CHÚA MỞ RỘNG VÒNG TAY ĐÓN NHẬN MUÔN DÂN
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Chúng ta nhớ lại câu chuyện ông Giôna trong sách tiên tri Giôna: Khi Chúa nói với ông: Hãy đến với dân thành Ninivê để kêu gọi họ ăn năn sám hối, vì Ninivê là một thành phố tội lỗi, bằng không Thiên Chúa sẽ huỷ diệt nó. Ông Giôna nhất định không chịu đi vì ông thà để nó bị tiêu diệt còn hơn được Chúa cứu. Ông đã xuống thuyền, nhưng không đến Ninivê mà đi theo hướng khác. Thiên Chúa đã cho sóng gió nổi lên, ông nhận ra lỗi của mình, ông xin người ta quăng ông xuống biển, thì biển yên lặng. Thiên Chúa không để cho ông chết chìm, Ngài cho một con cá lớn nuốt ông vào bụng, ba ngày sau nhả ông ra trên bờ biển. Ông Giôna bất đắc dĩ phải đi rao giảng cho dân Ninivê. Tuy nhiên, ông chỉ mới rao giảng một ngày, thì cả vua và dân, từ người đến súc vật, đã ăn năn sám hối.
Thưa quý OBACE, suy nghĩ của ông Giôna cũng là suy nghĩ chung của người Do Thái. Họ cho rằng chỉ có dân tộc Do Thái mới được ơn cứu độ và Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của người Do Thái mà thôi; những người dân ngoại đều đáng bị huỷ diệt.
Tuy nhiên, các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một cái nhìn rộng mở, vượt qua cái nhìn giới hạn của người Do Thái: Thiên Chúa là Chúa của tất cả mọi dân tộc, tất cả mọi người, Thiên Chúa mở rộng vòng tay đón nhận tất cả mọi dân. Mọi dân tộc trên thế giới đều được mời gọi vào nhà của Thiên Chúa.
Bài đọc một tiên tri Isaia mở ra cho dân Israel một cái nhìn mới rằng: Họ trở nên công minh chính trực trước mặt Chúa không phải vì họ là con cháu Abraham, nhưng là thi hành những điều Chúa muốn, sống công minh chính trực trước mặt Chúa và mọi người. Kẻ nào sống như thế, Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho kẻ đó. Hơn nữa, không chỉ dân Do Thái nhưng Thiên Chúa còn nói rằng: Những người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cũng trở nên tôi tớ của Người. Tất cả những ai giữ lề luật của Thiên Chúa và không làm điều bất chính, thì Thiên Chúa sẽ dẫn họ lên núi thánh của Ngài, vào nhà của Thiên Chúa.
Với quan niệm và cái nhìn này của Isaia, là một bước tiến trong quan điểm của người Do Thái về Thiên Chúa. Thế nhưng nhiều người vẫn thắc mắc: Khi người đàn bà xứ Canaan đến xin Chúa cứu con bà, thì dường như Chúa Giêsu từ chối và Ngài còn nói: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Israel.” Phải chăng Chúa Giêsu cũng mang suy nghĩ cũ của người Do Thái? Người đàn bà xứ Canaan là một người ngoại, không phải dân Do Thái. Họ là con cháu giống dân bản địa sống trên mảnh đất Palestin mà khi người Do Thái vào chiếm đất Canaan, thì đã biến họ thành nhóm dân thiểu số, dân ngoại. Vì sống chung với người Do Thái, người đàn bà này đã từng được nghe nói về Đấng Cứu Thế là con cháu dòng dõi vua Đavít. Khi nghe biết về Đức Giêsu, bà đã tin Ngài và khi tìm gặp Đức Giêsu bà đã cầu xin với lời tuyên xưng: “Lạy Ngài là Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm.”
Thánh Matthew kể lại phản ứng của Chúa Giêsu: “Người không đáp lại một lời.” Các môn đệ lúc đó cũng không xin hoặc nói giúp cho bà, trái lại các ông còn xin Chúa đuổi bà ấy về, vì bà ấy làm phiền. Chúa Giêsu tiếp tục từ chối và nói: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Israel.” Người đàn bà kia đã không bỏ cuộc trước sự im lặng và lời từ chối gián tiếp của Chúa Giêsu. Bà đến gần hơn và kêu cứu khẩn thiết hơn: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi.” Một lần nữa, Chúa Giêsu đã trả lời: “Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó.” Người đàn bà này cũng không thất vọng, bà lại tiếp tục đưa ra lý lẽ để giải thích cho sự kiên trì kêu xin của bà: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh bánh vụn từ bàn ăn của chủ rơi xuống.” Đức Giêsu đã cảm phục lòng tin của bà, đã chấp nhận lời kêu xin của bà và còn khen bà trước mặt mọi người: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn thế nào sẽ được như vậy. Con bà đã được khỏi bệnh.”
Điều gây khó hiểu cho nhiều người là: Tại sao Đức Giêsu lại phản ứng như thế? Có phải Ngài cũng cùng quan điểm với nhiều người Do Thái khi nói: “Thầy chỉ được sai đến với con chiên lạc nhà Israel?” Thưa, chắc chắn không phải như thế. Chúa Giêsu đến thế gian với sứ mạng đem Tin Mừng và ơn cứu độ cho mọi dân tộc, Ngài không giới hạn sứ vụ và ơn cứu độ nơi người Do Thái. Khi giữ thái độ im lặng và dùng những câu trả lời “cứng rắn” với các môn đệ, Chúa Giêsu muốn thử thách đức tin của các môn đệ và của người đàn bà. Vì chính các ông vẫn mang suy nghĩ giới hạn của người Do Thái, nên khi thấy Chúa Giêsu phản ứng bằng việc im lặng, các ông đã đồng tình ngay và còn xin Chúa đuổi bà về vì cho rằng bà làm phiền Chúa và các ông.
Đặc biệt, Chúa Giêsu muốn thử thách đức tin của người đàn bà. Chúa đã dùng một câu thành ngữ dường như nặng nề, để trả lời cho sự cầu xin của bà: “Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó.” Câu này không mang nghĩa khinh miệt theo cách hiểu của người Việt, nhưng là thành ngữ Do Thái, nói lên sự ưu tiên dành cho người thân, người nhà. Vì thế, người đàn bà đã không tự ái, không nản chí, nhưng bà vẫn tin vào thứ tự ưu tiên đó sẽ được thay đổi bằng sự chạnh thương và lòng trắc ẩn. Vì thế, bà mạnh dạn thưa lại: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh bánh vụn từ bàn ăn của chủ rơi xuống.” Bà biết mình không xứng đáng đón nhận tình thương của Chúa như một cái bánh, nhưng bà chỉ dám ước mong sự chạnh thương như một vài mẩu bánh vụn thì cũng đã đủ no thoả những khát mong trong tâm hồn bà, có thể cứu chữa được con bà trong lúc này. Chúa Giêsu đã thấy được nơi người đàn bà này một lòng tin chắc chắn. Vì thế, Ngài đã đáp lại bằng sự quảng đại, rộng rãi không giới hạn: “Bà muốn thế nào sẽ được như vậy. Từ giờ đó con bà được khỏi.”
Thưa quý OBACE, Thiên Chúa không loại trừ người nào, bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào, nếu tin tưởng chạy đến với Chúa thì sẽ được Chúa đón nhận; những ai kêu cầu Chúa với lòng tín thành, thì được nhận lời, và những ai tuân giữ giới răn lề luật của Chúa thì được kể là đoàn dân của Chúa, được tham dự vào Nước Trời. Như thế, cũng có thể nói ngược lại: Chỉ những ai cố tình từ chối không tin thì không được đón nhận; những ai vì kiêu ngạo tự mãn không cầu nguyện, thì không được nhận lời và những ai cầu xin thiếu thành tâm và tin tưởng thì cũng không thể đón nhận ơn Chúa; những ai không sống và thực hành giới răn lề luật của Chúa thì bị loại ra ngoài.
Là môn đệ của Chúa, chúng ta không thể từ chối lời mời gọi của Chúa. Tin Chúa được thể hiện qua việc hạ mình khiêm nhường trước mặt Chúa, dám thực hành Lời Chúa mời gọi, cho dù trước mặt là khó khăn, là chông gai, là hy sinh. Lòng tin được thể hiện qua sự kiên trì và khiêm nhường cầu xin như người đàn bà Canaan hôm nay. Bà đến với Chúa để cầu xin cách chân thành khẩn thiết. Và, vì mạng sống của con bà, bà chấp nhận “lẽo đẽo” theo sau Chúa, để cầu xin, để “quấy rầy”, cho dù có những lúc Chúa im lặng không trả lời, và kể cả cho dù, dường như có những khi bị Chúa từ chối, người đàn bà đó vẫn không nản chí không thất vọng.
Có những lúc chúng ta có cảm tưởng Chúa làm ngơ như thể không nghe tiếng ta van nài. Nhưng chắc chắn Chúa vẫn nghe, Chúa vẫn để ý đến thái độ thành khẩn và lòng tin chân thành của ta. Vì thế, đừng nản chí thất vọng khi cầu xin. Chúa muốn thấy nơi chúng ta sự thành tâm thiện chí, một lòng một dạ với Chúa. Chúa Giêsu vẫn hiện diện bên ta, dõi theo ta từng bước và cũng thấu hiểu hoàn cảnh của từng người, từng gia đình trong chúng ta. Thánh Lễ là nơi mỗi ngày, chúng ta có thể đến để tâm sự, kể cho Chúa nghe hoàn cảnh của mình, chuyện gia đình, chuyện công việc và bất cứ chuyện gì. Chúa không hề im lặng, Ngài sẽ trả lời cho từng người qua Tin Mừng được công bố trong thánh lễ mỗi ngày. Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa không chỉ cho ta một mẩu bánh từ bàn rơi xuống, nhưng Chúa cho ta được đồng bàn với Chúa, được ăn uống no say chính máu thịt của Ngài. Ngài cũng sẽ nói với chúng ta: Con tin như thế nào thì sẽ được như vậy.
Người đàn bà Canaan, vì con mình mà theo Chúa để nài xin. Xin cho các bậc cha mẹ cũng theo gương của bà, vì con cái, vì gia đình mà kiên trì đến với Chúa mỗi ngày. Hãy năn nỉ, quấy rầy, để xin Chúa cứu con mình khỏi sự hư hỏng, khỏi những lôi kéo của ma quỷ, tội lỗi và những lôi cuốn của thế gian hôm nay. Amen.
Nhận xét góp ý