TIÊN TRI và HỐI NHÂN
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)
Có lẽ không có nhân vật nào dẫn dắt chúng ta vào Tuần Thánh tốt hơn cô Maria ở Bêtania. Khi Chúa Giêsu đang ngồi tại bàn ăn, bà đem đến một bình bạch ngọc đựng dầu thơm, loại cam tùng nguyên chất đắt tiền. Cô ấy đã đập bình và đổ dầu lên đầu Chúa Giêsu. Đó là hành động như màn mở đầu cho thời gian còn lại của Tuần Thánh, chuẩn bị cho những biến cố sắp xảy đến và soi sáng con đường sám hối của chúng ta. Chính Chúa Giêsu kêu gọi chú ý đến tầm quan trọng của nó và long trọng tuyên bố: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.” (Ga 12:7) Cô Maria đã làm gì?
Thứ nhất, những gì cô ấy làm là một hành động tiên tri. Theo truyền thống của các tiên tri Cựu Ước, cô Maria công bố một sự thật không phải bằng lời nói mà bằng hành động. Tiên tri Giêrêmia khoác lấy ách để công bố thời kỳ nô lệ sắp đến của dân Israel xưa. Tiên tri Êdêkien bỏ chạy báo hiệu họ sắp bị lưu đày. Và ở đây cô Maria hành động như một nữ tiên tri, công bố sự thật về Chúa Kitô và những gì sắp xảy ra.
Sự thật Ngài là Đấng Mêsia, Đấng Được Xức Dầu – Đức Kitô. Như các vị vua và các tư tế đã được xức dầu ở Israel xưa, cô Maria cũng xức dầu cho Chúa Giêsu để công bố và tiết lộ Ngài là ai. Cô không coi Ngài là Người Được Xức Dầu nhưng bằng sự tận tâm, cô đã tuyên xưng Ngài là Đức Kitô.
Sự thật mà cô tuyên bố về những gì sắp xảy đến đã được Chúa nói rõ rằng cô đã xức dầu có ý đề cập ngày mai táng Ngài. Cô tuyên bố cái chết của Ngài – chính xác là điều mà các tông đồ đã thấy rất chói tai. Vì vậy, hành động của cô tuyên xưng Ngài vừa là Đức Kitô vừa là Hy Tế vì tội lỗi của chúng ta. Hành động tiên tri này đã tiết lộ cô Maria là chứng nhân.
Nhưng ý nghĩa rõ ràng nhất trong hành động của cô là hiến thân trọn vẹn và tuyệt đối cho Chúa Giêsu. Điều đó được thể hiện chủ yếu qua sự lãng phí tài chính mà các môn đệ nhận lấy ngay lập tức. Phản ứng của họ rất khắc nghiệt. Họ “phẫn nộ” và “tức giận.” Giuđa nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Ga 12:5) Thật vậy, giá cái bình và dầu thơm có thể trị giá hàng ngàn đô-la.
Vì vậy, phản ứng của các môn đệ không có gì đáng ngạc nhiên. Họ ngạc nhiên trước sự lãng phí… bởi vì theo cách nói trần tục thì đó là lãng phí quá. Đó chính là vấn đề, và có lẽ cũng là lý do sâu xa hơn, khiến họ cảm thấy khó chịu. Cô Maria đã làm điều mà họ chưa làm, cô đã cho đi tất cả. Cô phung phí tiền tiết kiệm của mình vì yêu mến Chúa Giêsu. Hành động của cô diễn tả sự đánh giá cao của cô về Chúa Giêsu, Ngài xứng đáng với mọi thứ. Giuđa chỉ định giá Chúa Giêsu chỉ ba mươi đồng bạc.
Các hành động của cô là các bí tích, những dấu hiệu bên ngoài cho thấy lòng sùng kính bên trong của cô. Cô không chỉ mở bình mà còn đập vỡ nó. Cô không chỉ thoa một ít dầu lên đầu Chúa Giêsu mà còn đổ nó lên người Ngài. Sự xa hoa ở đây là dấu hiệu của sự từ bỏ và hoàn toàn cam kết với Ngài.
Chúng ta trao mình cho Ngài chỉ một phần, từng giọt và từng giọt. Chúng ta tự phân chia mình cho Ngài một cách ích kỷ. Nhưng, như Thánh Têrêsa nói, người ta không thể là vị thánh nửa vời. Đúng vậy, tất cả chúng ta đều nhận ra nhu cầu của mình là phải mở rộng mọi thứ và dâng trao mọi thứ cho Ngài. Cô Maria thực sự đã làm được điều đó.
Sau đó, cô Maria sẵn sàng để người khác thấy mình lố bịch. Cô đập bình vỡ và dầu đổ ra: “Cả nhà sực mùi thơm.” (Ga 12:3b) Đó là một cảnh tượng. Như chúng ta có thể nói: “Người ta không ai làm như vậy.” Tất nhiên, trừ khi có người nghiêm túc trong việc rao giảng và đi theo Chúa Giêsu. Khi đó, người ta sẵn sàng tỏ ra lố bịch, chịu sự sỉ nhục và chế giễu của thế gian.
Nhờ Bí tích Rửa Tội, tất cả chúng ta đều được chia sẻ chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô. Nhưng chúng ta thường giữ bột khô – hoặc dầu trong bình – để không bị lệ thuộc vào người khác. Mọi người sẽ nghĩ gì, nói gì? Cô Maria có ý dạy rằng rao giảng Chúa Kitô có nghĩa là không tính đến những điều như vậy.
Đó là sự kết hợp quan trọng khi chúng ta bước vào những ngày cuối cùng của Mùa Chay Thánh. Sám hối có nghĩa là nhận ra và công nhận Chúa Giêsu là Đức Kitô, Hy Tế chuộc tội chúng ta, Đấng giải thoát chúng ta. Điều đó có nghĩa là không lãng phí gì trong việc tìm kiếm lòng thương xót của Ngài, ca ngợi sự tha thứ của Ngài và tuyên bố Vương Quyền của Ngài.
LM. PAUL D. SCALIA
Khởi đầu Tuần Thánh – 2024
Nhận xét góp ý