Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Bảy 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 6    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

ÁI TỬ NHÂN LÀNH

TRẦM THIÊN THU

Thiên Chúa xuống thế để mở đường cho chúng ta lên trời. Chúa Giêsu chấp nhận làm người vì yêu thương nhân thế, muốn chia sẻ mọi vui buồn của kiếp người với chúng ta để chúng ta an tâm vượt qua mọi trở ngại mà nên giống Ngài. Thi sĩ Paul Claudel (1868-1955, người Pháp) nói: “Chúa Giêsu xuống thế gian không để diệt trừ khổ đau, cũng không giải nghĩa khổ đau, mà để chia sớt khổ đau.”

Người Nhật có câu tục ngữ thâm thúy ý nghĩa: “Ai hài lòng với điều Thượng Đế đã định cho mình thì sẽ có cuộc sống tự do và hạnh phúc.” Thiên Chúa nhân lành, giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, (Ep 2:4) Ngài không thể có ý làm khổ chúng ta, mà Ngài muốn tôi luyện chúng ta để hoàn thiện chúng ta. Hơn nữa, Ngài là Cha giàu lòng từ bi lân ái và luôn sẵn sàng nâng đỡ ủi an chúng ta bất kỳ lúc nào. (2 Cr 1:3)

Là tôi tớ, là thần dân, là con cái của Ngài, chúng ta không thể không trở nên giống Ngài: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.” Chắc chắn chúng ta phải “cố gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, sống nhẫn nại và hiền hòa.” (1 Tm 6:11) Thế nào là công chính? Kinh Thánh cho biết rằng “người công chính phải có lòng nhân ái,” (Kn 12:19) và “quan tâm đến quyền lợi kẻ nghèo.” (Cn 29:7) Người công chính có lợi cho mình và hữu ích cho người khác: “Một linh hồn công chính có thể xin được ơn tha thứ cho cả ngàn tội nhân.” (Thánh Marguerite Marie Alacoque, 1647-1690)

Chúa Giêsu đã nhập thể và nhập thế, sinh nơi hang đá, sống nay đây mai đó, rồi chịu chết trên đồi hoang. Tất cả chỉ vì yêu thương chúng ta. Tôi tớ không hơn chủ, trò không hơn thầy, con cái không hơn cha mẹ, chúng ta phải cố gắng “nhân từ như Chúa Cha là Đấng nhân từ” (Lc 6:36) và “yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta.” (Ga 13:34; Ga 15:12) Đức Giêsu Kitô là Ái Tử của Chúa Cha, là “cục cưng” của Đức Mẹ, nhưng Ngài không được chiều chuộng, không được ngồi mát ăn bát vàng, mà phải chịu trăm cay ngàn đắng, mệnh danh là “Người Tôi Trung” và “Người Tôi Tớ Đau Khổ.”

Người Tôi Trung đó được ngôn sứ Isaia đề cập từ xưa: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân. Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai tiếng giữa phố phường.” (Is 42:1-2) Mặc dù là Con Thiên Chúa nhưng Ngài tự hạ xuống ngang với chúng ta, thậm chí còn bị chúng ta ruồng bỏ và xử tệ, thế mà Ngài vẫn im lặng, không chấp lách chúng ta vì Ngài cảm thông tính bướng bỉnh của chúng ta, và Ngài vẫn hết lòng yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân. (Rm 5:8)

Chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm lòng thương xót của Thiên Chúa. Thật vậy, Blaise Pascal (1623-1662) đã cảm nhận: “Thiên Chúa là Đấng không thể dò thấu. Chúng ta không thể nói được gì về Thiên Chúa. Tất cả những gì chúng ta nói về Ngài đều chỉ là tưởng tượng.” Tuy nhiên, Lòng Chúa Thương Xót luôn hiện hữu và có thật. Quả thật, phong cách của Đấng Ái Tử Nhân Lành cũng rất kỳ lạ: “Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.” (Is 42:3-4) Thật là kỳ diệu quá!

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã nói về kế hoạch mầu nhiệm: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì MUỐN LÀM SÁNG TỎ ĐỨC CÔNG CHÍNH CỦA TA. Ta đã NẮM TAY ngươi, đã GÌN GIỮ ngươi và ĐẶT LÀM GIAO ƯỚC với dân, làm ÁNH SÁNG chiếu soi muôn nước, để MỞ MẮT cho những ai mù lòa, ĐƯA RA KHỎI TÙ những người bị giam giữ, DẪN RA KHỎI NGỤC những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.” (Is 42:6-7) Hạnh phúc thay chúng ta được Chúa Cha trao ban cho Tặng Phẩm Vô Giá là chính Con Yêu Dấu của Ngài – Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất.

Hồng Ân Thiên Chúa quá lớn lao, phàm nhân có dành cả đời để tạ ơn Ngài cũng không đủ.Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hãy dâng Chúa, hỡi chư thần chư thánh, dâng Chúa quyền lực và vinh quang. Hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người, và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện.” (Tv 29:1-2) Thiên Chúa khác thường mà bình thường, lạ mà quen, xa mà gần, Ngài hiện diện trong mọi vật, mọi nơi: “Tiếng Chúa rền vang trên sóng nước, Thiên Chúa hiển vinh cho sấm nổ ầm ầm, Chúa ngự trên nước lũ mênh mông. Tiếng Chúa thật hùng mạnh! Tiếng Chúa thật uy nghiêm!” (Tv 29:3-4) Mặc dù bất xứng nhưng chúng ta vẫn phải dâng lời cảm tạ Ngài.

Thiên Chúa nhẹ nhàng mà mạnh mẽ, êm đềm mà dữ dội. Kinh Thánh cho biết về “giọng nói” của Ngài: “Tiếng Chúa LAY ĐỘNG cả rặng sồi, TUỐT TRỤI lá cây cao rừng rậm. Còn trong thánh điện Người, tất cả cùng hô: ‘Vinh danh Chúa!’ Chúa ngự trị trên cơn hồng thủy, Chúa là Vua ngự trị muôn đời.” (Tv 29:9-10) Chỉ một thoáng chúng ta thiếu sự quan tâm và lòng thương xót của Ngài thì chúng ta hóa hư vô ngay lập tức. Sinh khí quan trọng lắm! (Tv 104:29-30)

Thiên Chúa là Đấng giàu Lòng Thương Xót, Ngài trắc ẩn với mọi người, đối xử bình đẳng, không phân biệt gì, cũng chẳng thiên tư tây vị bất cứ ai. (Cv 10:34; Rm 2:11; Ep 6:9) Đặc biệt là Ngài thấy ai càng yếu kém thì Ngài càng quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ, vì Ngài đến với mục đích là “tìm và cứu những gì đã mất,” (Lc 19:10) chấp nhận bỏ 99 con chiên béo tốt để đi tìm cho được chỉ một con chiên ghẻ lở, ốm yếu, xấu xa, tội lỗi. (Mt 18:12-14; Lc 15:4-7) Ngài không chỉ muốn chúng ta được sống mà còn muốn chúng ta được sống dồi dào (Ga 10:10) và yêu thương chúng ta đến cùng. (Ga 13:1) Tình yêu của Ngài không hề giảm sút theo thời gian hoặc tình trạng của chúng ta.

Ông Phêrô đã từng nhát đảm đến nỗi chối Thầy, nhưng sau khi được Chúa tha thứ, ông mạnh mẽ nói với mọi người: “Quả thật, tôi biết rõ THIÊN CHÚA KHÔNG THIÊN VỊ NGƯỜI NÀO. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều ĐƯỢC NGƯỜI TIẾP NHẬN.” (Cv 10:34-35) Chắc chắn như vậy. Thật tuyệt vời! Và ông Phêrô giải thích: “Người đã gửi đến cho con cái nhà Israel lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người. Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giuđê, bắt đầu từ miền Galilê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng.” (Cv 10:36-37) Người Việt Nam chúng ta diễm phúc được nhận biết và tin Ngài là Thiên Chúa cứu độ. Hồng ân thật cao cả!

Ông Phêrô nói rõ ràng về Đấng Ái Tử Nhân Lành: “Quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người THI ÂN GIÁNG PHÚC tới đó, và CHỮA LÀNH mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.” (Cv 10:38) Chính Chúa Giêsu đã từng xác định: “Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.” (Mc 10:18; Lc 18:19) Vì vậy, chúng ta phải cố gắng thực hành mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48)

Để nên giống Thiên Chúa Cha, không có cách nào khác là noi gương Chúa Giêsu, Đấng “là con đường, là sự thật và là sự sống,” chỉ qua Con-Đường-Giêsu mới có thể đến với Chúa Cha. (Ga 14:6) Chúa Giêsu là Đấng Emmanuel, luôn ở với chúng ta, chúng ta phải ảnh hưởng tính cách “hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29) của Ngài.

Trong khi mọi người đợi Đấng Thiên Sai, dân chúng thấy ông Gioan rất khác lạ, từ phong cách đến ý tưởng, đặc biệt là làm Phép Rửa, thế nên họ thắc mắc không biết ông Gioan có phải là Đấng Mêsia hay không. Nhưng ông Gioan minh định: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong NƯỚC, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong THÁNH THẦN và LỬA.” (Lc 3:16) Và ông còn nói rõ: “Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” (Ga 1:15 và 30) Người đến sau mà có trước, và còn hơn ông. Lạ thật. Nhưng đó là sự thật minh nhiên.

Mặc dù Chúa Giêsu không cần phải chịu phép rửa, nhưng Ngài vẫn để cho Gioan dìm xuống nước. Ngài muốn nêu gương khiêm nhường và nhịn nhục. Khi Ngài đang cầu nguyện thì trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình dáng chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.” (Lc 3:22) Đó là tái sinh trong Chúa Thánh Thần, điều kiện ắt có và đủ để trở nên con cái Thiên Chúa và có quyền hy vọng và Nước Trời.

Nước mà có thể rửa sạch tội lỗi. Kỳ diệu lắm. Nhờ đó mà chúng ta thoát kiếp nô tỳ của tội lỗi, thoát vòng kim cô của ma quỷ để trở nên con cái của Sự Sáng và Sự Thật. Tất nhiên chúng ta cũng phải thương xót lẫn nhau. Không thể hành động khác được!

Bình thường, mỗi ngày chúng ta rửa thân xác nhiều lần. Trong cơn dịch tễ lây lan, người ta càng lưu ý vệ sinh nhiều hơn, nghiêm túc với quy cách 5K, trong đó có rửa tay – và rửa mũi với súc họng nếu bị nhiễm. Thân xác còn phải rửa như vậy thì linh hồn còn phải rửa kỹ lưỡng hơn.

Lạy Thiên Chúa nhân lành, xin thương xót chúng con là những tội nhân, xin thanh tẩy và tái tạo chúng con, và xin giúp chúng con tẩy rửa hằng ngày để xứng đáng với ân tình cao cả của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.


Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*