Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Mười 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 9    
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

HIẾN THÂN PHỤC VỤ VÀ PHỤC VỤ ĐẾN HIẾN THÂN

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT XXIX TN B:

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi ở tuổi xế chiều, ngài bị mắc bệnh Parkinson, tay chân run rẩy, đi lại vất vả, nói năng khó khăn. Lúc bấy giờ, có một luồng dư luận đã gợi ý, giờ ngài không còn đủ sức khoẻ để điều hành Giáo Hội thì nên từ nhiệm, nhưng ngài đã trả lời: “Tôi không phục vụ Giáo Hội bằng tay, nhưng tôi phục vụ Giáo Hội nhờ Thánh Thần.” Trong những tháng cuối đời, mặc dù hết sức đau yếu, nhưng gần như ngài không bỏ các buổi gặp gỡ tín hữu vào ngày thứ tư hàng tuần tại quảng trường thánh Phêrô. Lần cuối cùng xuất hiện từ khung cửa sổ của văn phòng làm việc, dường như ngài không thể nói được nữa, nhưng các tín hữu hành hương thấy ngài đã cố gắng hết sức để nói một câu: “Chào anh chị em” và ngài ban phép lành cho các tín hữu. Hình ảnh ấy đã gây xúc động cho biết bao nhiêu người vì một tấm gương hy sinh phục vụ Chúa và Giáo Hội. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kiên trì phục vụ Giáo Hội cho đến hơi thở cuối cùng.
Thưa quý OBACE, thông thường người đời khi phục vụ người khác vẫn ngầm tìm kiếm một điều gì đó. Có những người được coi là phục vụ nhân dân, nhưng thực ra họ cũng mong có được địa vị, chức tước trong xã hội, vì địa vị sẽ kèm theo bổng lộc hoặc những cơ hội làm giàu khác lớn hơn. Các tông đồ của Chúa Giêsu ngày xưa cũng mang suy nghĩ và mong đợi như thế.
Tin Mừng hôm nay kể lại việc hai anh em ông Giacôbê và Gioan đã gợi ý để xin Chúa Giêsu: Thưa Thầy, chúng con muốn xin Thầy cho … hai anh em con một người được ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy khi Thầy được vinh quang. Trong khi Chúa Giêsu đang giảng dạy về việc tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời, sống khiêm nhường phục vụ, thì có lẽ hai môn đệ này không hiểu vinh quang Nước Trời mà Chúa Giêsu đang nói đến. Các ông nghĩ đó là vinh quang trong ngày Chúa khởi nghĩa thành công, đánh đuổi người Rôma để tái lập vương quốc Israel. Do đó, các ông dường như muốn Chúa ưu tiên cho mình một địa vị mang tính xã hội, các ông nghĩ rằng: nếu Chúa đón nhận vinh quang làm vua, thì các ông sẽ giành một ghế làm thủ tướng hoặc làm bộ trưởng.
Chúa Giêsu đã giải thích lại cho các ông hiểu về vinh quang mà Chúa sắp bước vào, đó không phải là vinh quang được trần thế tung hô, ca tụng, không phải vinh quang của một vị hoàng đế, nhưng là vinh quang của thập giá và phục sinh. Để đến được vinh quang phục sinh này, thì chỉ có một con đường duy nhất đó là phải trải qua đau khổ và cái chết thập giá. Những ai muốn chia sẻ, tham dự vào vinh quang phục sinh với Chúa Giêsu, thì phải đi cùng một con đường Chúa đi, phải chia sẻ vào đau khổ và cái chết hiến mình trên thập giá. Do đó, Chúa Giêsu đã sửa lại suy nghĩ của hai môn đệ này khi nói với các ông: Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống và phép rửa Thầy sắp phải chịu không?
Mặc dù không hiểu hết điều Chúa Giêsu muốn nói, nhưng các ông đã nhanh chóng đáp lại: Thưa được. Với lời thưa này, Chúa Giêsu không hứa cho hai ông được ngồi bên tả hay bên hữu, nhưng Người hứa cho các ông được chia sẻ vào vinh quang thập giá với Người. Đặc biệt hơn nữa khi Chúa nói với hai anh em Giacôbê: Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Tức là Chúa cho hai ông được tham dự cách đặc biệt vào cuộc khổ nạn thập giá và vinh quang phục sinh mà Người sắp trải qua. Vinh quang này chỉ có những người thực sự đặt trọn niềm tin vào nơi Chúa, chấp nhận trở thành môn đệ và theo sát Chúa mới có thể đón nhận. Tức là được cùng sống cùng chết với Thầy và cùng hưởng vinh quang phục sinh mà Thiên Chúa Cha đã dự liệu cho Con của Ngài cùng những ai tin và đón nhận Con của Ngài. Như thế, việc ngồi bên tả hay bên hữu không quan trọng cho bằng được cùng hưởng, cùng đồng bàn, cùng chung chia vinh quang và hạnh phúc trong Vương Quốc của Thiên Chúa.
Qua sự kiện hai môn đệ Gioan và Giacôbê, khởi đi từ việc tìm kiến địa vị vinh quang theo kiểu trần thế, được ngồi bên phải bên trái Chúa theo kiểu thế gian, Chúa đã dẫn hai ông tới một mức độ cao hơn là mời gọi hai ông cùng chia sẻ vào sự sống, sự nghiệp, trở nên bạn hữu thân thiết, cùng chia sẻ vinh quang của Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, mười môn đệ còn lại vẫn chưa hiểu được những điều Chúa mời gọi hai anh em Giacôbê và Gioan, nên sợ hai người kia chiếm mất chỗ của mình, mười người kia dường như ghen tị, tức tối vì nghĩ rằng hai anh em Giacôbê và Gioan được phần hơn. Nhưng Chúa Giêsu không hề hứa cho họ phần hơn, mà Người hứa cho họ được tham dự vào con đường phục vụ đến hiến mạng sống của Người. Do đó, Chúa Giêsu đã uốn nắn lại suy nghĩ của các tông đồ và nói với các ông: Thủ lãnh thế gian thì lấy quyền mà cai trị dân. Anh em thì không như thế: ai muốn làm lớn thì phải là người phục vụ anh em mình; ai muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người.
Cùng lúc đó, Chúa nói về con đường phục vụ của Người: Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Một lần nữa Chúa muốn khẳng định với những người theo Chúa, làm môn đệ của Chúa, không thể tìm kiếm danh lợi, địa vị theo kiểu thế gian, nhưng theo Chúa là phải nên giống như Chúa, dám cúi xuống để phục vụ, dám hạ mình như người đầy tớ, phục vụ cách vô điều kiện và dám hiến cả mạng sống của mình vì hạnh phúc và sự sống của anh chị em. Sứ mạng này của Chúa Giêsu đã được tiên tri Isaia diễn tả trong Bài Ca về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa: Đức Chúa đã muốn người tôi trung phải bị nghiền nát vì đau khổ… Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng… người sẽ làm cho muôn dân nên công chính. Thư Do Thái thì mời gọi chúng ta: (Chúa Giêsu) là vị Thượng tế cảm thương về nỗi thống khổ của chúng ta, vì chính Ngài cũng phải trải qua thử thách…Vì vậy, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa để được xót thương.
Thưa quý OBACE, con người chúng ta bị cám dỗ luôn muốn đặt mình ở trên người khác và tìm kiếm địa vị, danh vọng, bổng lộc theo kiểu trần gian. Nhưng Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta dám sống ngược lại với những khuynh hướng cám dỗ ấy. Trước hết, là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi dám đón nhận “chén đắng và phép rửa” của Chúa như Người đã mời gọi hai anh em ông Giacôbê và Gioan. Điều này có nghĩa là Chúa mời gọi chúng ta trở nên môn đệ thân thiết và trở nên bạn hữu của Chúa, cùng đồng hành, chia sẻ với Chúa trong sứ mạng phục vụ anh chị em dù có phải qua hành trình đau khổ và thập giá. Vì khi dám đón nhận và chia sẻ với Chúa, Chúa sẽ biến đau khổ, thập giá thành vinh quang và còn cho ta được chia sẻ vào vinh quang phục sinh với Chúa.
Là môn đệ của Chúa, chúng ta không thể trốn tránh việc phục vụ anh chị em, nhưng phải dám phục vụ đến hiến mạng sống và hiến mạng sống để phục vụ. Chúng ta sẽ bắt đầu việc phục vụ từ trong gia đình, phục vụ cha mẹ già, phục vụ vợ, chồng và con cái với niềm vui. Cũng là việc phục vụ trong gia đình, nhưng có những người phục vụ trong cằn nhằn, cáu gắt, cọc cằn. Chúa muốn mỗi người hãy biết phục vụ mọi người chung quanh một cách quảng đại, vui tươi như Chúa đã phục vụ và hiến mạng vì chúng ta.
Thế gian và người đời tìm kiếm vinh quang, địa vị và công lao trong phục vụ. Chữ phục vụ ngày nay đã bị thương mại hoá khiến cho nhiều Kitô hữu bỏ qua đòi hỏi phải sự hy sinh trong phục vụ. Điều Chúa muốn ta khi phục vụ anh chị em, đó là được nên giống Chúa, trở thành cộng tác viên của Chúa, ở bên Chúa và chia sẻ hạnh phúc vinh quang với Chúa. Chính mục đích này sẽ là động lực thúc đẩy chúng ta phục vụ anh chị em chung quanh và giúp chúng ta dám phục vụ quên mình, chấp nhận thiệt thòi, phục vụ cách vô điều kiện vì anh chị em. Chúng ta bắt đầu việc phục vụ bằng cách biết quan tâm đến các hoàn cảnh và nhu cầu của mọi người chung quanh, không ngại mất thời giờ, không ngại bị làm phiền, nhưng sẵn sàng đưa tay ra khi anh chị em chung quanh cần đến mình. Gửi tiền để giúp người khác là điều tốt, nhưng tốt hơn là mỗi ngày làm những việc tốt nho nhỏ cho người chung quanh, đem đến cho họ một nụ cười, một niềm vui nhỏ mỗi ngày. Chúng ta sẽ phục vụ bằng việc biết quan tâm đến tha nhân, biết đặt mình vào hoàn cảnh của họ để nhận ra những nhu cầu mà họ đang cần mình giúp đỡ.
Xin Chúa cho chúng ta có một đôi tay rộng mở để sẵn sàng phục vụ và một trái tim quảng đại để dám phục vụ cách vô điều kiện như Chúa đã phục vụ và hiến mạng sống vì chúng ta. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*