Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Chín 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 8    
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
30  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

VÂNG PHỤC THIÊN CHÚA GIÚP LỚN LÊN TRONG ĐỨC TIN

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

MÙA CHAY A:
CHÚA NHẬT II
Nói đến vâng phục, người đời coi đó là thái độ hèn nhát, nhu nhược, sống theo kiểu khom lưng trước mọi người. Nói đến vâng phục nhiều người như cảm thấy chạm đến sự kiêu hãnh, tự cao có sẵn trong con người mình. Vì thế, người đời không dễ dàng để vâng phục kẻ khác, có chăng là họ bị khuất phục bởi sợ hãi hoặc bởi sự đe doạ từ người khác.
Trái với suy nghĩ và cách ứng xử của người đời, sự vâng phục trong đời sống đức tin lại được coi là một nhân đức cao trọng. Khi vâng phục Thiên Chúa, con người chấp nhận từ chối quyền tự do của mình để đón nhận sự chỉ dạy của Thiên Chúa. Sự vâng phục Thiên Chúa không làm cho con người trở nên nhu nhược hoặc sống thấp kém, nhưng là cách để rèn luyện đức khiêm nhường và sống trong tin tưởng, phó thác cho quyền năng của Thiên Chúa. Sự vâng phục trong đức tin sẽ giúp con người lớn lên trong đức tin và đặt con người vào sự bảo vệ của Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ nâng cao những người sống khiêm nhường, vâng phục.
Lời Chúa của tuần thứ hai Mùa Chay hôm nay mời gọi chúng ta sống mẫu gương vâng phục của Abraham và của Chúa Giêsu; một người trở thành tổ phụ của dân Israel và một người trở thành tổ phụ của dân mới là Giáo Hội.
Abraham là một người sống tại thành Ur, ông là người giàu có, nhiều của cải, nhà cửa, tôi tớ, chiên cừu, gia súc. Thiên Chúa đã mời gọi ông: “Hãy rời bỏ xứ sở mà đi đến đất ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi… Abraham ra đi như Chúa đã truyền dạy.” Thoạt nghe tưởng chừng như đơn giản, nhưng thật ra để quyết định lên đường như Chúa mời gọi, Abraham đã phải có một sự vâng phục tuyệt đối. Khi vâng phục mệnh lệnh của Chúa, ông chấp nhận bỏ lại đằng sau sự yên ổn, sung túc, bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn và cả những người thân thuộc để lên đường. Ông ra đi trong sự tín thác hoàn toàn, trao phó tương lai của mình cho Thiên Chúa: “Ông ra đi mà không biết mình đi đâu.”
Kinh Thánh khi nói về sự vâng phục hoàn toàn của Abraham thì đã ca tụng đức tin mãnh liệt của ông. Cho dù tất cả những điều Thiên Chúa hứa cho ông đều còn ở thì tương lai rất xa vời, nhưng ông vẫn tin. Chính vì sự vâng phục này, Thiên Chúa đã kể ông như người bạn của Chúa và còn thực hiện cho ông tất cả những gì Ngài đã hứa với ông: cho ông được có con cháu nối dòng, được đất hứa làm gia nghiệp và được phúc lành của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã làm cho Abraham không chỉ trở thành tổ phụ của dân tộc Do Thái, mà còn trở thành cha của tất cả những người có lòng tin vào Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay nói đến sự vâng phục hoàn toàn của Đức Giêsu, vâng phục cho đến nỗi bằng lòng đón nhận cuộc thương khó và cái chết. Vì sự vâng phục này, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Đức Giêsu và làm cho dung nhan Ngài toả sáng. Sự kiện Chúa Giêsu cho các môn đệ chứng kiến dung nhan ngài toả sáng xảy ra sau một thời gian các ông đã tin và đi theo Chúa. Cũng giống như nhiều người Do Thái, các môn đệ của Chúa Giêsu muốn Thầy các ông sẽ là một chiến binh bất khả chiến bại, là một vị thống tướng uy hùng trên tất cả mọi người. Cũng vì vậy, mà nhiều lần các môn đệ không chấp nhận lời tiên báo của Chúa Giêsu nói về việc: Đấng Kitô sẽ bị người ta bắt, bị loại trừ và bị giết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại.
Hôm nay, khi biến đổi dung nhan trở nên sáng láng, Chúa Giêsu muốn dùng cách này để các môn đệ thấy giá trị cao quý của sự vâng phục Thiên Chúa. Việc Đức Giêsu đón nhận cuộc đau khổ thập giá là thể hiện một lòng yêu mến tuyệt đối, sự vâng phục hoàn toàn Thiên Chúa Cha. Ngài sẵn sàng trao phó không chỉ tương lai mà ngay cả mạng sống của mình cho ý định của Thiên Chúa. Chúa Giêsu chấp nhận hạ mình thẳm sâu trong vâng phục, một vị Thiên Chúa mà lại chấp nhận phải chết, một Đấng Quyền Năng mà lại phải chịu bắt bớ, hành hạ. Sự vâng phục này không làm suy giảm giá trị của Chúa Giêsu, trái lại Thiên Chúa Cha đã vì sự vâng phục tuyệt đối này mà làm cho Đức Giêsu trở nên vinh quang rực rỡ: “Mặt người sáng chói như mặt trời, áo Người trở nên trắng tinh như tuyết.”
Mặc dù được nhìn thấy vinh quang của Thầy, nhưng chắc chắn ba môn đệ kia chưa thể hiểu hết được ý nghĩa của những điều các ông đang chứng kiến. Các ông chỉ nhìn thấy vinh quang bên ngoài được tỏ ra, mà không nhìn thấy sự vâng phục, thảo hiếu của Chúa Giêsu. Ông Phêrô đã mở lời xin: Xin cho chúng con được làm ba cái lều cho ba vị cư ngụ. Các môn đệ chỉ muốn hưởng vinh quang mà không trải qua đau khổ, thử thách, muốn kéo dài giây phút hạnh phúc này mà không phải hy sinh. Thiên Chúa Cha đã điều chỉnh suy nghĩ của các ông. Từ trong đám mây có tiếng nói: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. các ngươi hãy vâng nghe lời Người.” Qua lời này, Thiên Chúa Cha cho thấy Đức Giêsu thật sự là Người Con yêu dấu của Ngài – Người Con Một duy nhất. Vậy mà, Chúa Giêsu đã không nhất quyết đòi hỏi địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn vâng phục, vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Thiên Chúa Cha rất hài lòng về sự vâng phục ấy nên đã tôn vinh Chúa Giêsu trên toàn thể vũ trụ muôn loài, đặt Ngài là Chúa Tể muôn loài muôn vật. Giờ đây, Thiên Chúa Cha cũng muốn các môn đệ vâng nghe lời của Chúa Giêsu – Con của Ngài.
Vâng nghe lời Chúa Giêsu là chấp nhận nghe và vâng những gì Ngài nói, cho dù đó là điều không dễ để nghe và là điều khó để vâng phục. Từ trên núi đi xuống Chúa Giêsu nói cho các môn đệ điều Ngài đã từng nói với các ông mà trước đây các ông đã không muốn vâng nghe, đó là: Con Người sẽ bị nộp, bị giết và sẽ từ cõi chết trỗi dậy. Chúa Giêsu muốn các ông tin và đón nhận những điều các ông đã nghe và đã thấy trong sự vâng phục như Chúa Giêsu đã vâng phục Thiên Chúa Cha.
Thưa quý OBACE, NGHE, TIN VÀ VÂNG PHỤC là những thái độ và là việc làm mà Chúa muốn mỗi chúng ta trong Mùa Chay này. Chúa muốn chúng ta nghe được tiếng Chúa, nghe với sự chăm chú đón nhận như con cái đón nhận sự dạy bảo của cha mẹ; Tin trong sự đón nhận, phó thác hoàn toàn cho quyền năng của Thiên Chúa là Cha yêu thương quảng đại hay tha thứ; và Vâng phục trong sự khiêm tốn để cho Thiên Chúa dẫn đường như Thiên Chúa đã dẫn Abraham đi theo Ngài và dẫn Chúa Giêsu đi vào con đường khổ giá để tới vinh quang phục sinh.
Đã rất nhiều lần Mùa Chay đến và đi trong cuộc đời của chúng ta, nhưng dường như chúng ta không để đọng lại được điều gì. Mùa Chay này, một lần nữa Chúa mời gọi, hãy lắng nghe tiếng Chúa nói với từng người, mỗi gia đình. Chúa nói với ta qua những phút giây cầu nguyện riêng tư và giờ kinh gia đình. Chúa nói với ta qua Lời của Chúa ta nghe, đọc mỗi ngày và để tâm suy niệm.
Chúa muốn mỗi người đặt trọn niềm tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa cho dù phải trải qua khó khăn, thử thách của cuộc sống thường ngày. Chúa muốn chúng ta tin vào lòng bao dung quảng đại của Thiên Chúa để ta làm mới, hoán cải, sửa chữa lại cuộc sống của cá nhân và gia đình mỗi ngày nên tốt hơn, xứng đáng là con cái Chúa hơn.
Và, Chúa muốn chúng ta mang trong mình thái độ khiêm tốn như một người con để vâng phục, đón nhận sự chỉ dạy của Chúa. Chúa muốn chúng ta dám thưa vâng hoàn toàn, như Abraham, như Đức Maria, cho dù chưa biết điều gì sẽ xảy ra cho mình. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*