên Chúa đã chủ động bước đến với nhân loại để tìm kiếm nhân loại chúng ta. Ngài bước vào thế giới không phải như một vị khách, nhưng đã trở nên người bạn đồng hành, người anh em ruột thịt của chúng ta. Đức Giêsu đã cùng chung chia thân phận con người, chấp nhận đau khổ, cái chết thập giá và sự sống lại để nâng chúng ta chỗi dậy và đem lại cho chúng ta ơn cứu độ. Tác giả sách Khôn Ngoan đã giải thích mầu nhiệm này bằng những hình ảnh rất đẹp: “Trước mặt Thiên Chúa, con người và vũ trụ này chỉ như hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương trên mặt đất. Thế nhưng, Thiên Chúa lại xót thương, lại ghé mắt nhìn đến con người và hết mọi người.” Thiên Chúa là Đấng quyền năng, nhưng Ngài không nhắm mắt làm ngơ trước sự nhỏ bé của con người. Ngài đã cúi xuống để gặp con người, trò chuyện và tha thứ khi con người sám hối ăn năn và không ai bị loại trừ khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Tác giả sách Khôn Ngoan còn rút ra cho chúng ta kết luận rằng: Vì mỗi người đều được Chúa yêu thương dựng nên, tất cả đều có giá trị và có một vị trí riêng trong trái tim của Chúa. Vì thế, Thiên Chúa không muốn bất kỳ ai phải hư mất. Ngài luôn cho con người có cơ hội, Ngài kiên nhẫn chờ đợi và tìm kiếm con người.
Thưa quý OBACE, Thiên Chúa vẫn đang bước đến với mỗi người để tìm kiếm, gặp gỡ và muốn được mỗi người mời Ngài vào nhà tâm hồn của mình. Cho dù quá khứ của ta có thế nào đi nữa, điều đó cũng không ngăn cản được tình thương và sự tha thứ của Chúa. Chỉ cần mỗi người thiện chí tìm cách gặp Chúa, Chúa sẽ cho người ấy được gặp và còn chủ động đến gặp người ấy, như Chúa đã thấy sự thiện chí của Giakêu và đến gặp ông.
Tuy nhiên trong thực tế, nhiều người trong chúng ta vẫn cố tình sống trong tình trạng tội lỗi của mình, chiều theo những thói xấu, khiến cho tâm hồn và cuộc sống trở nên nặng nề. Vì thế, ta ngại ngần không dám bước đến với Chúa. Nhiều người đã từ chối không mời Chúa vào tâm hồn và về với gia đình mình. Không có Chúa, sự dữ, sự xấu và những nóng nảy, cãi vã, bất hoà sẽ cùng nhau đến ở trong những gia đình ấy, khiến cho tâm hồn bất an, gia đình bất hoà.
Nhiều người, nhất là các bạn trẻ tỏ ra cự tuyệt với Chúa, chỉ lo tìm kiếm tiền bạc, công việc, địa vị mà không tìm kiếm Chúa. Nhiều người đóng chặt cửa lòng bằng sự kiêu ngạo, tự mãn, khiến cho Thiên Chúa không thể bước vào ngôi nhà tâm hồn được.
Giống như Giakêu, một khi được gặp Chúa, chúng ta sẽ được biến đổi, từ suy nghĩ đến cách sống. Gặp Chúa rồi, Chúa sẽ giúp chúng ta giải toả tâm hồn khỏi tội lỗi và những mặc cảm của quá khứ, giúp trái tim, tâm hồn chúng ta mở rộng để biết nghĩ tới anh em và chia sẻ, phục vụ anh em. Mời Chúa về với gia đình, Chúa sẽ dùng bữa với gia đình, chia sẻ niềm vui và làm cho gia đình nên ấm cúng thuận hoà. Khi mời Chúa vào gia đình, Chúa cũng sẽ nói với ta như nói với Giakêu: “Hôm nay, nhà này được ơn cứu độ.”
Thánh lễ và các Bí tích, nhất là Bí tích Giải tội là nơi riêng tư nhất giúp ta có thể gặp Chúa. Qua Bí tích Giải tội, chúng ta đón nhận được ơn tha thứ và tình yêu thương của Chúa. Qua Thánh lễ mỗi ngày và rước lễ, chúng ta mời Chúa vào nhà tâm hồn. Chúa sẽ về gia đình và cùng vào công ty, nơi làm việc; Chúa sẽ hiện diện, cùng sống, cùng học hành với mỗi người. Nhất là rước Chúa vào trong tâm hồn, Chúa sẽ bảo đảm cho mỗi người: Hôm nay, người này, nhà này được ơn cứu độ.
Xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày sống là mỗi ngày chúng ta để cho Chúa đến gặp gỡ, trò chuyện, làm bạn và biến đổi chúng ta. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*