Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tám 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 7    
 1234
567891011
12131415161718
19202122232425
262728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

Tỳ Kheo Ni

(Mến tặng các Nicô Phật giáo)

Truyện ngắn của Lêvi

Lan đưa tay chỉnh lại chiếc áo Cà-sa, với tay cầm cái bình bát rồi bước ra cửa, trong khi con Tu (tên con chó ở Chùa) vẫn còn cuộn mình trên chiếc phản chất đầy hương phật tử cúng dường. Ngoài kia, mặt trời bắt đầu chiếu những tia nắng vàng xiên xiên qua tán lá Bồ Đề trước sân Chùa. Từ gian chánh điện, Sư Bà Hải Minh vừa gõ mõ tụng kinh vừa đưa mắt nhìn cô đệ tử cho tới khi bóng Lan khuất khỏi cổng Chùa.

Mồ côi, nó được Sư Bà đem về Chùa nuôi lúc lên 5 tuổi. Ba má nó mất trong vụ tai nạn đắm phà trong một lần lên Chùa huyện báo hiếu mùa Vu Lan. Xem ra nó có duyên với cửa Phật. Về Chùa, càng ngày nó càng xinh ra, trắng da dài tóc. Các Ni-cô trong Chùa rất thích đưa tay luồn dưới gáy, vuốt mái tóc dài mượt của nó. Sư bà thường ví những lọn tóc của nó óng như những cuộn tơ mà Cô Tâm dệt từ đám Dâu Tằm Cô nuôi sau nhà. Năm 12 tuổi, nó được Sư bà quyết định cho xuống tóc, chính thức bước vào đời khởi tâm chấp tịnh. Các Cô đánh đố nhau thế nào nó cũng sẽ khóc thét khi mái tóc xanh trên đầu rơi xuống. Nào ngờ ngày nó thề xả bỏ thân tâm, nó lon ton bê mái tóc dài của mình đặt trước tượng Phật Tổ, quì gối và lầm rầm câu gì đó mà chỉ có Đức Phật với nó mới biết.

Từ dạo ấy, các Cô không còn được nấu trái bồ kết gội đầu cho Lan vì Lan đã trở thành Ni-cô. Ngày trước, khi Lan còn là một “cô tiểu” tóc ba chỏm trái đào, các phật tử tới Chùa thường nói với Sư bà và các Cô: “Con Lan nó có chân tu. Con nhỏ ở Chùa chỉ ăn toàn rau cỏ mà càng lớn càng xinh ra”. Có lần Lan ra chợ xóm Chùa xin vài con cá biển về nấu cho con Tu, khi về tới nhà Lan nghe thấy người ta bình luận về nhan sắc của mình, Lan cười thầm trong bụng: “Nghĩ đời mà chán cho đời, tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Bây giờ khi Lan chính thức xuống tóc, xa kiếp hồng trần, họ càng trố mắt kinh ngạc: “Con bé đẹp như vậy mà đi tu, uổng thiệt!”. Dân gian có câu: “Cái răng cái tóc là góc con người”. Trường hợp của Lan thì ngoại lệ. Dù đã xén tóc xa đời, tình mến Phật, nhưng cái đầu nhẵn thín của Lan lại rất phù hợp với khuôn mặt trái xoan, đôi gò má hồng hào và đôi mắt to tròn trong sáng. Hàm răng trắng và đều, mỗi lần Lan cười e ấp làm cho lũ con trai xóm Chùa phải ngẩn ngơ.

Trở lại việc đi khất thực khất pháp luyện thân. Công việc này Lan đã quen làm từ một năm về trước. Việc khất thực – cầm bát đi tạo duyên lành cho chúng sinh trong Chùa ngày trước thuộc bổn phận của Cô Hòa, nhưng kể từ năm ngoái, Sư Bà ưu ái dành cho Lan. Nói ưu ái là thế này: theo luật Tỳ kheo, muốn làm Khất sĩ phải đủ 20 tuổi, trước đó phải làm Sa-Di và phải giữ trọn 250 giới luật. Phần Lan thì còn quá trẻ, lại là Nicô mà đi hành pháp (theo luật thường thì người nam gọi là tỳ kheo mới đi khất thực). Sư Bà truyền cho Lan chỉ được cầm bát trong địa hạt xóm Chùa, không được đi qua các xóm khác. Lan tự hào về công việc này cho đến cách đây một tuần, trong một lần đi khất thực qua nhà ông Hai Nhiêu.

Gia đình Hai Nhiêu nổi tiếng nhất xóm chùa về sự giàu có và về đàng con cái. Bà Hai có riêng một tiệm vàng lớn nhất chợ xã Mỹ Tú. Ông Hai ở nhà trông coi đám vườn tược rộng bát ngát cùng với những tôi ăn người ở trong nhà. Nhà ông được cả xóm Chùa và những xóm lân cận biết đến vì hai thằng con trai con ông. Thằng lớn 25 tuổi. Bao nhiêu thứ ăn chơi trên đời nó đều đã thử qua: chơi gà, đánh số đề, đua xe, chơi cả cái khoản thứ 3 trong “tứ khoái”. Nó đã có vợ rồi vậy mà cứ thong dong như ngã trai tơ. Vợ nó con Khiêm cả ngày hết bận bịu với hai đứa con một trai một gái, lại gánh vác thêm cái tiệm cầm đồ thuộc loại ăn nên làm ra bậc nhất xóm chùa. Phần nó 10 giờ sáng mới thức dậy, có khi quên cả ăn sáng đã vội dắt xe ra khỏi nhà, lông bông cho tới tận 12 giờ khuya mới vác xác về nhà. Nó tên Hồn, vậy mà chẳng ra hồn. Thằng Hồn còn có một thằng em tên là Nhiên. Năm nay Nhiên tròn 23 tuổi. Ở tuổi 23 mà mức độ ăn chơi của nó chẳng thua kém thằng anh là mấy. Xong lớp 12, nó lên tỉnh thi vào Đại học Sư phạm với số điểm thủ khoa, nhưng lại không học. Nó quan niệm: học cho lắm cũng không bằng làm con nhà giàu; Nhà ba má nó giàu rồi, cần chi phải học nữa, học kiếm cái chữ cái nghề mục đích cũng để kiếm tiền mà thôi! Từ ngày ấy, nó bắt đầu đàng điếm ăn chơi với lũ bạn cùng lứa xóm chùa.

Quay về chuyện Lan đi khất thực tuần trước. Lan đi đến ngõ nhà ông Hai Nhiêu, lũ chó Bẹc-giê bị xích đầu nhà thấy bóng dáng vị Nicô trẻ, phong cách khoan thai, cử chỉ từ tốn bước đi trong một buổi sáng mùa đông se lạnh thì chúng sủa rống lên. Thằng Nhiên đang ngồi trong Ga-ra xe, chăm chút cho chiếc Air-Blade mà bà Hai mới mua cho nó mấy ngày trước, thấy lũ Bẹc-giê sủa thì đưa mắt nhìn ra bờ dậu. Dâm bụt mùa này nở hoa đỏ thắm, những cánh hoa bay bay điệu đà trong làn gió sớm mai. Bóng dáng vị tu sĩ trẻ với chiếc cà-sa vàng làm dịu cả một vùng trời. Chỉ khi khuôn mặt Lan xuất hiện ngay trước cổng chính nhà Hai Nhiêu, thằng Nhiên mới thấy được khuôn mặt của vị Nicô khất thực. Lần đầu tiên trong đời nó thấy một cô gái xinh đẹp đến thế: làn da không trang điểm như đám con gái trên huyện mà nó vẫn trở đi chơi hàng đêm, nhưng nước da Lan vẫn ánh lên vẻ rực rỡ đến lạ kì. Nó quen nhiều gái đẹp từ xóm chùa cho tới chợ huyện, nhưng đây là lần đầu tiên nó nhìn thấy một cô gái dịu dàng và thùy mị như Lan. Bản năng của thằng con trai trong nó đang nổi lên, làm nó quên khuấy đi Lan là một Ni-cô, suốt đời không biết đến chuyện tình yêu.

Lan đứng trước cổng nhà Hai Nhiêu, mặt cúi khẽ, tuy chân khép lại nhưng vẫn để lộ ra đôi gót sen hồng thắm. Như một sức hút, nó đã đứng trước mặt vị Ni-cô trẻ tự lúc nào. Lan theo luật tỳ kheo, miệng lẩm bẩm lời kinh chúc lành Sư bà dạy: “ Nam mô a di đà phật … ”. Ba phút, năm phút rồi mười phút trôi qua, Lan đứng yên không dám ngước lên; phần vì Lan là một Ni-cô vốn hay e thẹn, lại nữa người đứng trước mắt Lan thấp thoáng dáng dấp của một nam nhân, nên Lan càng thẹn thùng hơn. Thằng Nhiên cũng không hơn gì Lan, nó cũng đang chết đứng tự khi nào…

“Nam mô a di đà phật…”, Lan vâng theo pháp Phật đi hóa độ chúng sinh, khẽ đọc lời kinh cầu làm thằng Nhiên giật mình đánh thót. Nó vội nhớ về bổn phận của một thí chủ làm phúc cầu ơn, liền đưa tay vào túi áo móc ra một nắm tiền giấy xanh xanh hồng hồng cho vào chiếc bình bát của Lan, miệng lí nhí: “Cho tôi Hồi hướng công đức cho Tam bảo”. Ba triệu đồng hơn trong túi áo, đấy là số tiền nó thắng độ gà chiều qua với ông Năm Trà Ôn cuối xóm. “Nam mô a di đà phật, cầu Phật phù hộ độ trì cho thí chủ”. Nói đoạn Lan bước đi. Chẳng biết hương trinh khiết của nữ tỳ kheo xinh đẹp hay mùi của đóa Nhài trước cổng nhà Hai Nhiêu làm thằng Nhiên cảm thấy khoan khoái lạ lùng.

Đưa tay vào cái bình bát định cất thứ mà thí chủ vừa rồi bố thí, Lan giật mình khi tay mình chạm phải những tờ tiền giấy mới cứng. Cái nóng từ bàn tay bốc thẳng lên khuôn mặt dịu hiền, làm cặp lông mày vị Ni-cô trẻ rung lên. Lần đầu tiên trong đời khất thực, Lan gặp một thí chủ hào phóng như vậy. Lan không đếm, nhưng mường tượng số tiền kia cũng không hề nhỏ chút nào… Vốn tính đơn sơ của mình, Lan quay lại chỗ vị thí chủ vừa rồi. Nhưng giới luật Sư bà dạy Lan dạo nào: một tu sĩ Tỳ kheo không được chê chối bất cứ điều gì phật tử dâng cúng làm Lan ngừng bước. Quay đầu lại đi tiếp quãng đường về Chùa, lòng Lan xao xuyến, nhưng cảm giác ấy được đánh tan ngay lập tức bởi hình ảnh bà Sáu bị ung thư nhà ở cạnh Chùa. Bà cụ mới lên Chùa Giác Linh tối qua xin Sư Bà giúp cho ít tiền đi xạ trị. Lan biết mình phải hành động thế nào.

Lan nhẹ bước. Nữ tỳ kheo trẻ đầu trần, chân đất, thật chậm rãi, bước từng bước nhẹ nhàng trên con đường tạo duyên cho chúng sinh bố thí. Đôi mắt Lan nhắm nghiền, có lẽ như đang trì chú … Bên vệ đường, những bông hoa dại nhỏ, màu trắng khẽ rung rinh mỗi khi tà áo cà-sa của vị Ni trẻ lướt qua.

(Hết tập 1)

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*