Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tám 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 7    
 1234
567891011
12131415161718
19202122232425
262728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

THỊT TÔI THẬT LÀ CỦA ĂN, MÁU TÔI THẬT LÀ CỦA UỐNG

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT XX TN B:

Thưa quý OBACE, suốt bốn Chúa Nhật vừa qua, Tin Mừng đã kể cho chúng ta việc chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng bơ vơ, lạc lối, đói khát về cả thể xác và tinh thần, Chúa đã chạnh lòng thương và làm phép lạ cho năm chiếc bánh và hai con cá hoá ra nhiều để cho hơn năm ngàn người ăn no. Cứ mỗi tuần, Chúa Giêsu từng bước dẫn đám đông đến những mặc khải cao sâu hơn khi mời gọi đám đông lo tìm kiếm của ăn, lương thực nuôi sống linh hồn. Sau cùng, Ngài mạc khải: Ta là Bánh hằng sống từ Trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Hôm nay, Chúa Giêsu mặc khải rõ ràng và tuyên bố: Thịt Tôi thật là của ăn và Máu Tôi thật là của uống. Chúa Giêsu biết trước là người Do Thái không dễ để đón nhận mạc khải này. Vì vậy, Chúa đã phải khởi đi từ việc đói khát, tìm kiếm của ăn thể xác, để nói về việc đói khát trong tâm hồn; từ việc cho họ của ăn là bánh thường ngày, để dẫn họ đến bánh ban sự sống và quả quyết lương thực ban sự sống ấy chính là Thịt Máu của Người.
Quả thật, Tin Mừng hôm nay cho thấy người Do Thái đã phản đối một cách gay gắt trước mặc khải của Chúa Giêsu khi Người nói với họ: Tôi là bánh hằng sống từ Trời xuống… Bánh Tôi ban tặng chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống. Họ tranh luận với nhau: Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? Đây là điều không dễ dàng chấp nhận nếu hiểu theo nghĩa thông thường, hoặc hiểu thịt máu theo nghĩa tự nhiên. Đối với người Do Thái, việc ăn thịt và uống máu theo nghĩa đen như thế quả là phi lý, vì ngay trong đời sống thường ngày, người Do Thái cũng chỉ được phép ăn thịt một số loài vật mà thôi và tuyệt đối không bao giờ được phép đụng đến máu hoặc ăn, uống máu. Vì máu là sự sống thuộc quyền của Thiên Chúa, máu là vật linh thiêng không được phép chạm tới. Thế nên, nói đến việc uống máu là điều không thể đối với họ. Đàng khác, người ta chỉ ăn thịt những con vật đã bị giết thịt trước đó. Vì vậy, khi Đức Giêsu nói đến việc ăn thịt Tôi, thì có nghĩa là phải bị giết trước đã, mà việc giết người là một tội rất nặng. Theo cách hiểu của nhiều người trong đám đông khi nghe Chúa Giêsu nói thịt máu Người là của ăn, của uống, họ cho rằng đó là ăn thịt người.
Chúa Giêsu thấu biết suy nghĩ và những tranh luận của người Do Thái, Người lại tiếp tục giải thích thêm cho họ khi nói với họ rằng: Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Chúa Giêsu muốn những người Do Thái hiểu theo nghĩa siêu nhiên những gì Người vừa mặc khải. Người nhấn mạnh đến việc ăn thịt và máu để được sống lại và sống đời đời, chứ không dừng lại ở của ăn thường ngày. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn dùng từ ngữ “ở lại” để nói lên một tương quan thân mật giữa Chúa và những người ăn thịt và uống máu Ngài sẽ: ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy. Việc ở lại này là sự ở lại để đón nhận, hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa: Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi sẽ sống nhờ Tôi như vậy. Như thế, Chúa Giêsu quả quyết bánh là thịt máu của Người hoàn toàn khác với bánh Manna mà tổ tiên người Do Thái đã ăn trong hoang địa. Bánh trong hoang địa chỉ để no bụng, còn bánh Chúa Giêsu ban tặng là để trao ban sự sống của Thiên Chúa cho người đón nhận.
Với mạc khải như trên, thì không dễ gì để người Do Thái có thể hiểu và đón nhận ngay được. Để đón nhận được mặc khải này, họ phải vượt qua được sự ngây ngô, khờ dại và giới hạn của lý trí, thay vào đó là phải có thái độ khiêm nhường và một đức tin chắc chắn vào Chúa Giêsu; Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, để cứu chuộc và nuôi sống nhân loại. Sách Châm Ngôn kêu gọi: Hãy đến mà ăn bánh của Ta và uống rượu Ta pha chế. Đừng ngây thơ khờ dại nữa và các con sẽ được sống.
Chúa Giêsu đã thực hiện việc trao tặng máu thịt của Người cho nhân loại qua bữa Tiệc Ly, ngày Thứ Năm, trước khi Người chịu tử nạn. Có thể nói rằng: trong bữa tiệc ly này, Chúa Giêsu đã thực hiện một cuộc hiến tế trọn vẹn, biến máu thịt và cả con người của mình thành của lễ dâng lên Chúa Cha. Người đã đổ máu cách mầu nhiệm khi dùng quyền năng của Thiên Chúa biến bánh và rượu trở nên Máu Thịt của Ngài: Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy. Các con hãy cầm lấy mà uống, đây là chén Máu Thầy. Và Chúa lại làm cho máu thịt ấy vẫn giữ nguyên hình dạng và mùi vị của bánh và rượu. Không những thế, Chúa Giêsu còn muốn trao ban máu thịt của Người mãi mãi cho nhân loại. Vì vậy, Người đã trao cho các tông đồ quyền để nhân danh Người mà nối dài lễ hy sinh cứu độ của Người cho đến tận thế: Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.
Máu thịt của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục và không ngừng được trao ban cho nhân loại qua thánh lễ mỗi ngày, khi chúng ta đón rước mình và máu thánh Chúa vào trong tâm hồn. Trong thánh lễ, bánh và rượu được trở nên máu và thịt của Chúa Giêsu. Khi đón rước tấm bánh bé nhỏ đó, là chúng ta được đón rước chính máu thịt và cả con người của Chúa Giêsu vào tâm hồn. Chúa sẽ ở lại trong tâm hồn ta và thông truyền sức sống của Chúa cho ta. Đồng thời khi đón rước Mình Máu Chúa vào tâm hồn, ta cũng được ở lại với Chúa và nên một với Chúa; đón rước Mình Máu Chúa mỗi ngày sẽ là bảo đảm chắc chắn cho chúng ta đón nhận được sự sống đời đời.
Tuy nhiên, để đón nhận Mình Máu Thánh Chúa và sự sống đời đời, được ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong ta, đòi chúng ta phải biến đổi. Vì chúng ta không thể đón Chúa vào tâm hồn, khi tâm hồn chúng ta bị tội lỗi cản trở, chúng ta không thể đón nhận được sự sống nếu chúng ta để linh hồn mình ngập chìm trong tội lỗi và sự chết. Chúng ta cũng sẽ không thể ở lại trong Chúa và để Chúa ở lại trong ta khi lòng ta còn chứa đầy sự giận hờn thù ghét anh chị em.
Ăn thịt và uống máu Chúa, đón Chúa vào tâm hồn, chúng ta để cho Chúa biến đổi bản thân và cuộc đời ta nên giống Chúa; để cho sự sống của Chúa trở nên nguồn sinh lực cho mọi hoạt động của cuộc đời. Đón nhận Thịt Máu Chúa mỗi ngày, ta sẽ được Chúa hiện diện và ở cùng ta trong mọi nơi mọi lúc, Chúa sẽ trở thành người thầy, người bạn đồng hành với chúng ta.
Nhiều gia đình đang dư thừa của ăn vật chất và những trang thiết bị tiện nghi, nhưng lại thiếu sức sống vì thiếu sự hiện diện của Chúa. Vì thế, cuộc sống gia đình trở nên đơn điệu, nhàm chán, cuộc sống thường ngày trở nên nặng nề, mệt mỏi. Đem Chúa về trong gia đình của mình, để cho Chúa ở lại và hiện diện trong gia đình mình, Chúa sẽ trở thành nguồn sức sống, sức mạnh giúp gia đình vượt qua những thăng trầm sóng gió trong cuộc sống; Chúa sẽ ban lại cho gia đình chúng ta niềm vui, nụ cười và hạnh phúc.
Thánh Phaolô trong bài đọc hai hôm nay khuyên chúng ta: Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại nhưng hãy sống như người khôn ngoan. Thánh Phaolô còn chỉ cho chúng ta những việc làm cụ thể, đó là: Chớ say sưa rượu chè, vì nó dẫn đến truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy dùng những bài Thánh vịnh, Thánh ca do Thấn Khí linh hứng mà ca tụng tôn vinh Thiên Chúa.
Xin Chúa giúp chúng ta tin tưởng chắc chắn và siêng năng đến tôn thờ, lãnh nhận Mình Máu thánh Chúa mỗi ngày, để Chúa trở nên nguồn an ủi, sự nâng đỡ và là lương thực bổ dưỡng cho chúng ta trên hành trình trần thế này và còn là bảo đảm chắc chắn cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu đời sau bên Chúa. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*