THÁNH TÊRÊSA và SỰ HOÀN THIỆN
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)
Tại sao sự hoàn thiện có vẻ đơn giản đối với Thánh Têrêsa, Tiến sĩ Giáo hội, và chúng ta hiểu sai như thế nào?
Sự hoàn thiện là điều chúng ta không ngừng theo đuổi. Chúng ta muốn điểm số hoàn thiện, kỳ nghỉ hoàn thiện, người bạn đời hoàn thiện. Nhưng thường thì nhận thức của chúng ta về sự hoàn thiện tự nó không hoàn thiện. Khi Chúa Giêsu truyền lệnh cho chúng ta phải “nên hoàn thiện” (Mt 5:48) nhưng Ngài không dạy chúng ta phải hoàn thiện hoặc không tì vết, không bao giờ phạm sai lầm.
NGUỒN GỐC SỰ HOÀN THIỆN
Từ một góc độ nào đó, sự hoàn thiện ở trên trái đất này đơn giản là không thể. Bản văn cổ “Theology of Christian Perfection” (Thần Học về Hoàn Thiện Kitô Giáo) giải thích lý do: “Ngay cả trong tầm cao của sự hoàn thiện vẫn có những lỗi lầm và thất bại tự nguyện, như có thể được chứng minh trong cuộc đời của các thánh. Lý do là ngay cả khi các khả năng và sức mạnh của linh hồn được biến đổi thường được sắp xếp cho Chúa, chúng không thể hoàn thiện đến mức không bao giờ bị phân tâm hoặc sẽ không bao giờ trở nên gắn bó với những thứ được tạo ra, và do đó phạm phải một số khuyết điểm hoặc tội nhẹ. Trên thế gian không thể tránh khỏi mọi sự bất toàn.”
Trở nên hoàn thiện bắt đầu từ sự hiểu biết thẳng thắn về bản thân. Tôi Tớ Chúa Peter Semenenko giúp chúng ta hiểu điều này: “Tinh thần con người tự bản chất là hư vô. Chính nó không có gì có thể cung cấp cho con người sự đầy đủ, ý nghĩa, sự vĩ đại, sức mạnh và uy quyền, đó là mọi sự hoàn thiện. Nó chỉ có khả năng cho tất cả những điều đó.”
Lời Chúa kêu gọi sống hoàn thiện là sự mặc khải của Ngài cho chúng ta về vận mệnh của mình. Số phận là sự cấp bách mà chúng ta cảm thấy bên trong để tìm ra điều gì làm cho việc ở đây trở nên đáng giá. Thử thách của Chúa Kitô nhằm mục đích kích hoạt tính cấp bách đó cùng với sự sẵn sàng đón nhận chúng ta. Bởi vì sự hoàn thiện không ngụ ý là không tỳ vết. Thay vào đó, theo từ nguyên của từ ngữ này, sự hoàn thiện là sở hữu mục đích cuối cùng, vì mục đích đó mà chúng ta tồn tại.
Paul Claudel nắm bắt được động lực cốt lõi của tiến trình hoàn thiện: “Chúa Kitô nói với chúng ta rằng Ngài không đến để đem Thiên Đàng đến cho chúng ta ở đây và bây giờ, Ngài đến để đem đến cho chúng ta bầu trời và biển cả, nghĩa là Ngài đem tự do đến cho bạn. Ngài đến để đem lại cho bạn mong muốn và phương hướng, sự hiểu biết bí mật đó, trong suốt hành trình của bạn, về đích đến của bạn. Đối với gánh nặng đang đè bạn xuống, Ngài ban thêm khao khát. Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.”
Khi truyền lệnh cho chúng ta điều này, Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta làm điều không thể, mà là chấp nhận nó. Sự hoàn thiện xảy ra khi chúng ta cho phép người khác lấp đầy khả năng viên mãn của mình.
CÁCH THỨC HOÀN THIỆN
Rắc rối chính là khi cố gắng tuân theo lời kêu gọi của Chúa để trở nên hoàn thiện, chúng ta thường đi sai đường. Chúng ta mua chuộc lời dối trá rằng chúng ta trở nên hoàn thiện bằng cách đem đến cho Thiên Chúa những đức tính của chúng ta để Ngài xác nhận. Nhưng sự gắn bó với các đức hạnh của chính mình khiến chúng ta không thể nương cậy nơi Ngài, Đấng duy nhất có thể đáp ứng khả năng hoàn thiện của chúng ta. Điều đó trái ngược với sự hoàn thiện. Khi bận tâm đến sự tốt lành của chính mình, gọi là “chủ nghĩa hoàn thiện,” chúng ta vô hiệu hóa sự tốt lành của Chúa. Chúng ta làm cho lòng thương xót có thể tranh luận.
Vậy thì chúng ta phải làm gì để trở nên hoàn thiện? Đây là bí quyết: Hãy đem đến cho Chúa sự yếu đuối của chúng ta, sự bất lực của chúng ta, sự nhận biết thiếu tốt lành của chúng ta, nỗi khốn khổ của chúng ta – sự tuyệt vọng mà chúng ta phải đối mặt khi không có Ngài. Khi chúng ta dám ngừng cố gắng chứng minh mình tốt như thế nào, dám vui mừng trong chính sự yếu đuối của mình, chúng ta được Chúa làm cho hoàn thiện khi biết mình bất toàn. Chính sự thừa nhận khiêm tốn về sự yếu đuối thực sự của chúng ta đã thúc đẩy Chúa Cha chia sẻ sự hoàn thiện của Ngài với chúng ta.
Sự khôn ngoan của Thánh Têrêsa thể hiện sâu sắc: “Đối với tôi, sự hoàn thiện dường như đơn giản: Sự hoàn thiện hệ tại ở việc làm theo ý Chúa, ở chỗ trở thành điều mà Ngài muốn chúng ta trở thành. Tôi thấy chỉ cần nhận ra mình là hư vô và buông mình như một đứa trẻ trong vòng tay của Chúa là đủ.”
HOÀN THIỆN NHƯ CHA
Nhưng Cha trên trời hoàn thiện như thế nào? Thánh Tôma Aquinô cho biết: “Sự hoàn thiện của Thiên Chúa hệ tại tình yêu phong phú nhất dành cho tất cả mọi người, cả người tốt lẫn người xấu. Nó bao gồm sự dịu dàng, kiên nhẫn, điều độ và tiết chế những ham muốn: sự bình yên và tĩnh lặng cao nhất của tâm hồn, để không một tổn thương, phẫn nộ hay trả thù nào có thể ảnh hưởng đến nó; để người ta không nao núng và không đam mê.”
Chúng ta bắt đầu trở nên hoàn thiện khi chúng ta tin rằng Chúa Cha yêu thương chúng ta như vậy. Chúng ta được cung cấp phương cách hoàn thiện để chuẩn bị Rước Lễ, chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự chúng ta vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.” Và được làm cho hoàn thiện để rước Chúa vào lòng.
LM. PETER JOHN CAMERON, OP
Nhận xét góp ý