Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Bảy 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 6    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

TẠ ƠN NGƯỜI ĐAU KHỔ

PM. Cao Huy Hoàng

Khánh nhật Truyền giáo

Sau giờ tập hát, các ca viên ở giáo xứ tôi có lệ cầu nguyện chung mươi phút rồi mới về. Hôm ấy, đến phiên của anh T. hướng dẫn cầu nguyện. Anh ấy nói một hơi với Chúa những lời tự phát nầy:

“Lạy Chúa, tuần trước trên đường đi làm về, bất thần bị choáng, con dừng xe máy ở gầm cầu Sài gòn, và ngồi xuống nghỉ một lát. Con đã thấy và nghe đôi vợ chồng già hành khất kia cùng đọc kinh chuỗi thương xót: “Xin thương xót con và toàn thế giới.” Họ đọc kinh thật sốt sắng trong thế giới gầm cầu u tối của họ. Ngoài kia, một thế giới hoàn toàn khác. Con chợt nhận ra rằng, con đang sống trong cuộc đời nầy, và con đang được nhiều hơn, được hay hơn, được tốt đẹp hơn điều con muốn, là nhờ bởi ơn Chúa ban xuống cho con. Nhưng có một điều lâu nay con không để ý tới, và cũng có thể là chưa ngờ tới, đó là, ơn Chúa ban cho con không hẳn do lời con cầu nguyện, nhưng lại là do lời cầu nguyện của những con người đau khổ, bất hạnh nhất trong cuộc đời nầy! Có thể con đang được nhiều nhất, nhờ bởi lời cầu nguyện của người con khinh rẻ nhất.

Con xin ghi ơn những người đau khổ, thấp kém. Chúa đã gửi ơn Chúa xuống cho con qua những địa chỉ mà con không ngờ!

Vâng, vì

Địa chỉ của ơn Chúa cho con và cho toàn thế giới, lại là những lời kinh âm thầm của những anh chị em nghèo khổ đói rách hằng đêm cầu xin dưới gầm cầu, nơi bãi rác, khu nhà ổ chuột, trong những nhà trọ rẻ tiền, mất vệ sinh, mất cả an ninh. Họ bằng lòng chấp nhận nghèo khổ cho con được giàu có. Họ bằng lòng thiếu thốn cho con được đầy đủ. Họ bằng lòng rách nát cho con được tươm tất, chỉnh tề. Họ bằng lòng mất cả điều kiện môi trường xanh sạch đẹp cho con được cơ ngơi lộng lẫy, biệt thự sang trọng, phương tiện đàng hoàng.

Điạ chỉ của ơn Chúa cho con và cho toàn thế giới lại là những lời kinh can trường của người câm biết đọc biết hát, của người điếc biết lắng tai nghe, của người mù đang trông thấy, của người què quặt tật nguyền đang nhảy múa tưng bừng hồn nhiên trước mặt Thiên Chúa. Con chợt nhớ một ông anh lớp trên con, sau khi bị stroke, liệt nửa thân người, ngồi xe lăn và vẫn thường kết hiệp với đau khổ của Chúa lúc ba giờ chiều để cầu nguyện cho mình và cho bao người khác. Vâng những người tật nguyền của Chúa Kitô đang gắn liền đời mình với Đức Kitô đau khổ, để biến đau khổ thành niềm vui và thành lời kinh thánh thiện nhất. Chính họ đã chấp nhận thương tích cho con được đẹp đẽ lành lặn, toàn vẹn.

Địa chỉ ơn Chúa cho con và toàn thế giới lại là những tiếng nấc đau thương đẫm lệ bên vũng lầy tội lỗi của những con người chưa tìm ra lối thoát hiểm khi chưa tìm được cái ăn cái mặc, chưa tìm được cách trả cái nợ cái nần, chưa khắc phục được đời sống thiếu đói của cha mẹ gia đình nơi vùng quê nghèo mạc rệp! Chính họ đang trong thế “chẳng đặng đừng” chấp nhận một cuộc sống mất nhân phẩm hay là nhân phẩm thấp kém dưới mức tồi tàn vì tội lỗi, để cho con và bao người nhận ra được cái may mắn trong cuộc đời mình! Thế mà có khi con không thấy, hoặc là con còn buông lời ta thán hay ngạo mạn khinh thường!

Địa chỉ ơn Chúa xuống cho con và toàn thế giới là những bữa cơm đầm đìa nước mắt trong những gia đình cơm không lành, canh không ngọt. Ở đó, sự chịu đựng của những người vợ, người chồng, và cả sự chịu đựng của con cái đã đến mức quá sức, chỉ còn lời kinh âm thầm mới là sức mạnh để vượt qua những oan nghiệt của cuộc đời, nhất là đời làm vợ, làm mẹ. Những lời kinh của niềm tin và niềm hy vọng ấy đẹp lòng Chúa biết bao, khi họ chấp nhận những cay đắng ê chề, mà cầu nguyện cho hạnh phúc của tha nhân. Đã không thiếu những đôi vợ chồng trẻ được hạnh phúc nhờ ơn Chúa qua lời cầu nguyện của những người làm cha làm mẹ một đời bất hạnh.

Địa chỉ của ơn Chúa cho con và toàn thế giới lại là lời kinh của những người bị đàn áp vì đấu tranh cho tự do, cho công bằng, cho chân lý; lại là lời kinh của người bị chụp mũ, khủng bố, lộng hành, hay đang bị nhốt trong tù để bịt miệng khóa mồm không cho nói lên sự thật; lời kinh nguyện thầm trong đắng cay của một lãnh đạo tôn giáo uy tín đầy nhiệt huyết cho Nước Thiên Chúa và chân lý đang bị tẩy chay nếu không nói là lãnh án treo lộ liễu từ nhiều phía quan tòa!

Vâng, lạy Chúa, con đang được nhiều hơn điều con muốn, là nhờ ơn Chúa xuống qua những người đau khổ.

Chính trong đau khổ, bất hạnh, trong cái cùng cực của cuộc đời mà họ vẫn giữ vững niềm tin niềm trông cậy, nhờ sự kết hiệp với đau khổ Chúa Kitô, và họ đã làm nên bao điều kỳ diệu cho nhân loại. Thế mà con vẫn vô tình không để ý tới.

Xin Chúa tha thứ cho con, và xin ban lại muôn hồng ân cho những người đau khổ đã âm thầm cầu nguyện cho con, cho chúng con, cho ca đoàn con, và cho toàn thế giới….”

Thì ra, khi chấp nhận đau khổ, và kết hợp đau khổ với Chúa Giêsu, thực sự những người đau khổ đang truyền giáo cho chúng ta, cho nhân loại.

Một giả sử cho những người đang hoạt động cho các công việc truyền giáo cụ thể, là, nếu chúng ta ở trong điều kiện của những người đau khổ, liệu chúng ta còn có niềm tin, niềm trông cậy không? Có một linh mục trẻ nói khôi hài: “Thời nay, có được sai đi tới đâu, cho là tới vùng sâu vùng xa hay mạn ngược, thì cũng đi xe hơi xe máy chứ đâu có đi bộ mà vác thánh giá; rồi cũng uống rượu cần, rượu dầm mật gấu đại bổ, chứ đâu đến nỗi phải uống dấm chua mật đắng. Bao giờ chạm được cái đau khổ của Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, mới thật sự đạt đỉnh cao của ý nghĩa truyền giáo. Hãy cầu nguyện cho chúng tôi”.

Quả đúng vậy, lý tưởng truyền giáo là kết hợp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Vì thế, Lời Chúa Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo không giới thiệu cho chúng ta một thuyết gia hùng hồn về Nước Thiên Chúa, nhưng lại giới thiệu một “người tôi tớ đau khổ và trung tín của Thiên Chúa” đã chấp nhận cái khốn cùng của kiếp nhân loại cho đến chết, và qua cái chết ấy, Thiên Chúa chấp nhận như lễ đền tội cho toàn thế giới (Is 53, 10-11) để toàn thế giới được tái tháp nhập vào tình thương của Thiên Chúa, tái thiết lập mối tương quan thân tình Cha – Con với Thiên Chúa (Dt 4: 14-16). Chúa Giêsu nói rõ hơn tính cách của người truyền giáo, trong Tin Mừng Mc 10, 35-45, rằng người truyền giáo là người đến để phục vụ mọi người và làm giá chuộc cho mọi người.

Trong cuộc đời mỗi người đều có những đau khổ riêng, nhưng giá trị của các đau khổ là ở chỗ chấp nhận và kết hợp đau khổ của mình với đau khổ của Chúa Giêsu Kitô, người tôi tớ trung tín của Thiên Chúa, để nên niềm vui, nên phần rỗi cho mình và nên lời nguyện cho người khác được công chính, nên giá chuộc cho người khác được cứu rỗi.

Lạy Chúa, xin dẹp bỏ trong chúng con những ý nghĩ truyền giáo to tát mơ hồ cho vinh danh chúng con. Xin nhen lên trong chúng con lửa mến yêu và lòng khát khao kết hiệp với Chúa Giêsu chịu đau khổ, để mỗi đau khổ chúng con chấp nhận, trở nên địa chỉ kho tàng hồng ân cho chính chúng con và cho người khác. Xin ban lại muôn ơn lành cho những người đau khổ đã hy sinh nên lời nguyện cầu cho chúng con được hạnh phúc. A men.


Có 01 phản hồi cho bài viết: TẠ ƠN NGƯỜI ĐAU KHỔ

  • Bai viet :Ta on nguoi dau kho , that gia tri, giup cho nguoi doc hieu hon nua ve gia tri cuoc song , nguoi Ngheo ho Ngheo dieu nay , nhung ho lai giau dieu khac ,Chua luon dung Nguoi Ngheo de nhac nho Nguoi Giau rang :Nguoi Ngheo la mon qua quy gia ma Chua tang cho nguoi giau .

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*