Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Mười 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 9    
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

CỦA CHÚA – TRẢ LẠI CHO CHÚA

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT XXIX TN A – CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO:

Cuộc sống xã hội có những điều xấu nhưng cũng có nhiều gương tốt. Theo dõi trên báo đài, chúng ta có thể thấy những vụ tham nhũng gian lận hàng ngàn tỷ đồng, những người này lấy tiền của dân, của công làm của riêng mình; nhiều cán bộ khác nhận tiền đút lót hằng ngày như thể là những đồng tiền mình làm ra bởi công sức mà không áy náy. Khi bị ra toà họ phải trả lại những gì đã lấy của công, còn phải trả bằng thời gian trong tù và trả bằng cả danh dự, bằng sự đau khổ của người thân. Trong khi đó cũng có nhiều tấm gương tốt: Có những người nghèo nhặt được một số tiền lớn vẫn tìm cách để trả lại người đã mất, có những em nhỏ chỉ nhặt được năm hoặc mười ngàn cũng không dám tiêu xài nhưng tìm cách gửi trả lại. Những người này đã không gian tham, không ham muốn hay sử dụng những thứ không phải của mình, nhưng tìm cách trả lại cho chủ sở hữu của nó.
Bài đọc một tiên tri Isaia nói về Kyrô – vua Babylon. Ông là người dân ngoại nhưng có một tâm hồn tốt lành. Ông yêu mến những người Do Thái đang phải làm nô lệ và đã ra lệnh trả tự do cho người Do Thái trở về Giêrusalem. Không những thế, ông còn cung cấp lương thực và vật liệu để người Do Thái có thể xây dựng lại Giêrusalem. Vị tiên tri đã nhìn thấy nơi ông như là một người được Thiên Chúa tuyển chọn và xức dầu, như người được Thiên Chúa dùng để thực hiện các chương trình của Thiên Chúa cho dân Do Thái. Vị tiên tri còn kính trọng và kể vua Kyrô như là người của Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa. Điều này cũng mở ra để cho thấy rằng: Có những người tuy không biết Chúa nhưng vẫn cố gắng để sống và làm những điều lương thiện, họ vẫn thuộc về Thiên Chúa và Thiên Chúa vẫn hoạt động qua những con người như thế, để thể hiện quyền năng của Người.
Trong đời sống đức tin, nhiều khi chúng ta cũng để mình sống trong tình trạng nhập nhằng, mập mờ giữa những gì là của Thiên Chúa và những gì là của thế gian. Hôm nay Lời Chúa cảnh báo cho chúng ta: “Của Cêsa hãy trả lại cho Cêsa, của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa.”
Lời tuyên bố nổi tiếng này của Chúa Giêsu xảy ra trong bối cảnh những người Biệt phái và những người phe Hêrôđê tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu. Họ đến với Chúa Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và chỉ dạy đường lối của Thiên Chúa, vậy xin Thầy cho ý kiến: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?” Câu hỏi này quả thực là khó, nó mang tính chính trị và tế nhị trong hoàn cảnh xã hội Do Thái lúc đó. Đất nước Do Thái lúc bấy giờ đang bị người Rôma cai trị, các hoàng đế Rôma gọi là Cêsarê, áp đặt thuế trên toàn lãnh thổ. Người Do Thái bị phân chia làm hai lập trường, một bên là những người hợp tác chấp nhận quyền của người Rôma, những người còn lại thuộc nhóm chống đối và tìm cách lật đổ. Vì thế, câu hỏi của những người Biệt phái dường như ép Chúa Giêsu phải tỏ rõ lập trường quan điểm chính trị của Ngài đứng về bên nào.
Những người Biệt phái đã muốn che đậy câu hỏi mang tính lập trường chính trị này bằng kiểu nói đạo đức với ý đồ như miếng mồi để gài bẫy Chúa Giêsu: Chúng tôi biết Thầy là người chân thật, và cứ theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy không vị nể ai, cũng không đánh giá người khác theo dáng vẻ bên ngoài, vậy xin Thầy cho ý kiến: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không? Nếu Chúa Giêsu trả lời là: Có, phải nộp thuế; thì họ sẽ có cớ để nói với mọi người rằng: Ngài có khuynh hướng ủng hộ đế quốc Rôma, tiếp tay với họ trong việc thu thuế, bóc lột dân chúng. Như thế, nhiều người Do Thái yêu nước sẽ quay lưng lại với Chúa Giêsu và không còn tin vào lời Ngài nữa. Nếu Chúa Giêsu trả lời là: Không, không nộp thuế, thì chắc chắn họ sẽ tố cáo Ngài với chính quyền Rôma và Ngài sẽ bị kết tội phản động và kích động dân chúng chống chính quyền.
Trước cái bẫy nham hiểm như thế, Chúa Giêsu biết ác ý của họ, Ngài không trả lời có, cũng không trả lời là không, nhưng Ngài đưa ra một yêu cầu cụ thể: “Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế.” Người Do Thái lúc đó sử dụng hai loại tiền: Tiền của người Rôma và tiền của người Do Thái. Vì vậy khi được yêu cầu, người Do Thái đã đưa cho Chúa Giêsu xem đồng tiền của người Rôma. Chúa Giêsu đặt câu hỏi lại cho họ: “Hình và huy hiệu là của ai? Họ đáp: Của Cêsa.” Hoá giải cho cái bẫy này, Chúa Giêsu đã không đưa ra quan điểm hay lập trường chính trị, vì sứ mạng của Ngài không phải để thiết lập chế độ chính trị, nhưng là để xây dựng tương quan mỗi người với Thiên Chúa và thiết lập Nước Trời. Trả lời cho câu hỏi này, Chúa Giêsu đã đưa ra quan điểm về chuẩn mực đạo đức, sự công bằng cần phải có: “Của Cêsa trả về cho Cêsa, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa.”
Câu trả lời của Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc nộp thuế, nhưng câu trả lời này còn là một đòi hỏi cho mỗi người để lấy lại sự cân bằng trong đời sống đức tin cũng như đời sống thường ngày: Trả lại cho thế gian những gì là của thế gian và trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.
Thưa quý OBACE, cuộc sống trên trần gian rất khắc nghiệt. Thế gian sẽ không bao giờ cho không ai điều gì: Ta bước vào trần gian với hai bàn tay trắng, khi từ bỏ trần gian ta cũng chỉ có thể ra đi với hai bàn tay trắng. Tất cả những gì thế gian trao tặng cho ta đều phải đánh đổi bằng công sức, cố gắng mỗi ngày. Thế nhưng ta cũng không thể chiếm giữ những thứ đó mãi mãi. Tiền bạc, của cải, danh vọng, địa vị của trần gian có thể đến và có thể đi bất cứ lúc nào. Ví dụ: Từ một ông chủ tịch của một thành phố lớn, giàu có, sang trọng, đi đâu cũng oai vệ có đoàn xe hộ tống, áo quần lịch lãm; vậy mà chỉ sau ít hôm đã trở thành một tên tội phạm, bị ra tòa, bị tù đầy nhục nhã, người đời khinh bỉ.
Khác với thế gian, Thiên Chúa không bao giờ đòi lại những gì Ngài đã ban tặng cho chúng ta. Thế nên, khi đón nhận được những ân huệ của Thiên Chúa, chúng ta thể hiện tấm lòng thảo hiếu và biết ơn bằng việc tôn thờ, tạ ơn và dâng lại cho Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Khi dâng lại cho Chúa với lòng biết ơn thảo hiếu lại là cơ hội Chúa ban tặng cho ta cách dồi dào phong phú hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống nhiều khi chúng ta đã đánh mất sự cân bằng, chúng ta để cho những điều phàm tục, những sự thế gian lấn át chỗ Thiên Chúa; nhiều người còn loại Chúa ra khỏi tâm hồn và cuộc sống của mình, coi việc thờ phượng Thiên Chúa chỉ là việc tuỳ phụ; nhiều khi chúng ta chỉ biết đón nhận và chiếm giữ nhưng không biết cảm tạ và chia sẻ cho anh em.
Như vậy, ta sẽ phải trả lại cho Thiên Chúa những gì là của Thiên Chúa? Trả lại cho Chúa thời giờ mỗi ngày. Chúa ban cho ta 24 giờ để sống, để ăn, để làm việc và để nghỉ ngơi. Chúa không đòi chúng ta 24 giờ, nhưng Chúa mong chúng ta dành cho Chúa một giờ trong ngày qua việc dâng lễ thờ phượng Chúa; Chúa muốn ta dành cho Chúa ít phút mỗi buổi tối để cùng với gia đình tạ ơn Chúa. Chúa cho ta sức khoẻ, trí tuệ, khả năng, chúng ta hãy dành lại cho Chúa hay nói cách khác là hãy dùng những khả năng, vốn liếng trí tuệ và sức khoẻ đó để làm vinh danh Chúa, phục vụ Chúa và Giáo Hội.
Chúa cho ta có gia đình: Vợ, chồng, con, cháu đều là quà tặng của Thiên Chúa. Chúng ta cần phải làm cho những quà tặng này trở nên đẹp đẽ, tốt lành cho cuộc sống và dâng tặng cho Chúa vợ, chồng để xin Chúa chúc lành. Con cái là hoa trái của đời sống gia đình, chúng ta hãy chăm sóc cho những hoa trái đó và quảng đại dâng những hoa thơm trái ngọt cho Chúa trong đời sống thánh hiến, phục vụ. Đó là cách ta góp công sức, hoa trái của gia đình vào việc truyền giáo.
Thân xác ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần, được Chúa Thánh Thần xức dầu thánh hiến trong ngày rửa tội; linh hồn ta là đền thờ nơi Thiên Chúa Ba Ngôi cư ngụ. Chúng ta biết dâng lại cho Chúa một thân xác, linh hồn đẹp đẽ, trong sạch xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa và trang hoàng cho đền thờ thân xác và tâm hồn chúng ta bằng sự trong sạch thánh thiện, bằng các nhân đức và những hy sinh hãm mình.
Nguyện xin Chúa cho mỗi người dám buông bỏ những thứ của thế gian để gắn bó với Chúa và Nước Trời. Xin cho mỗi người luôn nhiệt tâm dùng đời sống, lời cầu nguyện và việc làm cụ thể để Loan báo Tin Mừng. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*