Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Bảy 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 6    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

HẾT hay CÒN?

TRẦM THIÊN THU

Phú quý sinh lễ nghĩa. Bần cùng sinh đạo tặc. Giàu hay nghèo cũng đều rắc rối. Ngày xưa, ông A-gua nhận là ngu dốt và cho biết lý do: “Quả tôi ngu dốt hơn mọi người, không có chút thông minh của con người. Tôi đã không được học hỏi về sự khôn ngoan, không hiểu biết chi về Đấng Thánh.” (Cn 30:2-3) Biết mình, đó là người khôn ngoan; biết người, đó là người sáng suốt. Và ông cầu nguyện: “Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: ‘Đức Chúa là ai vậy?’ hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con.” (Cn 30:7)
Vì “phú quý sinh lễ nghĩa” nên người ta càng ngày càng bày vẽ đủ thứ, chỉ là bề nổi chứ chẳng có chiều sâu. Nhưng rồi dịch bệnh xảy ra, người ta khó khăn về nhiều thứ, điều đó khiến người ta giảm bớt hình thức. Bài học vô giá Chúa dạy rất cụ thể.
Có những thứ tưởng hết mà còn, có những thứ ngỡ còn mà hết. Nhận thức nhưng vẫn cần ý thức, nếu không thì vô ích. Tinh tế là khả năng cần tôi luyện để phân định những tình huống trải nghiệm cuộc sống vốn dĩ nhiêu khê ngày nay. Người tinh tế có thể cảm nhận cảm xúc của người khác qua ánh mắt, thái độ, lời nói hoặc hành động, để rồi mình tác động một cách hợp lý nhất.
Thánh Phaolô khuyên: “Hãy thận trọng trong mọi sự.” (2 Tm 4:5) Và Franklin so sánh: “Thiếu thận trọng còn tai hại hơn thiếu hiểu biết.” Sự tế nhị cũng là một đức tính đối nhân xử thế, là loại ngôn-ngữ-không-lời mà ai cũng hiểu được, không cần được thông dịch hoặc phiên dịch. Chỉ số EQ (Emotion Quotient – chỉ số xúc cảm) quan trọng hơn IQ (Intelligence Quotient – chỉ số thông minh).
Cách giao tiếp liên quan nhiều vấn đề. Cách giao tiếp lịch sự và tế nhị của phụ nữ Su-nêm và ông Êlisa được đề cập trong trình thuật 2 V 4:8-37.
Khi ông Êlisa đi qua miền Sunêm, nơi có một phụ nữ giàu sang, bà này giữ ông lại dùng bữa. Từ đó, mỗi lần đi qua, ông đều ghé vào và dùng bữa. Bà ấy nói với chồng: “Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa. Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó.” Phụ nữ này như có “thiên nhãn” vậy, loại “con mắt thứ ba” rất tinh tường, hơn cả thầy tướng số, tử vi hay bói toán, bởi vì bà chỉ nhìn dáng người mà biết được Ê-li-sa là thánh nhân của Thiên Chúa. Rất tinh tế!
Có lần đến nơi ấy, ông lên phòng trên lầu và nghỉ ở đó. Ông bảo tiểu đồng Giêkhadi đi gọi bà Sunêm và dặn nó nói với bà ấy đừng quá lo lắng bận rộn vì thầy trò ông, và hỏi bà xem phải làm gì cho bà, có cần phải nói một lời với đức vua hay với tướng chỉ huy quân đội cho bà hay không. Bà khiêm nhường nói rằng bà vẫn sống yên hàn. Ông Êlisa hỏi tiểu đồng nên làm gì cho bà ấy. Giêkhadi nói: “Tội nghiệp, bà ấy không có con trai, mà chồng thì đã già.” Ông Êlisa bảo tiểu đồng đi gọi bà ấy. Nó đi gọi bà và bà ấy đến. Ông Êlisa nói: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai.” Bà quan ngại: “Không, thưa ngài, người của Thiên Chúa, xin đừng lừa dối nữ tỳ ngài!” Thế nhưng sau đó bà ấy có thai, và đúng năm sau, cũng vào độ mà ông Êlisa đã nói, bà sinh một con trai. Cuộc giao tiếp thận trọng và đầy tính nhân bản, vì đôi bên đều biết mình phải làm gì.
Đứa trẻ lớn khôn theo thời gian. Một hôm, khi nó đi kiếm cha giữa những người thợ gặt, nó nói với cha: “Ôi, cái đầu con! Cái đầu con!” Người cha bảo đầy tớ bồng nó về cho mẹ nó. Người mẹ ôm con tới trưa thì nó chết. Bà đem nó lên đặt trên giường dành cho người của Thiên Chúa, đóng cửa lại. Bà đi gọi chồng và bảo chồng sai đầy tớ với một con lừa cái đến với bà, bà sẽ chạy đến người của Thiên Chúa, rồi sẽ về. Người chồng hỏi tại sao bà lại đi gặp ngài vào hôm đó, vì chưa tới ngày đầu tháng, cũng chẳng là ngày sa-bát. Bà bảo ông cứ yên tâm.
Anh đầy tớ đưa bà đi, chỉ dừng xe khi bà bảo. Bà đến với người của Thiên Chúa ở núi Các-men. Vừa thấy bà từ xa, người của Thiên Chúa nói với tiểu đồng ra đón bà, hỏi ông bà và cậu bé có được mạnh khoẻ không. Bà bình tĩnh và tế nhị trả lời: “Vâng, mạnh khoẻ cả.” Nhưng khi đến gần người của Thiên Chúa ở trên núi, bà ôm lấy chân ông. Giê-kha-di tiến tới, đẩy bà ra, nhưng người của Thiên Chúa bảo: “Để yên cho bà ấy, vì tâm hồn bà đang phải cay đắng. Đức Chúa đã giấu ta điều ấy, Người không cho ta biết.” Bà nói: “Nào tôi có xin ngài cho tôi được đứa con đâu? Tôi đã chẳng nói là xin đừng đánh lừa tôi đó sao?” Khoảng buồn khôn tả!
Tuy nhiên, ông Êlisa bảo Giêkhadi thắt lưng và lấy gậy của ông mà đi, gặp ai thì đừng có chào, ai chào thì đừng đáp lại, rồi đặt gậy của ông trên mặt cậu bé. Người mẹ nói: “Có Đức Chúa hằng sống và có ngài đang sống đây, tôi xin thề sẽ không rời xa ngài.” Ông trỗi dậy và đi theo bà. Giêkhadi đã đi trước hai người và đặt gậy trên mặt cậu bé; nhưng không nghe thấy tiếng, không thấy động đậy. Anh ta quay lại đón ông Êlisa và nói: “Cậu bé đã không thức dậy.” Khi ông Êlisa tới nhà thì cậu bé đã chết trên giường của ông. Ông đi vào, đóng cửa lại, chỉ có hai người ở bên trong, rồi cầu nguyện với Đức Chúa. Sau đó, ông làm động tác “kỳ lạ” lắm: Ông lên giường nằm lên trên đứa trẻ, kề miệng ông trên miệng nó, kề mắt ông trên mắt nó, đặt bàn tay ông trên bàn tay nó. Ông cứ nằm trên đứa trẻ, và rồi da thịt nó dần nóng lên. Ông đi đi lại lại trong nhà, rồi lại lên nằm trên nó. Nó hắt hơi bảy lần và mở mắt ra. Thật kỳ diệu, cậu bé đã hồi sinh!
Ông Êlisa bảo Giêkhadi gọi ngừi mẹ. Đây là lần thứ ba nó làm theo lời ông Êlisa. Nó đi gọi bà. Bà đến. Ông nói: “Bà hãy đem con đi!” Bà đi vào, quỳ dưới chân ông, rồi sụp xuống đất lạy ông. Sau đó, bà bế con trai đi. Phép lạ nhãn tiền. Và chỉ có Thiên Chúa làm được như vậy!
Sau sự kiện lạ lùng này, chúng ta còn được biết thêm về vụ “nồi cháo độc” ở Ghin-gan. (x. 2 V 4:38-44) Quả thật, ông Êlisa là “người của Thiên Chúa” như phụ nữ Sunêm đã nói. Nồi cháo đầy độc tố hóa thành “nồi cháo ngon” vì mọi người ăn mà không chết. Chất độc kia lại là “gia vị” lạ lùng và ngon vô cùng!
Không hạnh phúc nào mà vắng bóng gian khổ, không thành công nào mà không có thất bại. Vinh quang có được là nhờ dày công khổ luyện. Đó là hệ lụy tất yếu. Ngôn sứ Isaia xác định: “Vì lòng mến Sion, tôi sẽ không nín lặng, vì lòng mến Giêrusalem, tôi nghỉ yên sao đành, tới ngày đức công chính xuất hiện tựa hừng đông, ơn cứu độ của thành rực lên như ngọn đuốc. Rồi muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho.” (Is 62:1-2) Tất cả gian khó đã qua, tủi nhục đã hết: “Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Đức Chúa, sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay.” (Is 62:3)
Và từ nay, chẳng ai còn réo tên mà mỉa mai là “đồ bị ruồng bỏ” hoặc mang tiếng là “phận bạc duyên đơn,” nhưng được trìu mến gọi là “ái khanh,” là “duyên thắm chỉ hồng.” Tại sao? Vì được Đức Chúa đem lòng sủng ái và lập hôn ước. Hoàn toàn thuộc về Chúa, hạnh phúc biết bao! Kinh Thánh so sánh: “Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về; như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.” (Is 62:5)
Đó cũng là hình bóng của chúng ta, những người đã được Đức Giêsu Kitô cứu chuộc bằng Giá Bửu Huyết vô giá của Ngài. Vì thế, chúng ta phải dành trọn cả cuộc đời mà nức tiếng xưng tụng Thiên Chúa, đồng thời còn phải mời gọi người khác cùng hợp lời tán dương.
Ngày xưa, Thánh Vịnh gia không thể cầm lòng nên đã phải thốt lên: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn. Bởi Đức Chúa là Chúa Trời cao cả, là Đại Vương trổi vượt chư thần. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95:1-3) Nhưng chúng ta cứ nói rồi thôi, hứa rồi quên. Bản chất phàm nhân là thế, và hầu như ai cũng có máu của dòng tộc “họ hứa.”
Thiên Chúa biết rõ như vậy nhưng Ngài vẫn làm thinh, chờ chúng ta sám hối. Ngày xưa, chính Ngài đã cảnh cáo dân, và ngày nay Ngài cũng đang cảnh báo đối với mỗi chúng ta: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm. Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán.” (Tv 95:8-10)
Có nhiều đặc sủng nhưng chỉ xuất phát từ một gốc là Thiên Chúa. Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả đã minh định: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.” (Ga 3:27) Đó là chân lý muôn thuở, bất biến. Thánh Phaolô phân tích: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.” (1 Cr 12:4-7)
Để rõ ràng hơn, Thánh Phaolô lý giải: “Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.” (1 Cr 12:8-11) Người khác thế nọ, bạn thế kia, còn tôi thế này. Không ai giống ai. Đừng tưởng tôi “ngon” hơn người mà khoe mẽ, vênh vang tự đắc. Được ơn mà không làm vinh danh Chúa và không sinh lợi thì còn khốn hơn người khác. Sự khác nhau không phải để khen chê nhau, mà là để bổ túc lẫn nhau, đặc biệt là để nâng đỡ nhau.
Sự kiện tiệc cưới tại Cana (Ga 2:1-12) là trình thuật Tin Mừng rất quen thuộc. Qua đó, chúng ta thấy Đức Mẹ rất tinh tế đối với người khác, đặc biệt là tình huống khó xử của đôi tân hôn. Rượu cũng là vấn đề quan trọng với ý nghĩa “men tình yêu” trong đời sống hôn nhân gia đình.
Hôm đó, Đức Mẹ và Đức Giêsu cùng với các môn đệ được mời dự một tiệc cưới tại Cana, miền Galilê. Tiệc vui đang lúc cao trào thì có “sự cố” ngoài dự tính của gia chủ: Hết rượu. Đức Mẹ rất tinh ý nên biết gia chủ đang khó xử vì thiếu rượu. Hiểu ý, Đức Mẹ nói nhỏ với Đức Giêsu: “Họ hết rượu rồi.” Thế nhưng Đức Giêsu lại thản nhiên: “Mẹ ơi, chuyện đó can gì đến Mẹ và Con? Giờ của Con chưa đến.” Mặc dù nghe Con Trai nói vậy, Đức Mẹ vẫn nói với gia nhân: “Hễ Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Đức Mẹ biết rõ Chúa Giêsu sẽ hành động, và Đức Mẹ cũng biết mình làm điều hợp lý.
Ở đó có sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo tục lệ Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng 80 – 120 lít nước. Tính đổ đồng mỗi chum chứa 100 lít nước, vậy là 600 lít. Người ta có uống nhiều lắm thì cũng chỉ trăm lít thôi. Hết rượu hóa thành còn rượu, thậm chí là thừa rượu.
Người ta đổ đầy nước vào các chum theo lời Chúa Giêsu nói, vì đã được Đức Maria dặn trước rồi. Họ đổ nước vào các chum rồi, Ngài bảo họ múc và đem cho ông quản tiệc. Ông này nếm thử thì thấy rượu hảo hạng mà không biết từ đâu ra mà nhanh và ngon như vậy. Người quản tiệc nói với tân lang: “Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” Chú rể cũng ngạc nhiên vì không hiểu gì, cười trừ thôi. Chắc chắn chú rể là người hạnh phúc nhất, gấp không thể diễn tả bằng lời.
Rượu hết lại có. Tình yêu hôn nhân gia đình cũng vậy. Cuộc sống khó khăn có thể làm cho tình yêu cằn cỗi, khô dần, nhưng không thể cạn kiệt. Tình yêu là chất men làm dậy men cả thúng bột hôn nhân và thúng bột gia đình. Chỉ cần có chút men tình yêu thì phép lạ sẽ xảy ra. Thiên Chúa không muốn hành động một mình, Ngài muốn con người cộng tác với Ngài để cùng xây dựng tổ ấm như Thiên Đàng ngay trên trần gian này vậy. Rượu tình càng ngon thì hôn nhân và gia đình càng say đắm trong Đức Giêsu Kitô, Đấng là tình yêu – như Thánh Gioan đã định nghĩa. (1 Ga 4:8 và 16)
Thánh Gioan cho biết rằng phép lạ tại tiệc cưới Cana là dấu lạ đầu tiên Đức Giêsu đã thực hiện khi công khai sứ vụ. Cana chỉ là ngôi làng nhỏ bé nhưng đã được nhiều người biết đến, bởi vì được Chúa Giêsu chọn làm nơi vinh danh Thiên Chúa. Thấy dấu lạ nhãn tiền, các môn đệ đã tin vào Ngài và can đảm đi theo Ngài tới cùng.
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xin tạo men yêu nơi chúng con để chúng con luôn tin yêu Ngài qua tha nhân, đủ sức vượt qua mọi nghịch cảnh. Xin giúp chúng con biết đồng cảm với mọi người như Đức Mẹ đã thể hiện. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*