KHÁT TÌNH
TRẦM THIÊN THU
Thành Lũy Thánh Tâm An Toàn Ngơi Nghỉ
Mạch Nguồn Thương Xót Mãi Mãi Chảy Tuôn
Khi bị treo trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã thốt lên: “Tôi khát!” (Ga 19:28) Thật thảm thiết, tha thiết và da diết! Ngài mất máu nhiều nên khát nước là tất nhiên, nhưng điều Ngài khao khát là tình yêu.
Về thể lý, khát là tình trạng cấp bách hơn đói. Về tâm linh, Chúa Giêsu nói với phụ nữ Samari bên giếng Giacóp,: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa.” (Ga 4:14) Nhưng Cựu Ước nói: “Vì nhớ đến Ta thì ngọt ngào hơn mật và được Ta làm gia sản thì ngọt hơn tảng mật ong. Ai ăn Ta sẽ còn đói, ai uống Ta sẽ còn khát.” (Hc 24:20-21) Có gì mâu thuẫn? Không. Như người ta nói: “Vô tri bất mộ.” Vì thế, khi biết rõ thì mến, càng mến thì càng yêu, càng yêu nhiều càng say đắm. Đó là niềm khát khao đặc trưng của tình yêu.
Thiên Chúa hứa: “Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.” (Is 12:3) Tất cả đều miễn phí: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.” (Is 55:1) Thiếu gì cũng khổ, nhất là thiếu lương thực. Đại dịch covid khiến phải cách ly toàn xã hội, chắc chắn ai cũng đã đủ cảm nhận tình trạng thiếu thốn khổ như thế nào rồi!
Hãy đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu – Trung Tâm Thương Xót, nơi tuôn chảy Nguồn Tình dạt dào và vô tận qua hai dòng Máu và Nước – như đã được mặc khải cho Thánh nữ Maria Faustina Kowalska (còn gọi là Thánh Faustina Thánh Thể, OLM, 1905-1938).
Trái tim ai cũng có nhưng không ai thấy nó. Mặc dù không ai thấy tim nhưng vẫn khả dĩ cảm nhận. Tim là cơ phận rất quan trọng, vì tim là trung tâm phân phối sự sống. Tim còn đập là còn sống. Tim hoạt động âm thầm nhưng nuôi sống cả cơ thể. Mặc dù não là trung tâm điều khiển – ví như bộ tổng tham mưu, nhưng vẫn phải nhờ tim bơm máu. Người ta có thể chết lâm sàng, chưa chết thật, bởi vì tim còn hoạt động, mặc dù nhịp đập rất yếu ớt, khó nhận biết. Những người bị chứng bại não, sống đời thực vật, không biết phân biệt điều gì, nhưng họ vẫn sống nhờ tim vẫn hoạt động. Chừng nào tim ngừng đập thì sự sống mới chấm dứt thực sự.
Thánh Tâm Chúa Giêsu là Cao Nguyên Yêu Thương, Đại Dương Thương Xót, Nguồn Mạch Hồng Ân. Chính Thánh Tâm đã tuôn trào Nước và Máu để tẩy rửa và cứu độ các tội nhân – trong đó có mỗi người chúng ta. Chính Chúa Giêsu nhắn nhủ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11:28-30) Không ai lại không đau khổ, yếu đuối, mệt nhọc, tội lỗi,… thế nên ai cũng cần đến Thánh Tâm và Lòng Thương Xót của Ngài.
Mệnh danh là Tình Yêu, Chúa Giêsu mong muốn chúng ta đến với Thánh Tâm Ngài và ở đó mãi mãi: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Ước gì mỗi chúng ta biết tìm về nghỉ ngơi nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Thánh Tâm là cả hồng ân. Ơn cha nghĩa mẹ mà chúng ta còn không thể đáp đền huống chi Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Nhưng thật diễm phúc cho chúng ta vì chính Chúa Giêsu xác nhận: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Lc 5:32) Ngài đến thế gian để TÌM và CỨU những gì đã mất, (Lc 19:10) chỉ cần chúng ta tin vào tình yêu Thiên Chúa cao cả, bao la khôn dò thì chúng ta sẽ mãn nguyện. Chỉ có chúng ta rời xa Chúa chứ Chúa không bao giờ rời xa chúng ta: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49:15)
Qua ngôn sứ Êdêkien, Thiên Chúa đã mặc khải giao ước: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Israel, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được.” (Ed 34:11-13) Thật tuyệt vời! Đó là lời hứa chắc chắn, vì Thiên Chúa luôn trung tín trong mọi sự.
Hy vọng tràn trề, niềm vui chan hòa, bởi vì chúng ta được Thiên Chúa tiếp tục ban lời hứa: “Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Israel. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Israel. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” (Ed 34:14-16) Thật hạnh phúc khi được nương bóng cánh của vị mục tử như vậy! Nhưng lại thật bất hạnh nếu chúng ta cố chấp, như Chúa đã cảnh báo: “Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Mt 23:37; Lc 13:34)
Hồng ân nối tiếp hồng ân, tình yêu Thiên Chúa chứa chan muôn đời. Nếu thực sự có niềm tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, chúng ta khả dĩ tự nhủ và xác định như Thánh Vịnh gia: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.” (Tv 23:1) Và cũng có thể tự hào: “Chúa là gia nghiệp đời tôi.” (Tv 16:5) Nói được như vậy cũng là một cách tuyên xưng Lòng Chúa Thương Xót.
Thánh Phaolô giải thích về đức tin: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy.” (Rm 5:2-4) Một chuỗi hệ lụy vô cùng kỳ diệu, nhưng đó là sự thật chứ không là mơ.
Như muốn động viên để chúng ta an tâm, Thánh Phaolô giải thích thêm: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ Máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.” (Rm 5:5-9)
Là Đấng giàu lòng thương xót, Chúa Giêsu hết lòng yêu thương muôn loài, cách riêng là loài người – nhất là những người xấu xa nhất, thậm chí Ngài còn chết vì họ – tức là chúng ta. Theo thế gian, cách yêu như vậy bị coi là mù quáng, điên rồ, ngu xuẩn,…
Chắc hẳn chỉ có người điên khùng mới hành động như thế. Vậy mà Chúa Giêsu đã yêu như thế đấy. Nếu Ngài không “yêu điên rồ” như vậy thì chúng ta ngày nay không có cửa để hy vọng về trời đâu. Kinh Thánh nói: “Nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Ngài, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.” (Rm 5:10)
Không chỉ có vậy, Thánh Phaolô xác định: “Chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa.” (Rm 5:11) Tội nhân chúng ta thực sự vô cùng diễm phúc có một Thiên Chúa cao cả mà lại quá đỗi nhân lành như vậy.
Trình thuật Lc 15:3-7 ngắn gọn, nhưng hàm súc Đại Dương bao la Lòng Chúa Thương Xót: Một hôm, nhóm Pharisêu và các kinh sư xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Những người Pharisêu và các kinh sư là những nhà thông luật, hơn người về mọi mặt: giữ luật nghiêm túc, giỏi giang, đạo đức, nói hay, sang trọng, địa vị cao, quyền lực lớn,… thậm chí có thể còn có ngoại hình “dễ nhìn” và giàu có hơn người, nhưng họ cũng hơn người về những thứ xấu xa: hợm hĩnh, ỷ lại, hống hách, khoác lác, kiêu ngạo,… Nói chung, cái gì ở họ cũng hơn người. Ngôn ngữ ngày nay gọi họ là dạng “chảnh chọe” và chẳng ai ưa. Họ cũng là “hình bóng” của chính chúng ta ngày nay, chứ chẳng ai xa lạ gì đâu!
Đức Giêsu rất ghét thói đó, và Ngài kể dụ ngôn này: Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.” Vậy, tôi nói cho các ông hay: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
Họ cảm thấy rất khó chịu, ngứa tay và ngứa óc, vì họ luôn thấy những “cái lạ” ở Chúa Giêsu. Ngài gây “sốc” cho họ vì Ngài nói thẳng, nói thật, họ “chói tai” lắm. Đúng là Ngài “điên” thật: Có 99 con chiên béo tốt mà lại bỏ để rồi miệt mài đi tìm duy nhất con chiên yếu đuối, bệnh hoạn, xấu xí,… Quả thật, chúng ta không thể nào hiểu nổi! Nhưng cũng chính nhờ Chúa Giêsu yêu “điên cuồng” như vậy mà chúng ta mới được phục hồi cương vị làm con và được hứa thừa kế gia sản Nước Trời. Thực sự quá kỳ diệu đối với trí tuệ phàm nhân.
Chỉ mới nửa thế kỷ thôi, Chúa Giêsu đã mặc khải cho Mẹ Carmel (Milan, Ý) trong thời gian 1968-1969. Ngày 20-4-1968, Mẹ Carmel hỏi: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn con làm gì?” Chúa Giêsu nói: “Ái nữ của Ta, con hãy viết. Con sẽ làm Tông Đồ Tình Yêu Đầy Thương Xót của Ta. Ta sẽ chúc lành cho con. Ta sẽ đổ xuống trên con muôn vàn ơn thánh và những ân thưởng lớn lao. Ta cảm ơn con đã phổ biến Thánh Nhan Ta. Ta sẽ chúc lành cho các gia đình trưng bày hình ảnh Ta, và Ta sẽ hoán cải các tội nhân trong các gia đình đó. Ta sẽ giúp người lành tự cải tiến thêm, và những kẻ nguội lạnh trở nên sốt sắng hơn. Ta sẽ để mắt đến các nhu cầu của họ, và giúp họ trong mọi sự cần thiết, vật chất cũng như siêu nhiên.” Rồi Ngài đã xác định: “TA LÀ GIÊSU ĐẦY LÒNG THƯƠNG XÓT.”
Trước đó, khi mặc khải Thánh Tâm cho Thánh Margaritta Maria Alacoque (Marguerite Marie Alacoque, 1647-1690), một nữ tu khiêm tốn của Dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial (Pháp quốc), Chúa Giêsu đã cho bà thấy Thánh Tâm Ngài có lửa cháy, bị vòng gai quấn quanh và bị lưỡi gươm đâm thâu. Lần hiện ra quan trọng xảy ra trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu (Corpus Christi) năm 1675 – có thể là ngày 16 tháng Sáu, Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: “Hãy ngắm nhìn Thánh Tâm Ta yêu thương nhân loại biết bao… Nhưng thay vì được lòng biết ơn, Ta chỉ nhận được sự vô ơn…”
Và chính Ngài đã yêu cầu bà vận động thiết lập lễ kính Thánh Tâm vào Thứ Sáu sau lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Ngày 11-6-1899, ĐGH Lêô XIII đã tận hiến cả thế giới cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Thánh Nilus Sinai nói: “Khi bừng cháy lửa khát khao Thiên Chúa, có thể nói rằng tâm trí bạn sẽ dần dần giũ sạch được nhục dục và mọi suy tư hoặc ký ức đã bị gây ra do các ấn tượng xấu xa; đồng thời nó được tràn đầy lòng kính thờ và hân hoan. Bấy giờ, bạn có thể kết luận rằng nó đã đến được biên cương của sự cầu nguyện.” CP Eugénie Smet chia sẻ: “Trước khi làm cho tâm hồn mình trống rỗng hoàn toàn, người ta sống trong tình trạng bồn chồn bất định; và khi sự trống rỗng ấy đã được lấp đầy, người ta càng đau khổ hơn nữa. Tuy nhiên, trong sự đau khổ ấy có một niềm vui vì họ chỉ còn nhìn thấy một mình Thiên Chúa và chỉ khát khao một mình Ngài.”
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin cho con được nghỉ ngơi trong Ngài đời này và đời sau. Xin giúp con phân định đúng đắn những gì Ngài muốn và giúp con thi hành trọn vẹn. Xin thương tha thứ tội nhân con và dạy con biết cách “cuồng si” như Ngài. Xin Nước và Máu Thánh Ngài tẩy rửa đời con và cho con được vĩnh cư nơi Thánh Tâm Ngài suốt đời. Ngài là Đấng hằng sống, hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn đời muôn kiếp. Amen.
Nhận xét góp ý