Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Chín 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 8    
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
30  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

GIÁC QUAN

TRẦM THIÊN THU

▶ Trầm Khúc – https://youtu.be/rbJD_eq11h0

Con người có ngũ quan – thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác. Có lẽ thị giác nguy hiểm nhất, vì từ đó dẫn tới những thứ khác. Sau đó là thính giác, rồi vị giác – nhưng vị giác ở đây có ý nói tới miệng lưỡi, liên quan lời nói. Ai cũng “quen” với hình ba chú khỉ tuyết Nhật Bản liên quan Mắt, Tai, Miệng. Hình đó minh họa điều tích cực: “Không Nhìn Điều Ác, Không Nghe Điều Ác, Không Nói Điều Ác.”

Có một người vừa điếc vừa ngọng được Chúa Giêsu chữa lành. Sự kiện này được kể trong trình thuật Mc 7:31-37. Hôm đó Chúa Giêsu rời vùng Tia để đi qua ngả Siđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh, một người vừa điếc vừa ngọng được đưa đến và xin Ngài đặt tay trên anh ta. Anh chàng này có hai giác quan bất ổn: tai và miệng.

Chúa Giêsu kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Cách chữa của Chúa Giêsu quá kỳ lạ, nhưng đó là cách Ngài thể hiện cho người ta dễ hiểu thôi, chứ Ngài không cần phải gì, nói một lời là xong hết. Rồi Ngài ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Épphatha! – Εφφαθα – Hãy mở ra!” Lập tức tai anh ta MỞ RA, lưỡi như HẾT BỊ BUỘC LẠI, và anh ta nói được rõ ràng. Ngài truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả, nhưng phàm nhân vốn hiếu kỳ, khoái làm ngược lời căn dặn. Thật vậy, Chúa Giêsu càng cấm họ thì họ lại càng đồn ra. Mà cũng không thể trách họ, vì họ quá kinh ngạc khi chính họ “mục kích sở thị” tỏ tường chứ chẳng phải nghe ai nói lại, nên họ bàn tán với nhau: “Ông ấy làm VIỆC GÌ CŨNG TỐT ĐẸP cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

Những gì bị đóng thì cần được mở ra. “Vừng ơi, mở ra!” là câu thần chú đã được Kasim sử dụng để mở cửa hang trong truyện “Nghìn Lẻ Một Đêm” – truyện cổ dân gian của Ai Cập và Ba Tư, nói về Ali Baba và 40 tên cướp. Kasim là anh của Ali Baba, giàu có và tham lam, nhưng không mở được cửa hang khi niệm các câu thần chú khác: “Đậu ơi, Kê ơi, Ngô ơi, Lúa ơi, Gạo ơi, mở ra!”

Ngũ quan cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày. Cần được mở ra nếu mắt mù, miệng câm, tai điếc. Đôi khi tim cũng cần được mở (mở van tim theo nghĩa đen, mở tấm lòng theo nghĩa bóng). Các cơ phận rất cần được mở để cơ thể hoạt động bình thường, nhưng tâm linh cần được mở hơn: Mở ra với Thiên Chúa, với đức tin, với đức khôn ngoan, với điều tốt, với đức ái, với lòng thương xót, với tha nhân,… Đôi khi chúng ta tưởng lòng mình đang “mở toang” mà lại vẫn “đóng kín.” Như Khổng Tử nói: “Đạo làm quân tử có bốn điều đúng: Mạnh dạn khi làm điều nghĩa, nhũn nhặn khi nghe lời can gián, lo nghĩ khi nhận bổng lộc, và cẩn thận đối với việc sửa mình; đời có bốn cái lo: Lo đức ít mà được sủng ái nhiều, lo công lập được ít mà được hưởng nhiều bổng lộc.” Rất đáng quan ngại!

Các đức tính cũng là “chìa khóa” để mở. Trình thuật Is 35:4-7a cho biết: Sau khi xử tội Êđôm và Giêrusalem toàn thắng, Thiên Chúa sai ngôn sứ Isaia nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em.” Thiên Chúa đã ra tay cứu thoát những bần dân khốn khổ vì bị thế lực trần gian áp bức. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, người què nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm reo hò. Mọi sự hoàn toàn khác hẳn, thế cờ đảo ngược: Kẻ yếu nên mạnh, chuyển bại thành thắng. Con người biến đổi, thiên nhiên cũng biến đổi: Nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu, miền nóng bỏng biến thành ao hồ, đất khô cằn có mạch nước trào ra. Mọi thứ đều được chính Thiên Chúa “mở ra” nên khác hoàn toàn.

Là phàm nhân yếu đuối, ai cũng có kinh nghiệm về việc bị ma quỷ “đóng chặt” khi phạm tội – tức là bị nó xiềng xích, và rồi lại có kinh nghiệm được Thiên Chúa “mở ra” khi biết ăn ăn sám hối. Không chỉ vài lần mà rất nhiều lần, càng nhiều tuổi càng nhiều kinh nghiệm. Vì thế, phải luôn tự nhủ: “Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” (Tv 146:2) Dù hoàn cảnh (chung và riêng) có thế nào, Thiên Chúa vẫn mãi là nơi ẩn náu và sức mạnh của các tín hữu: “Muôn dân náo động, muôn nước chuyển lay, tiếng Người vang lên là trái đất rã rời. Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi, Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.” (Tv 146:7-8) Đôi khi Thiên Chúa không thay đổi hoàn cảnh của chúng ta vì Ngài đang biến đổi tâm hồn chúng ta.

Mọi thứ chỉ là “chuyện nhỏ” đối với Thiên Chúa, vì hòn đá kia có thể trở nên con cái của Tổ phụ Ápraham – nếu Ngài muốn. Vô tri bất mộ. Càng trải nghiệm về Ngài thì không thể im lặng, phải công khai nói với người khác: “Đến mà xem công trình của Chúa, Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu. Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế, cung tên bẻ gẫy, gươm giáo đập tan, còn khiên thuẫn thì quăng vào lửa.” (Tv 146:9-10) Thiên Chúa chưa ra tay với ác nhân vì Ngài còn kiên nhẫn cho họ hưởng nhờ lòng thương xót mà ăn năn.

Thánh Giacôbê bảo chúng ta “phải kính trọng người nghèo.” Nghèo không chỉ về vật chất mà cả về tâm linh. Người nghèo khổ là đối tượng của Lòng Chúa Thương Xót, luôn được Ngài động lòng trắc ẩn và ra tay cứu trợ. Thánh Giacôbê nhắn nhủ: “Anh em đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư.” (Gc 2:1) Và ông đặt vấn đề: “Giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: ‘Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này,’ còn với người nghèo, anh em lại nói: ‘Đứng đó!’ hoặc ‘Ngồi dưới bệ chân tôi đây!’ thì anh em đã chẳng tỏ ra KỲ THỊ và trở thành những THẨM PHÁN ĐẦY TÀ TÂM đó sao?” (Gc 2:2-4)

Có lẽ lời thẳng thắn như vậy “chạm” vào tự ái của chúng ta. Cái mà người ta vẫn gọi là bình đẳng thì có thể lại không hề bình đẳng, chẳng hạn trong hệ lụy giàu – nghèo. Người ta ví von: “Miệng nhà giàu có gang có thép.” Họ có thể “xoay chuyển” đủ kiểu! Quả thật, thực tế cho chúng ta thấy những cách cư xử đối lập với Thiên Chúa, không chỉ ở giáo dân, mà đáng buồn là ở ngay những người mệnh danh là mục tử. Có người chỉ thích “chiên béo” và “chơi thân” với các giáo dân có “máu mặt,” không thì đừng mơ chi!

Chuyện không vui nhưng có thật: Linh mục H. ở xứ B. (hạt T., GP X.) nhận một phong bì tiền xin lễ từ một ông trong ban hành giáo, linh mục này liền xé phong bì, và gắt giọng: “Xin lễ có một trăm ngàn à. Từ nay ông đừng nhận phong bì xin lễ của ai nữa nhé!” Linh mục này thường xuyên “gần gũi” với những người có máu mặt trong xứ. Rồi giáo dân sẽ là những con chiên như thế nào khi họ cứ phải chứng kiến các động thái tương tự? Một linh mục trẻ khác (chưa được ba năm), hàng tháng gởi tiền vào ngân hàng, người ta nói là “sướng quá,” linh mục này nói: “Vì tôi là linh mục mà!” Một câu nói xem chừng rất ư bình thường nhưng lại chứa đầy vẻ cao ngạo!

Đúng là “tin đạo chứ không tin người có đạo.” Cứ cái “thói” phân biệt đối xử và kỳ thị như họ thì người nghèo không bao giờ được vào Thiên Đàng, vì họ “mở toang” với người giàu có, sang trọng, chức quyền,… nhưng lại “đóng kín, khép chặt” với người hèn mọn, yếu đuối, nghèo khổ,… Nhưng Thiên Chúa hoàn toàn trái ngược với họ, Ngài phê bình nặng nề và rõ ràng từng chi tiết, vì Ngài là người luôn nói thẳng nói thật, “không vị nể ai.” (1 Pr 1:17) Kẻ nào lộng hành, ỷ thế cậy quyền, mạo nhận mình “ngon lành” hơn người khác, chắc chắn Thiên Chúa sẽ “đóng kín” đối với họ. Ngài không thể “mở” với những kẻ đối lập với Ngài!

Thật chí lý khi người ta nói: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.” Có lẽ ngày xưa Thánh Giacôbê cũng thấy trái tai gai mắt nên mới tiếp tục nhắn nhủ: “Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn NHỮNG KẺ NGHÈO KHÓ trước mặt người đời để họ trở nên NGƯỜI GIÀU ĐỨC TIN và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao?” (Gc 2:5) Cách đặt vấn đề không hề dễ trả lời chút nào. Ai có thể trả lời ngay thì mới xứng đáng là môn đệ của Thầy Chí Thánh Giêsu, nếu không thì chỉ là “đồ giả,” mà “đồ giả” thì Chúa Giêsu rất ghét. (x. Mt 23:13-33; Lc 6:24-26; Mt 11:21-24; Lc 10:13-15; Mt 18:7; Mc 9:42-48; Lc 17:1-2; Pl 3:2; Kh 22:15; Mt 23:33) Nếu đọc lại mấy đoạn này, có thể chúng ta sẽ bị điếc và ngọng đấy!

Thánh Vịnh gia cầu xin chân thành: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.” (Tv 51:17) Ước gì chúng ta cũng luôn biết cầu nguyện như vậy. Xin được mở miệng để chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa chứ không để “mỉa mai” hoặc “chửi rủa” người khác. Đó cũng là một dạng khiêm nhường. Nhưng cũng nên lưu ý cách triết lý của Lev Tolstoy (người Nga): “Khi bạn ý thức được mình là người khiêm tốn nghĩa là bạn không còn khiêm tốn nữa.” Một triết lý sống thâm thúy không dễ gì ai cũng hiểu được!

Thật tuyệt vời với khẩu hiệu của trường nữ sinh Công giáo SJB (St. Jean Baptiste High School – Trường Trung Học Thánh Gioan Tẩy Giả), thuộc GP New York: “Parare Domino plebem perfectam – Chuẩn bị cho Thiên Chúa một dân tộc hoàn hảo.” Một cách “mở ra” cho tương lai thật tuyệt vời. Ước gì nền giáo dục của Việt Nam cũng biết “mở ra” hướng như vậy!

Lạy Thiên Chúa, xin Ngài mở ra những gì đã bị người đời đóng lại. Xin ban cho chúng con chìa khóa đặc biệt để chúng con có thể mở đời chúng con, xin giúp chúng con mở lòng ra với tha nhân theo cách của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*