Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tám 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 7    
 1234
567891011
12131415161718
19202122232425
262728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

Chữ NGÔN

TRẦM THIÊN THU

Chữ “Ngôn” có nhiều nghĩa, nhưng nghĩa trực tiếp và rõ ràng nhất là “nói” hoặc “lời nói.” Thường sử dụng là Ngôn Ngữ. Nói là “Ngôn” và đáp là “Ngữ.” Câu “ngôn bất tận ý” nghĩa là nói không hết ý. Câu “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” nghĩa là một lời nói ra, bốn con ngựa không đuổi kịp, ngụ ý khuyên phải cẩn trọng lời nói. Câu “quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” ngụ ý người chân chính chỉ nói một lời, không thay đổi. Câu “ngôn hành bất nhất” ngụ ý chê trách người hay thay đổi, nói một đàng mà làm một nẻo.

Chữ “Ngôn” được hiểu là lời ăn tiếng nói, tức là lời nói nhỏ nhẹ, nhã nhặn, kín đáo, dễ nghe, dịu dàng, có duyên,… kết hợp với cử chỉ phù hợp, thể hiện sự thanh lịch, đoan trang, thông minh, khôn khéo của phụ nữ. Lời nói đẹp phải đúng phép tắc, mạch lạc, nghiêm túc. Phải chuẩn mực trong ngôn ngữ giao tiếp, đòi hỏi người ta phải biết nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng phép, đúng người. Ngôn ngữ cần thiết đối với tất cả mọi người, cả nam và nữ, bởi đó là phương tiện giao tiếp, mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa của con người.

Chữ “Ngôn” được ghép với nhiều chữ khác tạo thành danh từ kép với ý nghĩa khác nhau: Dụ ngôn, ngụ ngôn, châm ngôn, cách ngôn, vĩ ngôn, ngôn sứ, ngôn ngữ, ngôn luận, tự ngôn, thông ngôn, phát ngôn viên,…

Có ngôn từ và phát ngôn. Khi phát ngôn, lời nói thể hiện giá trị văn hóa và bác ái. Cổ nhân dạy: “Lời nói là quyền năng. Đừng vội nói ra để người khác biết bạn là người khờ dại.” Văn sĩ Mark Twain nói: “Chẳng thà mình không nói để người ta tưởng mình ngu, còn hơn mở miệng ra để người ta không còn nghi ngờ gì nữa.” Mình làm chủ lời nói khi chưa nói ra, nhưng mình lệ thuộc lời nói khi nói ra rồi. Vì thế, hãy cân nhắc kỹ khi muốn nói ra điều gì, để người khác thấy lời đó có gia trị. Thật chí lý khi tiền nhân khuyên nên “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.”

Người mẹ nói với ba đứa con: “Con bê dùm mẹ chậu cây này.” Người con thứ nhất nhận thức đơn giản: “Được rồi, mẹ để đấy.” Người con thứ hai hiểu biết hơn: “Dạ, con sẽ làm.” Người con thứ ba có vốn sống văn hóa: “Dạ, con biết rồi, để đó lát nữa con sẽ làm.” Lời nói của người con thứ ba đầy đủ câu cú và ý nghĩa.

Khi phát ngôn, cần nói với đúng người, đúng lúc, đủ câu, đủ ý, nói sự thật chứ không thêm hoặc bớt, không làm người khác lo lắng,… Lời nói phải xác định, chắc chắn, rõ ràng, không lí nhí, mơ hồ,… Cần thì nói, ngắn gọn và đủ hiểu, không nói bừa bãi, không huyên thuyên, không lải nhải, không vòng vo, không rào trước đón sau. Có người thích đưa chuyện, thọc bên nọ thọc bên kia, thường không đúng ý nên dễ hiểu lầm, gây thù chuốc oán,…

Coi chừng phát ngôn không đúng lúc, không đúng chỗ, không đúng lúc, không biết người xung quanh bị tổn thương vì lời nói của mình, vì vậy cần chọn từ ngữ chuẩn xác, rõ ràng, phát ngôn khôn ngoan để không gây hậu quả. Thật thú vị với cách ví von của Samuel Johnson: “Ngôn ngữ là y phục của tư duy.” Và cách đặt vấn đề của George Orwell cũng rất hay: “Nếu tư duy làm ngôn ngữ đồi bại, ngôn ngữ cũng có thể làm đồi bại tư duy. Ngôn ngữ chính trị được tạo ra để khiến những lời dối trá nghe đúng thật, những kẻ sát nhân tỏ ra đáng kính trọng, và khiến gió có vẻ như rắn chắc.”

Ngôn ngữ nói và viết đều có thể tốt hay xấu, có thể “giết chết” hoặc “cứu sống” người khác. Vì thế, cần sử dụng ngôn ngữ tích cực: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” (Ca dao Việt Nam) Còn người Anh nói: “Lời nói đẹp, đó là chi phí thấp nhất để thu lợi cao nhất.” Như ly nước có đầy mới tràn, lòng mình thế nào thì nói ra như vậy. Ngôn ngữ cũng tương tự, và còn cho biết chính người nói lời đó: “Lời nói là tấm gương của tâm hồn: anh nói như thế nào, anh là như vậy. Tôi thường hối tiếc vì những gì mình nói, chứ không bao giờ vì sự im lặng của mình.” (Publilius Syrus) Đáng sợ nhất là ảnh hưởng đời đời: “Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án.” (Mt 12:37)

Chuyện kể rằng, một bầy ếch đi dạo trong rừng và có hai con bị rơi xuống một hố sâu. Tất cả các con ếch còn lại bu quanh miệng hố để kéo chúng lên. Nhưng khi thấy cái hố quá sâu, cả bầy liền nói với hai con ếch rằng chúng chỉ còn nước chết mà thôi. Hai con ếch bỏ ngoài tai những lời bình luận đó và cố hết sức nhảy lên khỏi hố. Những con ếch kia bảo chúng đừng nên phí sức, và chúng chỉ còn nước chết.

Một con ếch phía dưới nghe theo lời cả bầy đã nói, nó bỏ cuộc và lăn ra chết trong sự tuyệt vọng. Con ếch còn lại tiếp tục cố gắng nhảy. Một lần nữa, cả bầy xúm lại và hét lên khuyên nó đừng cố gắng nữa. Nhưng nó càng nhảy mạnh hơn. Cuối cùng, nó nhảy được lên bờ. Cả bầy vây quanh hỏi nó: “Anh không nghe tụi tôi nói gì hay sao?” Thì ra con ếch này bị nặng tai, nó tưởng cả bầy đã động viên nó.

Lời nói là chuyện của người khác, nghe hay không là việc của mình. Vì thế, đừng vì lời nói của người khác mà nản chí, buông xuôi. Nếu nói thì phải cẩn ngôn, đừng đổ dầu vào lửa. Một lời động viên khích lệ người đang bế tắc, thất vọng, có thể vực người ấy dậy và giúp họ vượt qua khó khăn, nhưng một lời tiêu cực có thể giết chết người đang tuyệt vọng.

Cuộc đời cần lắm một chút quan tâm, một chút chia sẻ, và thế giới sẽ tốt đẹp hơn. Nelson Mandela nói: “Nếu bạn nói với một người bằng ngôn ngữ mà anh ta hiểu, điều bạn nói sẽ đi được vào đầu đối phương. Nếu bạn nói với người đó bằng ngôn ngữ của anh ta, điều bạn nói sẽ đi tới con tim.” Ngôn ngữ quý ở sự giản dị, thật thà, còn chân tâm (tâm thật) quý ở sự sáng suốt, trung thành, quang minh chính đại. Ngôn ngữ có ảnh hưởng tâm hồn và tính cách của con người. Vì thế, “hãy nói rõ ràng, nếu bạn định nói; hãy trau chuốt từng chữ trước khi để nó ra khỏi miệng.” (Oliver Wendell Holmes)

Ngôn ngữ và hành động có sự khác nhau: “Ngôn từ có thể cho thấy sự sắc sảo của một người, nhưng hành động mới thể hiện ý nghĩa của họ.” (Benjamin Franklin) Ngôn ngữ bình thường mà khác thường, vì “lời nói luôn mạnh bạo hơn hành động,” (Friedrich Schiller) nhưng “lời nói trôi đi, hành động ở lại.” (Napoleon Bonaparte) Cái “ở lại” mới đáng quan ngại.

Mahatma Gandhi nói: “Hãy luôn nhắm tới sự hài hòa tuyệt đối giữa tư tưởng, lời nói và hành động. Hãy luôn nhắm tới sự trong sạch trong tư tưởng và mọi thứ sẽ tốt đẹp.” Bởi vì “kiếm làm tổn hại thân thể, ngôn từ làm tổn thương tâm hồn.” (Menander) Cái hại nào cũng có mức độ tang thương nhất định, chẳng cái hại nào hơn hoặc kém nhau.

Có những lời nói mà người nói cảm thấy đau đớn hơn người nghe, và có những giọt nước mắt mà người nhìn cảm thấy mặn đắng hơn người khóc. Một lời bất cẩn có thể nhóm lên xung đột, một lời tàn nhẫn có thể phá hỏng một cuộc đời, một lời tốt đẹp có thể xua tan sự căng thẳng, một lời yêu thương có thể chữa lành và chúc phúc. Nói tưởng dễ mà rất khó, chẳng vậy mà “người ta mất hai năm để học nói, nhưng phải mất sáu mươi năm để học cách im lặng.” (Ernest Hemingway) Người khôn ngoan biết điều gì nên nói và điều gì không nên nói.

Kinh Thánh cho biết có sự khôn khéo và sự can đảm ở người đàn bà Canaan. (Mt 15:21-28; Mc 7:24-30) Chúa Giêsu thẳng thắn nói: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Và Chúa Giêsu đã không thể làm ngơ mà phải chạnh lòng thương với con người như vậy. Liễu yếu đào tơ mà rắn hơn đá, cứng như thép.

Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh. Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường. Tri túc giả phú, cường hành giả hữu chí.” – Biết người là khôn ngoan, tự biết mình là sáng suốt. Thắng người là mạnh mẽ, thắng mình là mạnh mẽ thực sự. Người thành công phải tự thắng được chính mình.

Chữ “Ngôn” có liên quan ngoại ngữ. Charlemagne nói: “Biết ngôn ngữ thứ hai là sở hữu tâm hồn thứ hai.” Tất nhiên nó cũng liên quan âm nhạc và thi ca. Về âm nhạc, Gioachino Rossini nói: “Âm nhạc là loại ngôn ngữ hài hòa. Ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi dân tộc; ai cũng hiểu được nó, bởi nó được hiểu bằng trái tim.” Về thi ca, Umberto Eco nói: “Thi ca không phải là vấn đề cảm xúc, nó là vấn đề ngôn ngữ. Thi ca là ngôn ngữ tạo ra cảm xúc.”

Chữ “Ngôn” còn liên quan vấn đề khác: Cẩn ngôn – cũng là một cách tu thân. Có tu thân thì mới có thể tề gia, rộng hơn là có thể trị quốc, bình thiên hạ. Aristotle nhận định chí lý: “Biết mình là khởi đầu mọi sự khôn ngoan.”

Ngôn ngữ có thể là lời nói hoặc chữ viết, có hay và dở, có đúng và sai, có khen và chê, có hài hước và châm biếm. Chắc hẳn người Việt nào cũng hiểu XHCN là Xã Hội Chủ Nghĩa, nhưng người ta “dịch” ra những ý nghĩa rất độc đáo – và cũng rất cụ thể: Xạo Hết Chỗ Nói, Xét Hỏi Cả Ngày, Xù Hết Chủ Nợ, Xếp Hàng Cả Ngày, Xóa Hết Cội Nguồn, Xóa Hết Chữ Nghĩa, Xâm Hại Con Người, Xấu Hổ Cả Nước, Xuống Hố Cả Nước, Xuống Hàng Chó Ngựa, Xấu Hơn Cả Ngợm, Xơi Hết Cả Nhà, Xì Hơi Chết Người. Thật đáng thương cho những Việt nhân chân chính!

Lạy Chúa, con không biết ăn nói, (Gr 1:6) xin bảo ban dạy dỗ. (Tv 25:4-5) Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, Ngài đã am tường hết, (Tv 139:4) xin canh giữ miệng con và trông chừng lưỡi con, xin đừng để lòng con nghiêng về sự dữ. (Tv 141:3-4a)

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*