XIN CHÚA THÁNH HOÁ CÔNG VIỆC LÀM ĂN
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
“Ngày đầu xuân bao người đi xa cũng về với gia đình, cũng về với ân tình, ngất ngây với người yêu mến, dâng đến lòng mẹ cha bông hoa là lòng biết ơn”. Vâng, ngày Tết, những người con xa quê đều mong được trở về nhà, về nơi tổ ấm – về nơi có tổ tiên. Dâng hoa lòng hiếu kính mẹ cha. Thắp một nén hương trong ngày trở về là bày tò lòng tri ân tổ tiên. Người có hiếu với cha mẹ, thuận với anh em họ hàng sẽ không thẹn lòng trong mỗi dịp về quê đón xuân mới. Và người hiếu với tổ tiên sẽ không thẹn lòng khi nhắm mắt xuôi tay.
Đây cũng là dịp để con cháu sum họp bên các đấng sinh thành để xin lỗi, để cầu chúc các đấng an khang trường thọ. Dẫu rằng, tình cha, tình mẹ có khác nhau nhưng nhờ ơn cha, nhờ nghĩa mẹ mà con cái mới có ngày “đủ lông đủ cánh” để tung cánh bay vào đời và nhờ sự uốn nắn của mẹ cha mà con cái mới có thể đứng vững trước những sóng gió cuộc đời.
Tình cha nghĩa mẹ luôn là ân tình vượt lên trên mọi tình yêu trên nhân gian. Bởi lẽ, không có một tình con người nào sâu đậm, gắn bó, chân thành bằng tình cha mẹ yêu con, và càng không có một tình yêu nào trên trái đất này có thể thay thế được tình cha mẹ yêu con, mà bài hátcầu cho cha mẹ của Lm Nguyễn duy đã diễn tả.
“Này chúng con sinh vào đời nhờ có tay của mẹ cha. Là thái sơn cao xa cao xa, là biển đông bao la bao la, như một rừng hoa ngát hương cả bốn mùa. Ôi tình mẹ cha nói lên tình Chúa. Đời chúng con yên vui hân hoan, nhờ mẹ cha gian nan lo toan, trong giọt mồ hôi có chung cả máu hồng, luôn dạy lòng con biết câu mặn nồng.
Rồi lớn lên con vào đời, gặp biết bao nhiêu người thương. Dù có ai hy sinh cho con. Dù được ai cho mân cơm ngon, đi gần về xa thấy đâu một mái nhà, như nhà mẹ cha thiết tha từ ấy. Rồi lớn lên con xây non cao, vượt biển khơi bay lên trăng sao. Khi về nhà xưa với cha và với mẹ vẫn là trẻ thơ bé như ngày nào”
Vâng, lời ca như muốn nhắc nhở chúng ta hãy sống trọn tình con thảo ngay từ hôm nay. Hãy sống ngoan hiền bên những người cha mẹ đang còn trẻ để hưởng nếm giây phút ngọt ngào mà ai đó nói rằng: là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày. Hãy sống thảo hiếu, quan tâm chăm sóc các đấng sinh thành khi các cụ đã còng lưng vì một đời lam lũ cho đoàn con. Hãy hiếu kính khi các ngài qua đời bằng việc luôn nhớ thắp hương cầu nguyện cho các ngài.
Nhất là trong xã hội hôm nay lòng hiếu kính cần phải được đề cao, vì đâu đó trong cuộc sống người ta coi “tình cảm là chín mà tiền bạc là mười” dẫn đến những tranh chấp, thù hận đau thương.
Mới đây chỉ vì chia thừa kế đất mà 3 cô con gái cùng mang can xăng đến tưới, phóng hỏa nhà mẹ đẻ và đốt luôn mẹ. Hậu quả, cả 4 người đều bị bỏng và được đưa đi cấp cứu, sau đó mẹ và 2 người con đã ra đi mãi mãi.
Từ vụ việc trên, dư luận đã lên án hành vi của 3 cô con gái và cho rằng đó là hành vi “bất hiếu”, vì cha mẹ đã cho thân xác, cho ăn học để có thể tự lo cho bản thân, nên không thể cứ mãi là đứa trẻ chỉ biết đòi hỏi mẹ cha?
Hôm nay ngày sum vầy gia đình, hãy tận dụng thời gian quý báu này để sống cho trọn vẹn đạo làm con, trọn nghĩa tình với cha mẹ mình, vì cha mẹ là món quà thiêng liêng và quí giá nhất, tình cha mẹ là cái gì rất cao siêu lành thánh mà lại thật thân mật gần gũi mà Chúa dành cho chúng ta.
Nguyện xin Chúa chúc lành và trả công cho các bậc sinh thành và ước gì những ngừơi con hôm nay đang vinh dự được chúc mừng tuổi mới của cha mẹ thì cũng biết sống hiếu thảo để đền đáp ân nghĩa cù lao chín chữ mà cha ông ta đã từng khuyên răn rằng:
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.
Amen.
Sống Sao Có Ích Cho Đời
Có bà cụ tuổi 90, than thở rằng: “Giờ tôi còn khỏe, mai mốt già rồi chẳng biết nương dựa vào ai!”
90 tuổi mà còn nói: “…mai mốt già rồi…”. Thế thì, bao nhiêu tuổi mới gọi là già?!!!
Rồi tình cờ nghe anh bạn gần 60 tuổi nói với mấy bà 50 tuổi là mấy con bé đấy hồi xưa mình thấy nó đàn em xa qúa. Một lão kế bên thì nhận xét về mấy bà bốn chục, là tụi con nít ranh! Thế thì, bao nhiêu tuổi mới gọi là già?!!!
Và một anh bạn U 60 khác kể rằng mình muốn cho nó trẻ nên đi nhuộm tóc. Tối hôm sau, gã rủ vợ đi ăn cơm tiệm. Chưa kịp yên vị, bà chủ tiệm hỏi: “Hai chị em dùng gì?”. Gã vui lắm. Hóa ra mình còn trẻ chán!
Thực ra, gia trị của một con người không phải họ già hay trẻ. Điều quan trọng là sống phải có ích cho đời. Sống có ích khi còn trẻ thì lao động, về già thì dùng kinh nghiệm để hướng dẫn thế hệ sau. Người trẻ có ích cho gia đình khi họ làm việc kiếm tiền, người già sống có ích khi biết tận dùng thời gian đễ cầu nguyện cho con cháu.
Ông Mose khi về già không thể đi cùng đoàn dân vào đất hứa thì ông cầu nguyện để xin Chúa thêm sức mạnh cho dân của ông. Nhờ lời cầu nguyện của ông mà dân Do Thái đã vào được đất hứa.
Ở đời mỗi người đều có giá trị khi hiện diện trong dòng đời này. Giống như vạn vật, mỗi loài đều có gía trị riêng. Mỗi người đều có giá trị khi biết tận dụng khả năng để làm việc theo hoàn cảnh của mình.
Ngày Mồng Ba Tết chúng ta dành để dâng lên Chúa những dự định và tương lai của chúng ta. Chúng ta xác tín rằng “mưu sự tại nhân- thành sự tại thiên”, bởi vì “nếu Chúa không xây nhà thì thợ nề vất vả cũng bằng uổng công”. Thực vậy, nhìn lại 3 năm qua với dịch bệnh, rồi thất nghiệp và đói nghèo toàn cầu cho chúng ta thấy con người thật nhỏ bé trước sự dữ của ma qủy. Con người cần phải có ơn Chúa để gìn giữ, chúc lành cho công việc, cho những dự định của chúng ta.
Nguyện xin Chúa là Đấng làm chủ mọi loài, xin Chúa chúc lành cho một năm bình an hạnh phúc, một năm an khang thịnh vượng. Xin Chúa chúc lành cho những dự định tương tai của chúng ta được thành toàn. Chúng ta hãy trao vào tay Chúa những lo toan vất vả của đời người. Chúng ta hãy bước đi trong sự tín thác vào tình thương quan phòng của Chúa. Xin Chúa là Chúa của Mùa Xuân chúc lành cho những ước nguyện đầu xuân của chúng ta. Amen
Nhận xét góp ý