THẦN TƯỢNG
Mt 16,21-27
Giữa trăm ngàn thách đố hôm nay, làm sao tìm được con đường giải thoát đích thực ? Giữa bao nhiêu mời gọi khác nhau, làm cách nào Ðức Giêsu hấp dẫn mọi người “theo Chúa” ?
NGHỊCH LÝ
Ðức Giêsu đã được mạc khải là “Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16), nắm toàn quyền “cầm buộc và tháo cởi” (xc 16:19) trong khi thi hành ba sứ mệnh vương giả, tư tế và ngôn sứ. Thực ra, tất cả quyền hành đó chỉ được tỏ lộ ra trong cung cách phục vụ. Quả thế, trong khi ông Phêrô đặt kỳ vọng vào một Ðức Kitô sẽ đem lại vinh quang và thịnh vượng cho dân Do thái, thì Ðức Giêsu lại cho ông thấy mặt trái của vinh quang ấy. Ðã đến lúc, “Ðức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết : Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết” (Mt 16:21).
Các ông không ngờ bộ mặt thật quá bi đát như vậy. Ông Phêrô như muốn cầu cứu Thiên Chúa trước cảnh tối tăm sắp chụp xuống trên thân phận Thày trò. Nhưng hành động đó thật thiếu suy nghĩ. Chính vì thế, Ðức Giêsu cần xác định vị trí của mình và vạch trần hành động nguy hiểm của ông : “Xatan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy” (Mt 16:23). Ðúng là “trò không hơn thày” (Mt 10:24; Lc 6:40; ga 13:16; 15:20; 4:34; 12:24). Nói khác, ông Phêrô cứ tưởng lôi kéo Ðức Giêsu ra khỏi đường lối Thiên Chúa. Nhưng chính Người lại lôi ông trở về địa vị môn đệ, phải luôn ở vị trí “đàng sau Thầy”. Ông phải học hỏi cho biết phân biệt “tư tưởng của Thiên Chúa” khác xa “tư tưởng của loài người” (xc Mt 16:23). Muốn được như thế, “anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:2)
Muốn làm môn đệ Ðức Giêsu, phải “đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Theo Thầy không phải để vinh thân phì da. Theo Thầy để tìm một lẽ sống cho cuộc đời, vì Thầy là con đường dẫn về nguồn sống là Chúa Cha. Thầy là sự thật giải thoát muôn dân. Muốn theo Thầy, không những phải “từ bỏ chính mình”, tức là “tư tưởng của loài người”, mà còn phải mang thân phận như Thầy với thập giá riêng trên vai. Thực tế, theo hay không theo Thầy, con người vẫn không thoát khỏi khổ giá. Nhưng nếu theo Thầy, môn đệ sẽ tìm được hướng giải thoát. Muốn theo Thầy, “anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12:1).
Bước theo hướng đó, môn đệ sẽ bị chê là ngu dại, vì đã lâm vào một nghịch lý căn bản. Ai cũng yêu mạng sống mình, tại sao họ lại tìm cách đánh “mất mạng sống mình vì Thầy” (Mt 16:25) ? Phải chăng Thầy có sức thu hút khiến họ không thể chống cưỡng được ? Giống như ngôn sứ Giêrêmia, họ phải thốt lên : “Lạy Ðức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng” (Gr 20:7) Người có sức quyến rũ mãnh liệt, vì đã vận dụng được nghịch lý của cây thập giá để “ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Mt 16:21) khỏi cõi chết.
Cuộc vận hành giữa sống và chết đã mạc khải một thực tại lạ lùng. Cái tôi như ẩn như hiện. Càng tìm cái tôi càng mất. “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất” (Mt 16:25). Người ta tưởng chiếm hữu càng nhiều, càng làm cho cái tôi dầy cộm lên. Thực ra, chẳng có gì quí hơn mạng sống. Nhiều người đánh đổi mạng sống lấy những của cải vật chất. Thực tế chưa ai giàu có đến nỗi làm chủ được cả trần gian. Nhưng “nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?” (Mt 16:26) Chỉ một cách duy nhất có thể tìm lại được mình là “mất mạng sống mình vì Thầy” (Mt 16:25) Cả thế giới cũng không đem lại sự sống. Chỉ một mình Thầy mới có thể làm cho người môn đệ lại “tìm được mạng sống ấy” (Mt 16:25), vì Thầy là “sự sống lại và là sự sống” (Ga 11:25). Bởi thế, Thầy có sức quyến rũ hơn cả vũ trụ. Cứ tưởng chỉ có vũ trụ mới thu hút được con người. Ai dè còn có Ðấng quyến rũ hơn Lý do vì Thầy là “con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6) ! Nói khác, chỉ một mình Ðức Giêsu mới có thể giải thoát nhân loại khỏi mọi ma lực tà thần.
THỨC TỈNH TRƯỚC GIÁ TRỊ NƯỚC TRỜI
Trước phong trào vận động quần chúng trục xuất Thiên Chúa ra khỏi học đường và xã hội Hoa Kỳ, nhiều người bi quan về tương lai tôn giáo. Càng bi quan hơn nữa khi nhìn đến thống kê gần một trăm triệu người Mỹ không bước đến nhà thờ nữa. Khi đã dư thừa vật chất, con người cần gì phải cầu xin Thiên Chúa ? Phải chăng “Thiên Chúa đã chết” ?
Thực ra, đa số những người không đi nhà thờ vẫn tin Thiên Chúa. Theo José Antonio Marina, một triết gia Tây Ban Nha, “các tôn giáo đang chỗi dậy, nhưng một cách không rõ ràng”. Ông khẳng quyết : “Không những tôn giáo không biến mất, nhưng ngày càng hiện diện trong thế giới hôm nay”. Bởi thế, ông nghĩ cuộc tuyên truyền về “việc khai tử các tôn giáo vào trung tuần thế kỷ vừa qua là một hành động thiếu suy nghĩ”. Ông nhìn nhận một trong những yếu tố phương hại tới cảm quan tôn giáo là chủ nghĩa cơ hội cấu kết với “những phong trào độc lập quốc gia và các phong trào cực hữu”. Ví dụ thế giới Hồi giáo đang thực hiện không phải một “chiến tranh tôn giáo chống Tây phương, nhưng là một chiến tranh dành độc lập”, trong đó tôn giáo được phất cao “như một lá cờ”. Bởi đó, nhiều người coi tôn giáo như một chướng ngại hơn là một sự trợ giúp cho nhân loại. Nhưng triết gia Marina cho biết vẫn chưa thấy ứng nghiệm những tiên đoán rằng kiến thức khoa học sẽ loại bỏ tôn giáo ra khỏi “tim óc con người” (Zenit 27.8.2002). Như thế Thiên Chúa vẫn chiếm một địa vị kiên cố trong nhân loại.
Sở dĩ được như thế vì “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Nói khác, Thiên Chúa đã sai Ðức Giêsu đem thần khí và sự thật đến cứu sống nhân loại. Nhưng trên hết là tình yêu, một mầu nhiệm được mạc khải trọn vẹn trong đời sống gia đình. Thực thế, “chính Ngôi Lời Thiên Chúa “mạc khải” và “hoàn thành” kế hoạch đầy khôn ngoan và yêu thương đối với hôn nhân, cho họ được thực sự chia sẻ một cách huyền nhiệm vào chính tình yêu Thiên Chúa yêu thương nhân loại” (Hội Ðồng Giáo Hoàng Ðặc Trách về Gia Ðình, Zenit 27.8.2002). Do đó, muốn cứu sống nhân loại, trước hết phải bắt đầu từ gia đình.
Fr. Jude Siciliano, OP.
Nhận xét góp ý