Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Mười Một 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 10    
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

TÌNH YÊU LÀM CHO THẬP GIÁ NỞ HOA

LM. Giuse Đỗ Đức Trí

THỨ SÁU TUẦN THÁNH 2024:

Thưa quý OBACE, vui, buồn, sướng, khổ là những yếu tố tạo nên nhịp sống của con người. Tuy nhiên, con người chỉ muốn đón nhận vui sướng và từ chối đau khổ, nhưng đau khổ vẫn cứ xảy đến. Có những người đương đầu với đau khổ bằng nổi loạn hoặc buông xuôi, thất vọng; nhưng có nhiều người đã đương đầu với đau khổ bằng cả nghị lực và quyết tâm của mình vì một mục đích lớn hơn. Chẳng hạn vì tương lai con cái, gia đình mà cha mẹ đã hy sinh không tính toán. Có những người biết tận dụng đau khổ như cơ hội để thử thách, rèn luyện bản thân thêm vững mạnh và còn có những người tận dụng và biến đau khổ trở thành ích lợi cho mình và cho nhiều người.

Có thể nói, các bài đọc Lời Chúa ngày Thứ Sáu Thánh hôm nay cho chúng ta một cái nhìn mới về đau khổ và nguyên nhân gây ra đau khổ qua cuộc thương khó của Đức Giêsu. Ngài đã đón nhận đau khổ thập giá bằng tình yêu và làm cho cây thập giá trổ sinh hoa yêu thương trái cứu độ.

Đức Giêsu vốn mang thân phận là một vị Thiên Chúa, Ngài lại không đòi địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng mang lấy thân xác phàm giống như mọi người và chịu đau khổ, chịu chết như mọi người. Đức Giêsu đến thế gian không phải để tìm kiếm đau khổ, Ngài cũng không tìm kiếm cây thập giá để treo mình trên đó, nhưng Ngài đến để đem sự sống và ơn cứu độ cho nhân loại.

Ma quỷ và tội lỗi là nguyên nhân gây ra đau khổ, chết chóc cho con người. Nhân loại này bị chìm ngập trong đau khổ bởi ma quỷ và tội lỗi trói buộc. Khi con người để cho ma quỷ và tội lỗi làm chủ tâm hồn và cuộc đời, để cho nó sử dụng những suy nghĩ và điều khiển hành vi, con người trở thành cộng tác viên của ma quỷ, gây ra đau khổ cho đồng loại của mình. Chính vì yêu thương, Thiên Chúa đã cứu chuộc và đem lại cho chúng ta tự do, thoát khỏi sự ràng buộc của ma quỷ. Thiên Chúa có thể có nhiều cách để cứu con người, nhưng Thiên Chúa lại muốn dùng cách cho Con của Ngài làm người, để cùng đồng hành và dẫn lối cho con người, giúp con người được giải thoát.

Một khi đã mang thân phận xác phàm của con người, Chúa Giêsu cũng phải trải qua vui buồn, sướng khổ như tất cả mọi người và thậm chí còn đau khổ hơn cả những người khác. Thiên Chúa Cha không đày đoạ Con mình, nhưng dường như, Ngài lại làm ngơ để cho Con mình bị thế gian đày đoạ. Bài ca Isaia trong bài đọc một cho thấy, mặc dù thế gian đày đoạ Con của Thiên Chúa, dù Thiên Chúa không ra tay để trừng phạt những kẻ ác, nhưng Thiên Chúa ban sức mạnh và là nguồn an ủi cho Con của Ngài vượt qua những đau khổ. Tiên tri Isaia đã nhìn thấy trước hình ảnh Người Tôi Tớ của Thiên Chúa hết mực vâng phục, cho dù bị đánh đập, mặt mày tan nát không còn dáng vẻ con người. Tất cả những đau khổ Người Tôi Tớ này gánh chịu, không phải vì lỗi của Ngài, nhưng vì tội lỗi của mỗi người chúng ta. Ngài đã chịu đòn, chịu đánh thay cho chúng ta: Chính Ngài đã mang lấy đau khổ tật nguyền của chúng ta. Ngài bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, Ngài mang thương tích để chúng ta được chữa lành. Thiên Chúa đã đón nhận những đau khổ, nhục nhã Ngài phải chịu để làm cho muôn người được nên công chính và biến nó trở thành cuộc chiến thắng. Hình ảnh Người Tôi Tớ đau khổ mà tiên tri Isaia đã tiên báo, được ứng nghiệm cụ thể nơi Đức Giêsu và cuộc khổ nạn của Ngài. Trong hành trình thập giá, Chúa Giêsu đã trải qua đau khổ tột cùng của kiếp người, đau khổ cả thể xác và tâm hồn, cuối cùng là đón nhận một cái chết tất tưởi, cô đơn, lẻ loi một mình.

Tin Mừng Gioan hôm nay kể về hành trình thập giá của Chúa Giêsu, cũng là đau khổ cùng cực nhất mà Ngài trải qua khi bị đồng loại ghét bỏ, bị người thân phản bội và có những lúc dường như bị Thiên Chúa bỏ rơi hoặc nguyền rủa. Để đương đầu với đau khổ này, phải có một ý chí sắt đá, một nghị lực bền bỉ và một mục đích vô cùng lớn lao. Mục đích của Chúa Giêsu là muốn cứu chuộc nhân loại, ý chí của Ngài là bắt mình vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha để sống trọn kiếp người và một nghị lực để bước tới, đó là lòng tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu nơi Thiên Chúa. Tất cả những điều này trở thành sức mạnh giúp Chúa Giêsu đi trọn hành trình thập giá.

Sau Bữa Tiệc ngập tràn tình yêu thương với các môn đệ, Chúa Giêsu và ba môn đệ thân tín đến vườn Gethsemani. Ở đây, Chúa Giêsu trải qua cơn hấp hối và là một cuộc chiến đấu với bản thân khi đối diện với hành trình thập giá. Ai đối diện với cái chết cũng sợ, nhưng Chúa Giêsu còn sợ hãi đến đổ mồ hôi máu, vì cái chết trước mắt Ngài quá kinh khủng. Lúc này đây, mặc dù Chúa có những người thân bên cạnh, nhưng họ không hề đồng cảm, mà còn lăn ra ngủ. Trong lúc cô đơn như vậy, thì Giuđa đã lộ mặt thật của hắn là tên phản bội, hắn dẫn người đến để bắt Thầy mình. Hắn đã phá bỏ tình nghĩa thầy trò trong nhiều năm để đổi lấy mấy đồng bạc và còn giả hình bằng cái hôn chỉ điểm, để quân lính bắt Thầy. Trong khi đó, ba môn đệ thân tín bên cạnh chỉ phản ứng cách yếu ớt: Phêrô rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ, còn các ông khác sợ hãi bỏ trốn. Lúc đó, Chúa Giêsu không nghĩ tới bản thân, nhưng vẫn nghĩ đến các học trò của mình và yêu cầu quân lính: Các ông cứ bắt tôi, nhưng hãy để cho những người này đi. Suốt cả hành trình thập giá bị đánh đòn, bị điệu đến hết chỗ này đến chỗ khác như một tên tội đồ, Chúa Giêsu không có ai bên cạnh, không ai lên tiếng bênh vực. Đám đông trước đây từng hoan hô Con Vua Đavít, từng được chứng kiến phép lạ, nay họ cũng vào hùa với nhau để gây đau khổ cho Chúa. Chúa đau khổ về thể xác nhưng còn đau khổ gấp nhiều lần vì bị bỏ rơi, bị loại trừ, bị những kẻ mình yêu thương phản bội.

Các Thượng tế và luật sĩ đã bộc lộ rõ sự gian ác tột cùng của họ. Cái ác đã có sẵn trong những con người này, nay có cơ hội bộc phát cùng với sự xúi giục của ma quỷ, lòng tự ái và sự ghen tương đã biến hành động gian ác của họ trở nên tàn nhẫn với Chúa Giêsu. Các Thượng tế và luật sĩ bắt Chúa Giêsu, tìm cách loại trừ Ngài chỉ vì sợ mất ảnh hưởng với dân chúng. Các Thượng tế đã thực hiện âm mưu giết Chúa Giêsu, nhưng lại muốn ném đá giấu tay, che đậy bộ mặt thật của mình. Vì thế, họ mượn tay người Rôma để loại trừ Chúa Giêsu. Khi đem Đức Giêsu đến dinh Philatô, họ đã vu khống Chúa Giêsu như kẻ hoạt động chính trị hoặc kẻ nổi loạn chống lại hoàng đế Cêsarê, ngăn cản việc nộp thuế, xưng mình là vua. Vì những cáo buộc này, cùng với sự kích động và gây sức ép của dân chúng, Philatô đã tuyên án tử hình thập giá cho Chúa Giêsu. Bản án hoàn toàn mang tính cách chính trị và là bản án của Rôma, còn các Thượng tế và Biệt phái phủi trách nhiệm trong cái chết này. Chúa Giêsu chết vì bị chính những đồng hương của mình loại trừ và chủ mưu, bị những người được Ngài đến để yêu thương phục vụ nay chống lại Ngài. Những đau khổ mà những người Do Thái và quân lính gây ra cho Chúa Giêsu không làm thay đổi tình yêu đối với nhân loại, càng không làm lay chuyển được lòng trung kiên, vâng phục và tình yêu trọn vẹn của Ngài với Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu đã đương đầu với đau khổ cho đến hơi thở cuối cùng khi tuyên bố: Mọi sự đã hoàn tất. Và thưa với Chúa Cha: Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha

Thiên Chúa Cha không vui mừng trước đau khổ của Con Ngài, trái lại, Ngài cùng đau nỗi đau của Người Con Chúa hằng yêu mến. Thiên Chúa Cha không thất vọng trước cái ác của con người, cũng không chịu thua những mưu mô của ma quỷ thế gian, Ngài đã dùng quyền năng làm cho Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết. Thiên Chúa vĩnh viễn tiêu diệt sự chết bằng việc phục sinh Con của Ngài. Thiên Chúa đã biến cây thập giá thành cây Thánh giá, biến một dụng cụ hành hình ghê sợ của con người, trở thành biểu thượng của tình yêu và sự tha thứ.

Suy niệm bài thương khó hôm nay, chúng ta xin Chúa thứ tha những lần chúng ta đã gây đau khổ cho Chúa và anh chị em khi sống dửng dưng, vô tình, vô cảm, từ chối Chúa và từ chối anh chị em. Xin cho ta mỗi ngày đem đến cho Chúa và cho nhau những niềm vui, giảm bớt đi những đau khổ. Và xin Chúa giúp chúng ta luôn tin tưởng, nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, tin rằng Chúa luôn ở bên để nâng đỡ và chia sẻ với ta trong những lúc đau khổ. Xin đừng để đau khổ đè bẹp hoặc làm ta thất vọng, nhưng xin cho chúng ta biết nhìn lên Đức Giêsu, can đảm bước theo Ngài và nhờ tin theo Chúa, chúng ta cũng vượt thắng gian khổ và được chung phần phục sinh với Chúa. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*