Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Mười 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 9    
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

SỰ THUỶ CHUNG LÀ VIÊN NGỌC TRONG HÔN NHÂN

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT XXVII TN B:

Một thói quen đã hình thành nơi nhiều người, nhất là người trẻ, đó là thói quen lướt Fb, Tiktok hoặc Youtube. Có những người chỉ lướt qua các trang, các clip, các hình ảnh, dừng lại xem một vài phút rồi lại lướt qua cái khác và cứ lặp đi lặp lại nhiều giờ như thế. Khi đi siêu thị, người ta thích món hàng nào thì chọn vào giỏ, đi một đoạn thấy cái khác hay hơn, liền bỏ cái cũ, lấy hàng mới vào giỏ.
Thói quen này dần dần ảnh hưởng trên đời sống của nhiều người, đặc biệt trên đời sống gia đình. Bước vào cuộc sống hôn nhân, hai người cam kết thuỷ chung với nhau trước mặt Chúa và Giáo Hội, vậy mà chỉ sau khi kết hôn một thời gian ngắn, đã có nhiều gia đình đổ vỡ. Có nhiều lý do để biện minh, nhưng suy cho cùng là bởi vì cảm thấy nhàm chán, muốn thay đổi giống như đổi món hàng hoặc như thay cái áo mới. Khi chưa cưới nhau, các bạn trẻ có đủ lý do để tổ chức đám cưới cho thật ấn tượng, nhưng khi đã chán nhau họ cũng có đủ mọi thứ lý do để biện minh cho sự thay đổi của mình.
Trước đây, tình trạng ly hôn nơi những người Công giáo thường rất ít, nhưng ngày nay, tỷ lệ hôn nhân người Công giáo đổ vỡ dẫn đến ly hôn ngoài toà đời ngày càng gia tăng. Có những gia đình đổ vỡ không thể hàn gắn, có những gia đình âm thầm đưa nhau ra toà đời để xin ly hôn, bất chấp đó là điều trái nghịch với Hôn nhân Công giáo.
Thưa quý OBACE, khi tình yêu trong hôn nhân đã vơi cạn, khi cuộc sống chung trở nên nhàm chán, nặng nề, những xung đột, cãi vã sẽ nảy sinh và dẫn đến đổ vỡ. Đàng khác, dường như nhiều người ngày nay đã không đủ kiên nhẫn khi gặp thử thách trong hôn nhân, thay vì cùng nhau tìm cách giải quyết những khó khăn xung đột, người ta lại chọn một giải pháp dễ dãi của người đời, đó là chia tay.
Khi Đức Giêsu xuất hiện rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, Ngài giúp con người sống tư cách là những con người tự do, thoát khỏi ràng buộc của tội lỗi, ma quỷ và những thói đời. Nhưng những người Do Thái cho rằng Chúa sẽ thay đổi hoặc huỷ bỏ luật cũ thay thế bằng luật dễ dãi hơn. Họ chờ đợi Chúa Giêsu sẽ có một sự thay đổi nào đó về thể chế hôn nhân. Vì vậy, những người Do Thái đã đặt vấn đề với Chúa Giêsu: Thưa Thầy, người chồng có được phép ly dị vợ không? Câu hỏi cho thấy những người Do Thái muốn đòi ưu tiên cho người chồng có quyền chủ động ly dị vợ, còn người vợ thì không. Họ còn biện minh: Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị vợ.
Chúa Giêsu đã đưa ra giáo lý của Ngài. Trước hết, Chúa phủ nhận việc ông Môsê cho phép ly hôn và giải thích rằng: Chính vì các ông lòng chai dạ đá mà ông Môsê đã phải viết điều luật đó. Kế đến, Chúa Giêsu đưa những người Do Thái trở về với cội nguồn Kinh Thánh: Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ; vì thế… sự gì Thiên Chúa đã phối hợp loài người không được phân ly. Khi nói những điều này, Chúa Giêsu không chỉ muốn những người Do Thái đọc lại Kinh Thánh, mà còn phải đọc ra ý định từ ban đầu của Thiên Chúa khi tạo dựng nên con người. Thiên Chúa không dựng nên con người riêng lẻ, cũng không tạo dựng nó theo kiểu bầy đàn, nhưng Thiên Chúa đã thiết lập nên thể chế hôn nhân để người nam và người nữ kết ước với nhau, nên vợ chồng, nên một xương một thịt. Thiên Chúa để cho con người có tự do đến với nhau và quyết định chọn nhau là vợ, là chồng. Khi đã đồng ý để chọn nhau, Thiên Chúa chúc phúc cho quyết định của họ và làm cho quyết định đó trở nên thánh thiêng, bất khả xâm phạm, bất khả phân ly trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Thể chế hôn nhân gia đình này đã được Thiên Chúa chúc phúc: Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly.
Vì thế, tất cả những hành vi nhằm phá vỡ giao ước hôn nhân hoặc xâm phạm đến đặc tính một vợ một chồng, đều là trọng tội trước mặt Thiên Chúa vì đi ngược lại ý định của Thiên Chúa. Vì là thể chế do Thiên Chúa thiết định, nên con người không thể can thiệp hoặc chia rẽ đôi vợ chống, cho dù đó là pháp luật dân sự, hoặc Giáo Hội, hoặc do sự đồng tình của hai người, cũng không thể huỷ bỏ được mối dây hôn nhân này. Do đó, Chúa Giêsu đã giải thích thêm cho các môn đệ: Ai ly dị vợ và cưới vợ khác thì phạm tội vi phạm giao ước hôn nhân và mắc tội ngoại tình. Cũng vậy, người vợ bỏ chồng để lấy chống khác thì cũng phạm tội như vậy.
Khi nhắc lại những điều trên, Chúa Giêsu đưa những người Do Thái trở lại với sách Sáng Thế, là một trong 5 quyển sách quan trọng nhất của người Do Thái. Sách Sáng Thế nói về việc Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ và con người. Khi dựng nên con người, Thiên Chúa không để cho con người đơn độc trong vườn Địa Đàng: Vì thế, Thiên Chúa đã dựng nên cho người nam một người trợ tá tương xứng với nó… Thiên Chúa đã lấy cái xương sườn của Adam mà làm nên người nữ và dẫn đến với Adam. Lúc này, ông sung sướng reo lên: Đây xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi.
Chỉ một câu ngắn, nhưng Kinh Thánh đã chuyển tải những điểm giáo lý quan trọng: Thiên Chúa đã dựng nên cho người nam một người trợ tá tương xứng với nó…Với lời khẳng định này, Kinh Thánh nhấn mạnh đến phẩm giá của người phụ nữ nói chung và của người vợ trong gia đình. Người vợ không phải là đứa ở hay kẻ hầu của người chồng, nhưng trước mặt Chúa, người nữ là một trợ tá, cũng không phải là trợ tá bình thường, mà là trợ tá tương xứng.
Kinh Thánh nói: Thiên Chúa đã cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, Ngài đã lấy cái xương sườn của Adam mà làm nên người nữ. Việc tạo dựng nên người nữ là một điều kỳ diệu, mà người nam không hề được chứng kiến. Trong lúc Thiên Chúa dựng nên người nữ, thì người nam vẫn chìm trong giấc ngủ mê. Chỉ khi mở mắt ra, thì thấy Thiên Chúa đã dẫn người nữ đến trước mặt mình. Kinh Thánh muốn nói: Người nữ như một quà tặng mà Thiên Chúa gửi đến cho người nam. Thiên Chúa đã lấy xương sườn của Adam để làm nên người nữ. Việc làm này cho thấy, Kinh Thánh muốn nói: phẩm giá của người nữ được Thiên Chúa tạo dựng bình đẳng và ngang hàng với người nam.
Thưa quý OBACE, ngày nay, đời sống hôn nhân gia đình đang gặp rất nhiều thử thách. Con người nhân danh tự do để tìm cách tháo gỡ mối dây hôn nhân mà Thên Chúa đã thiết định. Con người ngày nay muốn huỷ bỏ ý định, lề luật của Thiên Chúa để làm theo ý mình và làm theo luật của xã hội, thế gian.
Trong đời sống gia đình, nhiều người đã đánh mất niềm vui, niềm hạnh phúc; gia đình không còn âm vang tiếng nói, tiếng cười, thay vào đó là chiến tranh, cãi vã và bạo lực. Việc này xảy ra trong gia đình, bởi nhiều người đã không còn thấy giá trị của giao ước hôn nhân, không còn tôn trọng phẩm giá của nhau và phẩm giá của Hôn nhân Công giáo, nhất là không còn nhìn thấy nhau là quà tặng của Thiên Chúa nữa. Vợ chồng nhìn nhau như gánh nặng, thậm chí có người còn nhìn nhau như kẻ thù. Điều này xảy ra bởi cả vợ và chồng đã đánh mất nền tảng và nhịp sống đạo đức của bản thân và gia đình. Vì thế, bạo lực, cãi vã, chửi bới sẽ xuất hiện trong đời sống gia đình.
Chúng ta cũng còn phải kể đến những áp lực của cuộc sống xã hội, kinh tế và cả những áp lực từ phía cha mẹ ông bà đang đè nặng trên các gia đình, nhất là các gia đình trẻ. Điều này khiến cho nhiều gia đình mới cưới nhau vài năm đã xảy ra mâu thuẫn, căng thẳng. Mặt khác, trước khi cưới nhau, các bạn trẻ nhìn nhau bằng cái nhìn màu hồng, nhưng khi cưới nhau về, cùng với áp lực của cuộc sống và trách nhiệm, những cá tính và tật xấu của nhau cũng dần lộ diện, khiến cho hai người thất vọng về nhau, dẫn đến xung khắc. Những áp lực và những lý do này, sẽ được hoá giải khi vợ chồng quảng đại hơn với nhau, cùng nhau xây dựng nếp sống đạo đức, cầu nguyện, tham dự thánh lễ, rước lễ và các giờ kinh tối chung trong gia đình. Chúa và Đức Mẹ sẽ giúp vợ chồng giải toả được các áp lực, vượt qua những khó khăn để cùng nhau giải quyết các vấn đề.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết tôn trọng đặc tính một vợ một chồng và thuỷ chung đến chết của Hôn nhân Công giáo. Đồng thời, cầu cho các vợ chồng biết xây dựng gia đình trên nền tảng đạo đức và tìm kiếm vun đắp cho hạnh phúc của gia đình hơn là chỉ tìm kiếm tiền bạc, của cải vật chất. Xin cho mọi gia đình luôn tin tưởng và cậy trông nơi Chúa cùng sự cầu bầu của Mẹ Maria – Mẹ các gia đình. Amen

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*