NGƯỚC NHÌN THÁNH GIÁ TÌNH YÊU
(Suy Niệm TM thứ 3 tuần II PS; Ga 3, 7b-15)
Huy Ánh
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục cuộc đàm đạo giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô về ơn tái sinh. Người nói: “Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ bị giương cao như vậy”. Có thể Nicôđêmô đã bắt được ý của Chúa, vì ông là bậc thầy của Israel. Rằng ơn cứu độ thì bởi Chúa, nhưng con rắn đồng kia cũng là dấu hiệu độ sinh. Dấu hiệu này, bây giờ Ðức Giêsu nói, sẽ là Con Người khi bị giương cao trên thập giá. Và đó là mạc khải hôm nay Người ban cho mỗi người chúng ta.
Lời Chúa: “Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời” (Ga 3, 15).
1. Thánh giá: dấu chứng tình yêu tự hiến
Thánh giá với Chúa Giêsu chịu đóng đinh chính là đỉnh cao của quá trình tự hiến. Chúa Giêsu vốn phận là Thiên Chúa, nhưng lại hủy mình ra không mà nhận lấy phận tôi đòi. Đó là tình yêu tự hiến trong Mầu nhiệm Nhập Thể. Người lại còn tự hạ vâng lời Chúa Cha cho đến chết, và chết trên cây Thập giá. Đó là tình yêu tự hiến trong Mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh. Như thế, Thánh giá với Chúa Giêsu chịu đóng đinh đã trở thành dấu chứng của tình yêu tự hiến, một tình yêu tự nguyện hiến mình cho vinh quang Chúa Cha và mưu ích cho phần rỗi thế gian.
2. Thánh giá: dấu chứng tình yêu tận hiến
Nếu tình yêu hệ tại thái độ cho đi, thì thái độ cho đi càng mạnh tình yêu sẽ càng lớn. Kinh Thánh nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình”. Đó là dấu chứng của tình yêu tột cùng, tình yêu tận hiến. Thực ra trong mầu nhiệm Nhập Thể, ta đã thấy sáng lên dung mạo tình yêu của Thiên Chúa, song trong chính Mầu nhiệm Tử Nạn, ta mới nhận ra độ sâu rộng dài của một tình yêu đã cho đi là cho đi đến hết. Từ đó ta nhận ra không có danh xưng nào áp dụng tương thích với tấm lòng của Chúa Giêsu bằng danh xưng Tình Yêu, một tình yêu hiến ban tất cả cho nhân trần.
3. Thánh giá: dấu chứng tình yêu thánh hiến
“Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời” (Ga 3, 15). Chúa Giêsu đã khẳng định như vậy về giờ Tử Nạn và Phục Sinh, để khi thân xác bị treo trên Thập giá, Người đi đến cùng trong vận mệnh cứu độ và thánh hiến nhân loại. Đọc lại bài Passio, ta thấy khi Chúa Giêsu bị treo lên, Thánh giá đã bắt đầu phát huy sức mạnh cứu rỗi. Dân chúng được thanh tẩy tội lụy. Người trộm lành được vào Thiên Đàng. Những người chứng kiến cuộc Thương Khó trở về đấm ngực ăn năn vì họ được soi sáng trong tình yêu kiếm tìm sự thật. Tất cả đã gặp nơi Thánh giá Chúa Giêsu một sức mạnh thánh hiến.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhà thơ Raxun Gamazatop có mấy vần thơ về tình yêu thật đẹp. Con xin mượn để nói về Thánh giá như dấu chứng của tình yêu tự hiến, tận hiến và thánh hiến: “Trên trái đất đường đi không kể xiết. Đường dài lâu gian khổ cũng rất nhiều. Nhưng anh hiểu khó và dài hơn hết. Là con đường ta vẫn gọi: Tình Yêu”. Xin cho con bắt chước Chúa sống tình yêu tự hiến, tận hiến và thánh hiến cho mọi người. Amen.
Nhận xét góp ý