Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Mười Một 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 10    
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

SỐNG CHẾT LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT

Lm. Giuse Đổ Đức Trí

CHÚA NHẬT XXXIII: CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Thưa quý OBACE, có một chủ trương gieo rắc sự giả dối, sai lạc trong lịch sử với mục đích tạo ác cảm, gây chia rẽ trong xã hội. Đó là có nhiều người, kể cả những người được cho là có trình độ, có vị thế, có uy tín khi nói về đạo Công Giáo, họ nói rằng: Thực dân Pháp đem đạo Công Giáo vào Việt Nam; người Công Giáo hợp tác với Pháp để xâm lược Việt Nam… Mục đích của việc dối trá này làm cho nhiều người đồng hoá đạo Công Giáo với thực dân Pháp, gây ra sự thù hằn, nghi kỵ trong xã hội. Thật ra, đạo Công Giáo đã có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ 16 (1533) dưới thời vua Lê Trang Tôn và được củng cố bởi các nhà thừa sai Dòng Tên Bồ Đào Nha và Ý vào đầu thế kỷ 17. Sau đó gần 300 năm, vào cuối thế kỷ 19 (1867), người Pháp mới đến xâm chiếm Việt Nam.
Mặc dù lịch sử Giáo Hội và xã hội đều ghi nhận sự thật như thế, nhưng vẫn còn có nhiều người muốn đánh đồng giữa đạo Công Giáo và thực dân. Từ sự đánh đồng này, người ta cho rằng, các vị tử đạo Việt Nam là những người phản bội tổ quốc, cộng tác với Pháp nên bị kết án tử. Lịch sử đạo Công Giáo tại Việt Nam ước tính có hằng trăm ngàn các Kitô hữu đã chết vì đức tin, vì làm chứng cho Thiên Chúa, kể từ khi Tin Mừng vào Việt nam. Trong số đó có 117 vị đã được Giáo Hội tôn vinh hiển thánh và một vị được tôn vinh là chân phước. Trong 117 vị có 58 vị chịu chết dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841), 50 vị dưới thời vua Tự Đức (1847-1883), còn lại là các vị trước và sau triều đại hai vị vua này.
Các vị tử đạo Việt Nam đã chấp nhận cái chết vì lý do gì? Các ngài đã chết không phải vì theo Tây, không phải vì phản bội tổ quốc, cũng không hoạt động chính trị, nhưng chỉ vì một lý do duy nhất đó là trung thành với đức tin, với chân lý mà các ngài đã đón nhận. Cách đây 300 – 400 năm, lúc đó cuộc sống của người Việt còn rất thấp, niềm tin tôn giáo chủ yếu là thờ cúng ông bà tổ tiên, hoặc giữ những thói quen của các tôn giáo khác; việc thực hành niềm tin dân gian và những tín ngưỡng mang hình thức mê tín còn rất phổ biến. Khi hạt giống Tin Mừng được gieo vào Việt Nam, cha ông chúng ta đã sẵn sàng đón nhận một giáo lý mới, vì xác tín rằng: Đạo Chúa mới là đạo thật, Thiên Chúa mới là Chúa Trời thật, Ngài dạy con người sống theo sự thật và sống tình yêu thương. Khi đón nhận chân lý này, cha ông chúng ta đã dám chấp nhận mọi gian lao, đau khổ, sống chết với đức tin mà mình đã đón nhận không lay chuyển, không đổi thay.
Lịch sử của đạo tại Việt Nam cũng có những điểm giống với lịch sử của Do Thái. Trong lúc các dân tộc chung quanh còn thờ cúng các thần linh và giữ nhiều thói quen, tập tục mê tín, thì dân tộc Israel đã được Thiên Chúa tỏ mình cho biết Ngài là Thiên Chúa thật và là Thiên Chúa duy nhất vượt trên tất cả các thần linh dân ngoại, Ngài muốn Israel chỉ thờ phượng một mình Ngài mà thôi. Vì trung thành với đức tin của cha ông, tin vào Thiên Chúa là sự thật mà người Do Thái cũng đã phải trải qua những giai đoạn lịch sử hết sức khó khăn để bảo vệ đức tin của mình.
Bài đọc một sách Macabê thuật lại giai đoạn trước Chúa giáng sinh khoảng 100 năm, lúc đó người Hy Lạp xâm chiếm đất Israel và áp đặt việc thờ cúng của họ. Dù biết những việc thờ cúng thần minh và việc thực hành các tập tục của dân ngoại là đi ngược lại với đức tin truyền thống của cha ông, thế nhưng nhiều người Do Thái lúc đó đã buông mình theo những cách sống, cách thờ cúng và niềm tin vào thần linh, cùng những trò hấp dẫn của người Hy lạp, mà bỏ qua giới răn lề luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người Do Thái bất chấp những khó khăn, đe doạ và cả những cực hình chỉ vì trung kiên với giới răn lề luật của Thiên Chúa, kiên định với đức tin vào Thiên Chúa duy nhất. Đoạn sách hôm nay kể về một bà mẹ và bảy đứa con cùng chịu hành hình vì đức tin. Ai nhìn thấy những cực hình cũng đều khiếp sợ và người mẹ nào nhìn thấy con mình chịu cực hình thì cũng vô cùng đau đớn. Tuy nhiên, bà mẹ trong câu chuyện hôm nay là một bà mẹ kiên cường, đáng cho người đời kính phục. Cùng một ngày bà phải chứng kiến lần lượt các người con bị hành hình. Trong lúc đau đớn tột cùng cả thể xác và tinh thần, bà vẫn dùng những lời lẽ đức tin để khuyên nhủ các con can đảm chịu khổ hình. Bà nói với các con rằng: Chính Thiên Chúa mới là Đấng nắn đúc nên các con và loài người. Cũng chính Ngài là Đấng sẽ ban lại cho các con sự sống, bởi vì các con tôn trọng lề luật của Người hơn mạng sống mình.
Bài Tin Mừng hôm nay trích lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn. Nhìn thấy đau khổ thập giá trước mặt, cũng giống như mọi người, Chúa Giêsu cũng cảm thấy vô cùng sợ hãi. Tuy nhiên, sự sợ hãi không khiến Chúa Giêsu phản bội kế hoạch của Thiên Chúa, cũng không tìm cách trốn chạy, nhưng Chúa Giêsu đã đặt trọn niềm tin, cuộc đời và cả mạng sống nơi bàn tay của Thiên Chúa Cha, vì tin rằng: Thiên Chúa là Sự Thật, nơi Thiên Chúa không bao giờ có sự gian dối. Sự thật bởi Thiên Chúa có sức giải thoát con người và vũ trụ. Trong lúc đau khổ ngập tràn tâm hồn, Đức Giêsu cũng không nghĩ đến bản thân, nhưng là nghĩ đến và cầu nguyện cho các môn đệ của mình: Lạy Cha xin gìn giữ chúng. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hoá họ. Lời Cha là sự thật. Vì họ con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến.
Thưa quý OBACE, có thể ngay từ xa xưa và cho đến hôm nay, người đời vẫn cho rằng, những người có đạo bị kết án tử đều là những kẻ phản bội tổ quốc, chạy theo ngoại bang. Nếu chỉ vì tìm kiếm sự giàu sang, bổng lộc của ngoại bang đem lại, chắc chắn các vị tử đạo đã không dám đánh đổi mạng sống mình, vì không ai liều chết vì sự giả dối, hoặc liều chết chỉ để được chút lợi lộc. Trước mặt người đời, cái chết của các vị tử đạo từ xưa đến nay vẫn bị coi là vô lý, là uổng phí, nhưng đối với những người môn đệ của Chúa, những cái chết vì sự thật, vì đức tin, vì Tin Mừng và vì Chúa Giêsu là cái chết có chọn lựa giữa cái được và cái mất mà Chúa Giêsu nói đến: Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Nếu nhìn theo người đời, cái chết của các thánh tử đạo dường như là mất mát, thiệt thòi, thua lỗ, nhưng thực ra các ngài đã tìm được mối lợi to lớn là chính Chúa Giêsu, tìm được sự thật là Thiên Chúa và hạnh phúc Nước Trời, đó là niềm hy vọng và đích điểm cuộc đời của các ngài.
Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta được mời gọi noi gương cha ông và học tập nơi các ngài, để biết chọn Chúa Giêsu và Tin Mừng, chọn làm môn đệ, vác thập giá đời mình hằng ngày mà bước theo Chúa. Nói như thế thì khá đơn giản, nhưng để quyết tâm từ bỏ mình là một cuộc tử đạo rỉ máu mỗi ngày. Chấp nhận thua thiệt vì Tin Mừng, đón nhận những khó khăn, trở ngại, đau khổ, bệnh tật, chấp nhận hy sinh, vất vả và chu toàn những việc bổn phận hằng ngày trong niềm vui, với tình yêu dành cho Chúa và vì Chúa, đó là một cuộc tử đạo kéo dài trong suốt cuộc đời. Tin Chúa, sống và hành động theo sự thật, nói thật, sống thật vẫn luôn là một thách thức với nhiều người.
Chúng ta sẽ không phải đổ máu tử đạo, không phải chết ngục tù như cha ông chúng ta ngày xưa, nhưng chúng ta được mời gọi sống tích cực, làm điều tốt mỗi ngày, sống và hành động theo sự thật. Người môn đệ của Chúa không thể vác thập giá hằng ngày với tâm trạng tiêu cực, than vãn, nhưng là đón nhận trong niềm vui và tin tưởng. Chúng ta sẽ không kéo lê thập giá đời mình, cũng không thụ động, buồn chán, nhưng tích cực làm nhiều điều tốt, làm việc bác ái, đem niềm vui và hạnh phúc đến cho anh chị em và đem niềm vui đến cho gia đình. Người môn đệ của Chúa không thể biến mình thành kẻ gian dối trong lời nói, suy nghĩ và hành động.
Vác thập giá của mình mỗi ngày là mang lấy trách nhiệm trong gia đình và xã hội, là phải chịu đựng ông chồng bê tha, rượu chè, lười biếng, là đón nhận bà vợ cờ bạc, lắm điều, nói nhiều; thập giá hằng ngày còn là những đứa con ngỗ nghịch, là nhà hàng xóm khó tính, là người đồng nghiệp khó chịu và cả những khó khăn tai hoạ bất ngờ xảy đến.
Xin cho chúng ta biết đón nhận thập giá ấy trong niềm tin vào Chúa, trung thành với Tin Mừng, với giới răn lề luật của Chúa và Giáo Hội. Xin cho chúng ta can đảm dám sống và hành động theo sự thật, bước theo Chúa Giêsu trong niềm vui và để Chúa đưa tay chia sẻ, nâng đỡ cho chúng ta. Kiên trì như thế, chúng ta cũng sẽ là những vị thánh tử đạo ngày hôm nay. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*