Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tám 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 7    
 1234
567891011
12131415161718
19202122232425
262728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

MÁU CỨU NHÂN LOẠI

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA 2024:

Chương trình Hiến máu nhân đạo là một chương trình có ý nghĩa rất cao đẹp. Các bệnh viện tại Việt Nam hằng năm cần hàng triệu đơn vị máu để cung cấp cho các bệnh nhân. Hằng năm có hàng ngàn người đã tự nguyện trao tặng một phần máu của mình để cứu sống người khác. Mỗi một bịch máu được cho đi là cơ hội cho một hoặc nhiều người qua cơn nguy tử. Tại những thành phố lớn còn có những người thuộc nhóm máu hiếm đã sẵn sàng đăng ký hiến tặng máu cho bệnh viện bất cứ khi nào có người cần. Máu là sự sống của con người, trao tặng cho nhau một vài đơn vị máu là trao tặng một phần sự sống của mình cho người khác. Người được tiếp nhận đã nhờ những dòng máu ấy mà vượt qua cơn nguy tử.
Từ hình ảnh và việc làm cụ thể đó, hôm nay cùng với Giáo Hội mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta cùng suy gẫm về sự hy sinh cao cả và tuyệt vời của Chúa Giêsu khi trao tặng cho nhân loại chính Mình và Máu của Người làm của ăn đem lại sự sống đời đời và làm của lễ cứu độ nhân loại.
Trong truyền thống của nhiều tôn giáo, cách riêng trong Do Thái giáo thời Cựu Ước, máu có một vai trò rất thiêng liêng và quan trọng, máu được coi là sự sống và thuộc chủ quyền của Thiên Chúa. Vì thế, người Do Thái không được phép ăn hoặc uống máu của bất cứ loài nào và không được đụng chạm tiếp xúc với máu. Vì máu là vật thánh thuộc về Thiên Chúa nên chỉ được dành riêng trong các nghi thức tế lễ.
Bài đọc Sách Xuất Hành cho thấy, từ thời ông Môsê, máu được dùng như vật chứng trong việc ký kết giao ước hoặc thề hứa long trọng. Đoạn sách hôm nay kể lại sự kiện Thiên Chúa ký kết giao ước với Israel, nhận Israel làm dân riêng và thề hứa bảo vệ dẫn dắt Israel. Còn phía Israel thì thề hứa trung thành tuân giữ giới luật của Thiên Chúa. Trong buổi lễ ký kết này, Ông Môsê đã lấy một nửa máu trong chậu rảy trên bàn thờ và một nửa còn lại rảy trên dân chúng cùng với lời tuyên bố: Đây là máu giao ước Đức Chúa lập với anh em. Từ đó về sau, vào các dịp đại lễ của người Do Thái, người ta cũng giết chiên, bò, lấy thịt làm của lễ toàn thiêu và lấy máu rảy trên bàn thờ và rảy trên dân chúng để nhắc lại việc Thiên Chúa ký kết giao ước với Israel.
Máu giao ước ở đây có ý nghĩa gì? Thưa, nó không chỉ là vật được dùng để ký kết giao ước, nhưng còn là lời cam kết tình yêu, là sự hiện diện của Chúa. Qua việc ký kết giao ước này, Thiên Chúa sẽ không ở xa con người nữa, nhưng ở cùng, đồng hành và chung chia mọi thăng trầm với dân Israel. Qua việc ký kết giao ước bằng máu của súc vật, Thiên Chúa như thề hứa với Israel, từ đây Người sẽ yêu thương dẫn dắt và bảo vệ Israel trong vòng tay quyền năng của Người. Còn phía Israel sau khi nghe tất cả những điều luật giao ước, họ thề hứa: Tất cả những gì Thiên Chúa phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.
Trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng rồi bẻ ra trao cho các môn đệ mà nói: Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy. Người cầm lấy chén trao cho các ông và nói: Đây là Máu Thầy, Máu Giao ước đổ ra vì muôn người. Với những việc làm này, Chúa Giêsu dùng lại hình ảnh máu giao ước nhắc đến giao ước xưa đã được ký kết với dân Israel. Trong bữa tiệc ly này, các môn đệ vừa là những người chứng kiến vừa là những người đại diện cho toàn thể nhân loại đón nhận một Giao ước mới mà Đức Giêsu thiết lập với nhân loại. Nhưng tại đây, một điều hết sức đặc biệt đã xảy ra, Đức Giêsu không dùng máu của súc vật như xưa Môsê đã dùng, nhưng Người lấy chính Máu của Người đổ ra để ký kết Giao ước mới. Đây là Giao ước của tình yêu đến tận cùng Thiên Chúa ký kết với nhân loại. Thiên Chúa vĩnh viễn tự ràng buộc mình với nhân loại, yêu thương và cứu chuộc. Giao ước thời Cựu ước được ký kết với dân Do Thái, thì Giao ước mới này, Thiên Chúa ký kết với toàn thể nhân loại. Để minh chứng cho tình yêu đến tận cùng, Chúa Giêsu đã đón nhận cái chết thập giá, lấy Máu Mình tẩy rửa tội lỗi nhân loại và chuộc nhân loại về cho Thiên Chúa. Trải qua cái chết, nhưng Chúa Giêsu đã không bị thần chết trói buộc, giam giữ, Người đã chiến thắng thần chết bằng cuộc phục sinh vinh quang, đem lại sự sống mới cho nhân loại.
Dân Do Thái ngày xưa được Thiên Chúa nuôi bằng Manna trong hoang địa, thì ngày nay trên hành trình trần thế, Chúa Giêsu đã nuôi đoàn dân mới bằng chính Máu và Thịt của Người. Nếu như ngày xưa người Do Thái được Thiên Chúa nuôi sống trong bốn mươi năm bằng Manna, thì ngày nay, qua Giao ước mới, Chúa Giêsu nuôi dân mới bằng Lương thực Thần linh cho đến ngày tận thế. Cùng với việc trao tặng chính Con Người, Máu Thịt làm của ăn, của uống, Thiên Chúa còn trao ban sự sống của Mình cho những người đón nhận Người, tức là ăn Thịt và uống Máu Người.
Tác giả thư Do Thái đã nhận ra Chúa Giêsu chính là vị Thượng Tế của Giao ước mới, Người trổi vượt trên các thượng tế của đạo Do Thái xưa. Người chỉ vào cung thánh một lần và lấy chính Máu Mình để ký kết một Giao ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại để đem ơn tha thứ cho nhân loại. Bàn thờ tế lễ của Chúa Giêsu chính là thập giá mà Người vừa là Thượng Tế vừa là Của Lễ hiến dâng mạng sống cho Thiên Chúa.
Thưa quý OBACE, mừng lễ Mình Máu Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta được mời gọi cùng tham dự vào Giao ước mới mà Chúa Giêsu đã thiết lập với nhân loại, trong đó có mỗi chúng ta. Qua Giao ước mới, Chúa Giêsu ràng buộc mình và cả sự sống của Người với chúng ta. Người hiến trao Thân Mình làm của ăn của uống nuôi sống chúng ta; Người dùng cái chết đổ máu trên thập giá để tha thứ tội lỗi và dùng cuộc phục sinh đem đến sự sống mới cho nhân loại. Vì thế, tham dự vào Giao ước của Chúa, chúng ta cũng phải cam kết gắn bó cuộc đời mình với Chúa, đón nhận sức sống từ Chúa, qua việc ăn Thịt và uống Máu Chúa. Chúng ta phải quay về với Chúa trong sự khiêm nhường và sám hối để đón nhận ơn tha thứ, thanh tẩy; cậy nhờ vào quyền năng biến đổi của Chúa chúng ta phải sống cuộc sống mới, con người mới, đó là con người của Tin Mừng.
Qua ơn của Bí tích Rửa tội, chúng ta thực sự trở nên con người mới và thuộc về Chúa Kitô. Vì thế, chúng ta được mời gọi phải sống đúng với ơn gọi làm Kitô hữu của mình qua việc lắng nghe và sống theo Tin Mừng của Chúa Giêsu, đón nhận sức sống của Chúa Giêsu qua Bí tích Mình Máu Chúa. Siêng năng đọc và lắng nghe Lời Chúa, Chúa sẽ từng bước huấn luyện và dẫn dắt cuộc sống ta đi theo con đường Chúa muốn, đó là con đường đi đến hạnh phúc Nước Trời. Siêng năng đón nhận Mình Máu Chúa qua thánh lễ mỗi ngày, Chúa sẽ đi vào cả thể xác và tâm hồn chúng ta, Người sẽ thông ban cho ta sức sống của Người. Hơn nữa, nếu như của ăn vật chất khi vào cơ thể sẽ trở nên dinh dưỡng cho con người, thì khi đón nhận Mình Máu Chúa, Chúa sẽ nuôi sống, biến đổi chúng ta từng ngày nên giống Chúa hơn.
Mừng kính Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được mời gọi cảm nhận được tình yêu thương vô hạn Chúa dành cho ta. Qua việc Chúa ký kết với nhân loại Giao ước mới bằng Máu của Người, Chúa không được lợi gì, cũng không được thêm gì. Trái lại, qua Giao ước này, Thiên Chúa cam kết yêu thương và tha thứ cho ta mãi mãi, Người cam kết bảo vệ và cứu chuộc chúng ta khỏi ma quỷ và sự chết, dẫn chúng ta đến hạnh phúc đích thật là Nước Trời. Về phía con người, chúng ta phải để cho Chúa yêu thương và cứu chuộc, đồng thời hoàn toàn tin tưởng bước theo sự dẫn dắt của Chúa, dám phó thác cuộc đời cho Chúa.
Đặc biệt, trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta xác tín cách chắc chắn rằng: chính Chúa vẫn hiện diện với nhân loại qua Bí tích Thánh Thể là Máu Thịt của Người. Trong mỗi thành lễ, Giao ước mới lại được Thiên Chúa tái hiện để khẳng định tình yêu không bao giờ thay đổi của Chúa và để Chúa có thể tiếp tục hiện diện cách đặc biệt với nhân loại. Vì thế, chúng ta được mời gọi siêng năng đến gặp gỡ, tôn thờ và lãnh nhận Thánh Thể Chúa. Chúa sẽ trở thành nguồn sức sống nuôi dưỡng đời sống chúng ta, là sức mạnh giúp ta chống trả và vượt qua cám dỗ, thử thách và là nguồn an ủi, nâng đỡ khi ta gặp phải những buồn vui thăng trầm trong cuộc sống.
Xin Chúa cho chúng ta biết siêng năng đến lãnh nhận, gặp gỡ, tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày, để qua cuộc gặp gỡ mỗi ngày, Chúa sẽ là nguồn ủi an, nâng đỡ cho chúng ta như chính Chúa đã mời gọi: Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*