Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Bảy 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 6    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

Tỳ Kheo Ni (Tập 2)

Lêvi

Bà Hai lấy làm lạ dạo gần đây, cứ sau một ngày, khi bà ở tiệm vàng về, lúc cất cái bóp vào tủ, là thằng Nhiên vào buồng bà, len lén dòm trước ngó sau rồi mở tủ đếm đếm lật lật thứ gì đó trong giỏ bà.

Xưa nay, bà vốn rất tự hào về hai thằng con trai của mình. Có thể nói bà sống cho tới ngày hôm nay cũng là vì chúng. Bà tần tảo chắt bóp từ khi lấy ông hai đến nay. Hai người bốn bàn tay trắng; của hồi môn của ông chỉ vọn vẹn là cái nghề hớt tóc và một hộp vuông, trong đó có đúng một cái Tông-đơ và một cây kéo cha ông để lại cho ông. Phần bà hai thì khá hơn một chút. Ngày cưới, bà có được hai chỉ vàng. Cha mẹ bà vốn là địa chủ giàu có ở vùng Cầu Kè, Vĩnh Long. Bà là tiểu thư lá ngọc cành vàng. Tuy nhiên bà lấy ông hai là do tự ý bà, không được gia đình đồng ý. Họ muốn gả bà cho cậu hai Tạo, con ông Tư Tuần – một địa chủ giàu khét tiếng làng bên. Ngày bà kết ước với ông hai, họ mặc xác bà. Họ không còn coi bà là người của gia đình dòng họ kể từ ngày ấy. Hai chỉ vàng kia là do cả phần đời con gái bà dành dụm chắt chiu.

Bà có với chồng hai thằng con trai kháu khỉnh thông minh. Ông bà thầm cám ơn trời phật vì điều này. Bà quan niệm: đời mình đã nghèo đã tủi, nên phải cố gắng cho con cái ăn học tới nơi tới chốn. Từ đấy ông bà cả ngày đầu tắt mặt tối, công việc nhà xong là vợ chồng lại ngược xuôi từ làng trên xóm dưới, nhà nào mướn gì ông bà cũng làm: từ việc nhổ cỏ dọn vườn cho tới việc thu hoạch bụi mía đám ngô. Thằng Hồn và thằng Nhiên trong những năm học cấp I và cấp II luôn là những học sinh đứng đầu lớp. Thằng anh giỏi về những môn tự nhiên, thằng út Nhiên thì có năng khiếu về những môn xã hội: lịch sử, văn học… Sang cấp III, hai anh em nó tự dưng dở chứng không muốn đến trường. Bắt đầu là thằng anh đòi bỏ học. Ông Hai không cho, nó liền bỏ nhà đi bụi mấy ngày. Bà Hai thương con, khi thấy bóng nó thấp thoáng sau nhà là bà ra khuyên con, mang cơm ra cho nó. Ông Hai rình bắt nó, ông chộp được áo nó. Ông thủ sẵn cây Đòn-giông to tướng, giơ cao định phết vào mông nó. Bà hai nhoài người ra đỡ, thế là nguyên cây roi lằn trên lưng bà. Ông hai ân hận về việc làm của mình, ông nói với con:

- “Hồn! tùy con, con cũng lớn rồi, ba má không ép con học. Ba má tần tảo nuôi con mong cho con có cái chữ cho đỡ khổ. Ba má dốt nên thua thiệt với người ta. Nếu con không muốn học thì thôi, nhưng từ ngày mai con phải trở về nhà, không được bỏ nhà đi nữa.”

Thằng Hồn về phụ giúp công việc vườn tược cho ba nó từ ngày đó. Phần thằng Nhiên, nó cũng định theo thằng anh bỏ học, nhưng từ khi bà hai kêu nó vào buồng bôi thuốc cho bà, nó nhìn thấy vết thương vừa sưng vừa chảy mủ của má nó, thì nó quên ngay cái ý định bỏ học. Nó học hết lớp 12 và thi đậu vào Đại Học, nhưng nó cũng chỉ cố gắng được như vậy.

Kể ra hai thằng con trai bà Hai cũng có một thời khá ngoan. Cho tới bây giờ tuy hai thằng có phần ăn chơi trác táng, nhưng được cái là việc ăn chơi ấy không ảnh hưởng gì đến làng xóm láng giềng. Chúng ăn chơi bằng tiền của chúng và cha mẹ chúng. Thằng Hồn có tiệm cầm đồ, con vợ nó lại là con nhà khá giả có của ăn của để, nên việc thằng Hồn mở tủ lấy bao nhiêu thì tùy, vợ nó không quan tâm. Thằng Hồn là thế, còn thằng Nhiên, bà hai cho nó bao nhiêu thì nó xài bấy nhiêu, chứ chưa bao giờ bà thấy nó “chà đồ nhôm, chôm đồ nhà”. Đây là điều bà tự hào về nó. Vậy mà bây giờ, tận mắt bà chứng kiến thằng Nhiên con trai bà làm cái hành động chẳng mấy ngay thẳng, nếu không nói là vô liêm sỉ ấy, bà vô cùng uất hận…

***
Bà Hai nhìn thằng Nhiên bước vào phòng mình. Đây là lần thứ năm bà thấy nó lục bóp bà; mà như người ta nói: “quá tam ba bận”; lần này bà quyết làm cho ra lẽ. Bà đứng ở cửa buồng đợi sẵn, chờ cậu quí tử bước ra bà sẽ khám xét. Thằng Nhiên đút vội cái bọc gì đó vào túi quần rồi nhanh nhẹn bước ra. Nó chú tâm đến nỗi chẳng nhìn thấy bà hai đang đứng ở cửa. Bà hai đi như chạy vào tủ của bà, mở giỏ kiểm tra.

- “Trời đất thánh địa ơi!”. Tiếng bà hai la toáng lên:
– “Ai đời nuôi ong tay áo, nuôi trộm trong nhà. Trời Phật ơi ngó xuống mà xem…!”

Thì ra mười triệu bạc, tiền lời hai ngày làm ăn ở tiệm vàng của bà không cánh mà bay. Bà đau không phải vì món tiền bị mất, nhưng vì thằng quí tử bấy lâu nay bà hằng yêu thương lại phản bội bà.

Bà đổi giọng, gọi Nhiên:
– “Nhiên, đứng lại tao bảo”.
Thằng Nhiên chưa kịp định thần thì ba hai đã chạy theo nó, quát lớn:
- “Nhiên, sao con lại ăn cắp tiền của má”.

Thằng Nhiên ú ớ chưa nói kịp lời nào thì bà Nhiêu đưa nhanh tay lôi mạnh cái bịch cồm cộm trong túi quần Nhiên. “Bọc tiền” rơi xuống đất đánh phịch. Mắt bà sáng lên khi sau cái lớp giấy nilon đã ngả màu vàng khói là ba chữ sơn son thiếp vàng: “Bát Nhã Kinh” – đó là cuốn kinh phật bà mới thỉnh từ chùa Giác Linh! Khi cuốn kinh rơi xuống đất cũng là lúc một mảnh giấy nho nhỏ kẹp trong cuốn sách văng ra:

– “Nguyễn thị Sáu, 60 tuổi, địa chỉ: ấp xóm chùa…. Bị bệnh ung thư, hoàn cảnh neo đơn, gặp rất nhiều khó khăn, mong ông bà hai giúp đỡ để cụ sáu có tiền thuốc thang…”
Hình ảnh bà Sáu mà Sư Bà Hải Minh cho bà biết trong một buổi tối lên chùa cách đây mấy hôm hiện lên trong tâm trí bà hai. Tối hôm đó theo thói quen bà lên Chúa thắp nhang vái phật. Cúng vái xong, Sư bà gọi bà lại và nói:

– “Tôi có việc này thưa với bà hai: bà Sáu xóm mình mới đi khám bệnh. Bác sĩ cho hay là bà bị bệnh ung thư giai đoạn thứ hai. Rất may là có cơ hội chữa khỏi nếu xạ trị và uống thuốc đầy đủ. Hoàn cảnh bà Sáu rất khó khăn. Mong ông bà hai giúp đỡ…”

Vốn tính thương người mến phật, bà hai mở ví rút ngay mười triệu đồng trao Sư bà.

Bà hai nhìn thằng con trai yêu quí, trong lòng cảm thấy vô cùng ân hận vì đã nặng lời với con. Có lẽ đây là lần đầu tiên bà có thái độ như thế với Nhiên. Bà cảm thấy bao năm đi chùa cúng phật, vậy mà bà vẫn chưa thoát khỏi cái: tham, sân, si, tránh khỏi cái nhãn quan thường hay sai lầm. Bà nhớ lại câu chuyện Sư bà kể trong một lần bà nghe thuyết pháp:

Gặp ngày đói kém mất mùa triền miên, hai thầy trò nhà sư nọ đi khất thực cả ngày trời, được dân làng quí hóa dâng một chén gạo con con. Thầy dặn trò xuống bếp thổi cơm, hai thầy trò cùng ăn rồi chết. Nguyên Ngọc (tên người học trò) vâng lời thầy xuống bếp thổi cơm, Thầy nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ. Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, sư thầy ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống, thấy Nguyên Ngọc từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ. Xong, Nguyên Ngọc đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh rồi từ từ đưa cơm lên miệng. Sư Thầy thở dài, ngửa mặt lên trời mà than rằng:

– “Chao ôi! Học trò quí nhất của ta mà lại đi ăn vụng, đốn mạt như thế này ư? Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”.

Một lát sau cơm chín. Nguyên Ngọc dọn cơm lên nhà trên mời Sư Thầy xơi cơm. Sư Thầy thấy Nguyên Ngọc chút hết phần cơm trong niêu vào chén mình, liền hỏi:
– “Sao con xới có một phần, cơm phần con đâu?”.
Nguyên Ngọc thưa:

“Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi, nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy”.

Lúc này, bà hai cũng có cảm giác vô cùng hối hận như vị Sư thầy kia, cho hành động kết án vội vàng của mình. Bà nhìn thằng con trai bé bỏng, trong lòng dậy lên niềm tin yêu vô bờ. Trên trời, bóng trăng tròn đêm rằm qua khe cửa chiếu ánh sáng vằng vặc lên khuôn mặt rất đẹp của Nhiên. Ánh trăng như báo hiệu sự thay đổi lớn lao trong trái tim vốn đã mang nhiều thương tích của nó. (còn tiếp)


Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*