Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tám 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 7    
 1234
567891011
12131415161718
19202122232425
262728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

TÔN TRỌNG LUẬT CHÚA

Lm. Giuse Đổ Đức Trí

CHÚA NHẬT XXII TN B:
Thưa quý OBACE, chúng ta sống không phải là một đám đông lộn xộn, vô kỷ luật, nhưng là một xã hội có tổ chức, có kỷ luật, luật pháp. Sống trong xã hội, quốc gia, chúng ta sẽ phải tuân thủ các quy tắc xã hội, luật pháp quốc gia. Vi phạm luật pháp sẽ bị luật pháp trừng trị. Trong các tổ chức khác cũng thế, một khi đã tham gia vào tổ chức nào, tập thể nào, ta sẽ phải chịu sự chi phối bởi luật và những quy định của tổ chức ấy. Chẳng hạn khi gia nhập một đảng phái chính trị nào đó, thành viên sẽ phải tuân thủ theo điều lệ của đảng đó; khi gia nhập vào tổ chức hội đoàn, tôn giáo (bất cứ tôn giáo nào), ta cũng phải tuân thủ theo luật lệ của tôn giáo, hội đoàn đó. Giáo Hội của Chúa Kitô là một Giáo Hội có tổ chức, có phẩm trật, có giáo lý và giáo luật. Vì vậy, người Kitô hữu sẽ phải tuân theo giáo lý, giáo luật: luật của Chúa và của Giáo Hội. Luật của Thiên Chúa và luật trong Giáo Hội không nhằm ràng buộc hoặc hạn chế tự do của con người, nhưng là để giúp cho từng người sống trưởng thành hơn và biết sử dụng tự do của mình cách đúng đắn hơn.
Tuy nhiên, con người thường muốn tìm kiếm quyền lợi hơn là chịu trách nhiệm, muốn sống cách dễ dãi theo bản năng hơn là khép mình vào các luật lệ, quy định; muốm tham gia vào các tổ chức, kể cả tổ chức tôn giáo, nhưng lại không muốn tuân thủ các luật lệ, quy định của tổ chức, tôn giáo đó. Nhiều người còn muốn thay đổi luật lệ và quy định để có lợi cho mình. Đó cũng là điều mà các bài đọc Lời Chúa hôm nay cảnh báo cho chúng ta.
Bài đọc một sách Đệ Nhị Luật thuật lại sự kiện xảy ra sau cuộc ký kết giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel: Thiên Chúa nhận Israel làm dân riêng và cam kết bảo vệ Israel, còn Israel thì thề hứa sẽ giữ giới răn lề luật của Thiên Chúa đã ban. Tuy nhiên với thói hay thay đổi, muốn chạy theo lối sống của các dân ngoại chung quanh, người Do Thái không còn cảm thấy lề luật Thiên Chúa là khuôn vàng thước ngọc, là những quy tắc để gìn giữ bảo vệ dân tộc họ. Vì thế, Israel đã dần lơ là và bỏ qua lề luật của Thiên Chúa, họ tự ý giải thích và thêm bớt vào luật Chúa cho phù hợp với lối sống của họ thay vì phải khép mình theo lề luật của Thiên Chúa. Đàng khác, cám dỗ thờ các thần minh, sống theo lối sống của dân ngoại là một cám dỗ triền miên và mạnh mẽ hơn việc thờ phượng và trung thành với một Thiên Chúa vô hình. Vì thế, người Do Thái muốn tạo ra những tượng ảnh của Thiên Chúa theo suy nghĩ của họ và cũng thêm bớt luật của Thiên Chúa cho hợp với lối sống của họ. Đoạn sách Đệ Nhị Luật hôm nay, ông Môsê tuyên đọc luật của Thiên Chúa và giải thích cho dân nghe. Ông kêu gọi họ: Hỡi Israel, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định (của Thiên Chúa) để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và được vào Đất Hứa. Ông Môse còn nhấn mạnh: Khi tuân giữ và thực hành luật của Thiên Chúa, Israel sẽ là dân tộc trổi vượt trên các dân tộc khác, được coi là dân tộc vĩ đại, được Thiên Chúa ở gần mỗi khi kêu cầu Ngài.
Mặc dù rất nhiều lần dân Israel cam kết trung thành thờ phượng Thiên Chúa và tuân giữa các giới răn của Ngài, nhưng với thời gian, họ đã mau chóng quên lời cam kết với Thiên Chúa, họ tìm cách sống theo ý riêng của mình hoặc muốn sống cách dễ dãi như các dân ngoại. Đến thời Đức Giêsu, những thượng tế và luật sĩ được trao phó cho trách nhiệm bảo vệ sự tinh tuyền của lề luật và giải thích luật Chúa cho dân. Tuy nhiên, chính những người có trách nhiệm này đã sai lạc khi họ tự ý thêm nhiều chi tiết, nhiều điều khoản vào luật Chúa, biến luật trở thành nặng nề. Họ biến những điều chính yếu thành điều tuỳ phụ và biến những điều tuỳ phụ trở thành chính yếu. Các luật sĩ và thượng tế còn giải thích luật Chúa và thêm vào đó những điều luật có lợi cho nhóm của mình.
Tin Mừng hôm nay thuật lại một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các luật sĩ, họ lên tiếng trách các môn đệ của Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ăn theo tập tục Do Thái. Tập tục này phát xuất từ việc Thiên Chúa kêu gọi mọi người phải giữ tâm hồn luôn trong sạch, và giữ cho cuộc sống, hành động luôn trong sáng để có thể đến gần Thiên Chúa. Tuy nhiên theo thời gian, các luật sĩ đã biến việc giữ tâm hồn trong sạch bằng những nghi thức thanh tẩy bên ngoài như: rửa tay, rửa chén bát; các thực phẩm và đồ dùng khi mùa ngoài chợ về, người Do Thái rảy nước trên đó như là nghi thức thanh tẩy trước khi sử dụng. Việc rửa tay, rảy nước thanh tẩy này chỉ là nghi thức mang tính thói quen, tập tục, chứ không phải rửa tay giữ vệ sinh hoặc rửa thực phẩm trước khi chế biến như chúng ta vẫn làm ngày nay. Các luật sĩ và biệt phái không chỉ trách các môn đệ, mà họ còn trách Đức Giêsu vì đã không biết nhắc bảo cho các môn đệ của Người giữ các tập tục truyền thống đó.
Chúa Giêsu đã lên tiếng cảnh cáo những luật sĩ và biệt phái vì thói đạo đức giả. Họ đã bỏ qua ý nghĩa và đòi hỏi từ ban đầu của luật Thiên Chúa là giữ tâm hồn trong sạch và sống ngay thẳng, để giữ những tập tục vô hồn, vô nghĩa. Những người này chú tâm vào hình thức bên ngoài mà bỏ qua những đòi hỏi bên trong và chính yếu của lề luật. Những tập tục nghi thức bên ngoài của họ, chỉ là cách để che đậy sự xấu xa bên trong và đánh lừa lương tâm mà thôi. Chúa Giêsu đã trích lời tiên tri Isaia để nói với họ: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta… Các ông đã bỏ giới răn Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm.
Quay về phía dân chúng, Chúa Giêsu nói với đám đông: Không có gì từ ngoài vào trong con người lại có thể làm cho người ta ra ô uế được, nhưng chính cái từ con người xuất ra mới làm cho người ta ra ô uế. Điều này có nghĩa là đồ ăn thức uống, kể cả đôi tay chưa được rửa, không thể làm cho tâm hồn con người ra ô uế, nhưng những tư tưởng, suy nghĩ, hành động phát xuất từ con người sẽ gây ô uế cho con người. Đó là những ý định, ham muốn xấu xa như: tà tâm, trộm cắp, giết người, tham lam, độc ác, ganh tị, ngông cuồng… những hành vi tư tưởng đó sẽ làm cho tâm hồn ra ô uế và dẫn tới những hành động xấu xa. Như thế, Chúa Giêsu muốn nói rằng: việc thanh tẩy, gìn giữ tâm hồn trong sạch, hành động ngay thẳng, trong sáng, thì quan trọng hơn là giữ các nghi thức thanh tẩy bên ngoài.
Thưa quý OBACE, đời sống đức tin của chúng ta nếu không được hướng dẫn bởi Lời Chúa và giáo lý, không được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện, gặp gỡ tiếp xúc với Thiên Chúa, không tham dự thánh lễ và lãnh các bí tích, thì sớm muộn cũng sẽ trở thành thói giữ đạo hình thức bên ngoài. Một khi đời sống đức tin chỉ còn là cái vỏ bên ngoài, chỉ mang danh là người có đạo, thì người ta cũng chỉ tuân giữ và làm những việc hình thức bên ngoài để trấn an lương tâm và che mắt người khác. Điều đó có thể đang xảy ra nơi nhiều tín hữu: họ giữ đạo cách tối thiểu bên ngoài mà không có sự triển nở chiều sâu bên trong, họ tham dự thánh lễ, cầu nguyện cách vô hồn, cho qua lần, cho xong bổn phận mà không chú tâm, không hiểu biết, không yêu mến. Nhiều người Kitô hữu giữ đạo theo kiểu dân ngoại, thực hành đạo theo cảm tính, tin kiêng theo kiểu mê tín, mù quáng và không hiểu biết.
Có nhiều người tin Chúa, theo Chúa nhưng đời sống, lời nói và hành động hoàn toàn trái ngược nhau. Họ vẫn đi lễ, vẫn rước lễ nhưng lại hành động cách bất công, làm ăn gian dối, lời lẽ chua cay độc địa. Có nhiều người, nhiều nơi chỉ quan tâm đến việc rước sách trống kèn bên ngoài, mà không quan tâm làm mới, làm đẹp trong tâm hồn. Có những người không dám rước lễ bằng tay, vì sợ bất xứng, nhưng môi miệng lại toàn những sự dối trá và tâm hồn đầy tràn sự dâm ô nhơ bẩn.
Con người chúng ta luôn bị cám dỗ tìm kiến sự dễ dãi thoải mái, chuộng hình thức hơn nội dung và luôn tìm cách biện minh cho hành động sai trái của mình. Trong đời sống đạo cũng vậy, ta bị cám dỗ coi luật Chúa như một gánh nặng và vì vậy, ta tìm cách luồn lách để giảm nhẹ luật Chúa. Vì không hiểu biết giáo lý và Kinh Thánh, vì không có đời sống cầu nguyện, gặp gỡ thân mật với Chúa, nên đời sống đức tin của ta chỉ là hình thức bên ngoài, các hành động lời nói của ta trái ngược với Tin Mừng. Như thế, đời sống đạo của ta sẽ không khác gì các luật sĩ và biệt phái, giữ đạo nhưng không thực hành, hoặc thực hành nhưng không hiểu biết; tin Chúa nhưng không biết gì về Chúa; đi lễ, đến nhà thờ mà không biết mình đến làm gì.
Xin Chúa giúp mỗi người xác tín rằng, lề luật của Thiên Chúa là để gìn giữ, bảo vệ ta; việc thực hành đời sống đức tin như cầu nguyện, dâng lễ, lãnh các bí tích, học hỏi về Chúa giúp ta mỗi ngày mỗi đến gần Chúa hơn. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*