Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Chín 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 8    
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
30  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

THÓI GANH TỊ TRONG ĐỜI SỐNG ĐẠO

Lm.Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT XXVI TN B:

Ganh tị là một trong những thói xấu có thể dẫn đến hậu quả trầm trọng. Người ta bị cám dỗ ganh tị nhau về danh tiếng, về sự giàu sang, thành công, khả năng và cả ngoại hình. Từ sự ganh tị, có thể dẫn đến tội ác. Trong cuộc sống hằng ngày, vì ganh tị với hàng xóm, mà dẫn đến chửi bới, chửi bóng chửi gió nhau. Trong xã hội, vì ganh tị, người ta không muốn người khác nổi hơn, được ca tụng hơn mình, họ tìm cách hạ bệ nhau. Trong Cựu Ước, sách các Vua kể lại việc vua Saolê ganh tị khi nghe các phụ nữ đón chào và hát mừng: Saolê giết được hàng ngàn, Đavít giết được hàng vạn. Lời này khiến cho Saolê bực bội, thù hằn với Đavít. Một ngày nọ khi Đavít đang ngồi gảy đàn trước mặt vua, vua đã lấy cây giáo để ghim Đavít vào tường, nhưng Đavít đã tránh được và bỏ trốn.
Sự ganh tị không chỉ diễn ra trong các tương quan xã hội, mà nó còn có thể xảy ra ngay cả trong đời sống đạo, trong các hoạt động tông đồ, bác ái. Bài đọc sách Dân Số hôm nay thuật lại câu chuyện thời ông Môsê: Lúc đó, để chia sẻ công việc với ông Môsê, Thiên Chúa truyền cho ông tuyển chọn 70 vị kỳ mục để Thiên Chúa trao ban Thần Khí của ông Môsê cho họ. Những người này sẽ trở thành cộng tác viên cùng với ông Môsê giảng dạy, điều hành dân chúng. Tuy nhiên, đến ngày hẹn tập trung để đón nhận Thần Khí, thì có hai người có tên trong danh sách lại vắng mặt, hai người này ở lại trong lều mà không đến điểm tập trung. Thế nhưng Thiên Chúa vẫn ban Thần Khí xuống trên 70 người, kể cả hai người vắng mặt. Hai người này ở lại trong lều và bắt đầu giảng dạy. Giôsuê là người học trò thân thiết với Môsê đã tỏ ra ganh tị vì hai người vắng mặt kia cũng được trao Thần Khí và lên tiếng rao giảng, trong khi dường như ông không được chọn vào nhóm 70. Ông Giôsuê đề nghị với thầy mình: Thưa Thầy, xin thầy ngăn cản họ! Ông Môsê không những không ngăn cản, mà còn nhắc cho ông Giôsuê: Anh ghen giùm tôi làm gì? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân, để tất cả họ đều là ngôn sứ. Điều này cho thấy, người ta có thể ganh tị nhau, dèm pha nhau khi thấy người khác làm việc của Chúa, sống tốt, làm điều tốt.
Các môn đệ của Chúa Giêsu cũng mang trong mình cái nhìn ganh tị như vậy. Các ông nghĩ rằng các ông là những người độc quyền trong việc rao giảng, làm phép rửa nhân danh Thầy. Ngoài các ông ra, không ai được phép rao giảng, làm phép lạ như các ông. Ông Gioan nói với Chúa Giêsu: Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã ngăn cản hắn, vì kẻ ấy không thuộc nhóm chúng ta. Các môn đệ không chỉ ganh tị khi thấy người khác nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhưng các ông còn tìm cách ngăn cản họ. Nghĩa là các môn đệ muốn nhóm của mình là nhóm độc quyền và không cho phép ai lấn sân của các ông. Sâu xa hơn nữa là vì các ông mang trong mình những suy nghĩ có tính cục bộ, một trái tim hẹp hòi không chấp nhận sự khác biệt.
Chúa Giêsu đã giúp các tông đồ có một cái nhìn rộng hơn, thoáng hơn khi Người đưa ra cho các ông câu trả lời: Đừng ngăn cản họ, vì không ai lấy danh Thầy làm phép lạ, liền sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Chúa Giêsu còn đưa ra cho các môn đệ một nguyên tắc mang tính bao dung độ lượng, đón nhận nhau và đón nhận cả những khác biệt của nhau: Ai không chống lại chúng ta, là ủng hộ chúng ta. Với nguyên tắc này, Chúa Giêsu muốn các tông đồ có cái nhìn tích cực, rộng mở đối với những người chung quanh. Có thể họ có những khác biệt về hoàn cảnh, trình độ, văn hoá, mặc dù họ không công khai ủng hộ chúng ta, nhưng cũng không chống đối, thì cũng được coi là những người ủng hộ chúng ta.
Nhân dịp này, Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Người bài học về sự bao dung quảng đại: Ai cho anh em, dù chỉ một chén nước lã vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Điều này có nghĩa là gì? Một chén nước lã không có giá trị gì về mặt vật chất. Điều làm nên giá trị của một chén nước lã, được kể là công phúc, được Chúa ghi nhận, đó là tấm lòng quảng đại, bao dung, sự quan tâm đối với người khác vì nhận ra Chúa Kitô nơi anh em mình. Đây cũng là điểm làm nên sự khác biệt căn bản giữa việc bác ái Kitô giáo với các công tác bác ái xã hội. Người Kitô hữu chia sẻ bác ái với anh em là vì Chúa Kitô và nhận ra Chúa Kitô nơi anh chị em chung quanh. Không chỉ làm những việc bác ái vật chất cho anh chị em, Chúa Giêsu còn muốn các môn đệ của Người làm những việc tốt lành, làm gương sáng cho người bé mọn, hèn kém và tất cả mọi người. Khi làm gương sáng cho người khác, là làm việc bác ái “phi vật chất”, bác ái trong tâm hồn. Vì thế, khi vô tình hoặc cố ý làm gương xấu, làm hoen ố tâm hồn và đời sống người khác, thì bị coi là điều đáng kết án, là điều đáng trách và là điều lỗi đức bác ái. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cụ thể để nói về sự lỗi bác ái này: Ai làm cớ cho những kẻ bé mọn phải sa ngã, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.
Sự ganh tị giống như một loại vi rút gặm nhấm và tàn phá tâm hồn con người. Nó biến chứng thành ganh ghét, đố kỵ, thù hằn và nguy hiểm hơn nữa là nó sẽ tạo nên những mưu mô độc ác nhằm hạ bệ người khác. Nguyên nhân dẫn đến sự ganh tị là thói kiêu căng, kiêu ngạo, không muốn ai bằng mình hoặc giống mình, muốn biến mình là trung tâm, là số một của vũ trụ.
Sự ganh tị không chỉ trong đời sống xã hội, trong làm ăn kinh tế, nhưng nó còn xảy ra trong đời sống cộng đoàn, trong các nhóm và các hoạt động tông đồ. Trong đời sống cộng đoàn, người ta vẫn đi nhà thờ, đi lễ, nhưng lại cũng rất thường xuyên nói xấu nhau, gia đình này nói xấu gia đình khác, nhóm này nói xấu nhóm khác. Trong các hội đoàn cũng vậy, hội đoàn này chê hội đoàn khác. Trong công tác tông đồ, nhiều người muốn tìm vinh quanh, danh dự, địa vị, ông này bà nọ, hơn là để phục vụ. Khi làm công tác tông đồ, họ bì tị lẫn nhau: Tại sao giáo họ tôi, hội đoàn tôi nhiều công tác mà họ khác hội khác ít hơn? Tại sao đi làm công tác tông đồ lúc nào cũng chỉ thấy những gương mặt thân quen, còn những ông kia bà kia không thấy mặt? Những suy nghĩ và thói ganh tị ấy sẽ lớn dần trong tâm hồn và đem đến những suy nghĩ, thái độ, phản ứng tiêu cực, gây chia rẽ trong cộng đoàn.
Sự ganh tị cũng có thể là nguyên nhân gây bất hoà trong gia đình. Anh chị em nghi kỵ lẫn nhau, không nhìn mặt nhau. Nguyên nhân gây ra ganh tị trong gia đình là do cha mẹ có cách cư xử thiếu công bằng trong con cái. Có những đứa con được cưng chiều hơn, đứa khác không được quan tâm; có đứa được phân chia nhiều tài sản, đất đai, nhà cửa hơn đứa khác, dẫn đến anh chị em ganh tị, bất hoà, cãi vã, không nhìn mặt nhau.
Để loại bỏ thói ganh tị trong tâm hồn, mỗi người cần tập sống bác ái, quảng đại, bao dung và nhìn nhau cách cảm thông, tích cực. Khi có một tâm hồn rộng mở, một trái tim bao dung, con người có thể dễ dàng đón nhận nhau, cảm thông cho nhau. Trái lại, khi tâm hồn hẹp hòi, trái tim nhỏ nhặt, người ta dễ dàng bì tị, dẫn đến ganh tị, dẫn đến ghen ghét và thù oán nhau. Chúng ta cần tập để sống bác ái cách cụ thể, của cho không bằng tấm lòng và cách cho. Vì thế, vấn đề không phải là ta có gì, nhiều hay ít để chia sẻ cho anh em, nhưng điều quan trọng hơn là ta có nhìn thấy nhu cầu của anh em, và có dám cho đi, dù chỉ là một chén nước lã, một cái nhìn cảm thông, một nụ cười khích lệ. Chúng ta còn phải tập sống bác ái trong tâm hồn với anh em, làm việc bác ái cách phi vật chất, bác ái bằng việc làm, bằng gương sáng và gieo những việc tốt vào tâm hồn, vào trong xã hội hôm nay. Loại bỏ khỏi mình sự nhỏ nhen ích kỷ, so đo tính toán, chê bai, dè bỉu để chúng ta cùng chung tay góp phần xây dựng đời sống cộng đoàn, giáo xứ và Giáo Hội mỗi ngày thêm tốt đẹp hơn. Mỗi người cần thấy mình có trách nhiệm với cộng đoàn và cố gắng hết mình để chu toàn trách nhiệm ấy, đóng góp công sức, tiền của để xây dựng cộng đoàn ngày một thăng tiến, hơn là phân bì người nọ người kia.
Chúng ta cũng tập sống bác ái quảng đại như thế trong gia đình. Mỗi người trong gia đình nhận ra trách nhiệm của mình với gia đình, chủ động, tích cực xây đắp tình yêu thương và lòng bác ái ngay trong gia đình mình. Khi mỗi người cố gắng tập như thế, thì thói ganh tị sẽ dần dần biến mất.
Xin Chúa giúp chúng ta biết tập sống quảng đại, bác ái, tập suy nghĩ cách bao dung, độ lượng và mỗi ngày biết loại bỏ khỏi mình sự ganh tị, ghen ghét, nhỏ nhen, giúp cho tâm hồn nên rộng mở hơn. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*