Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Bảy 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 6    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

Cá Tính, Tâm Lý Con Người Phaolô

LêVi

Ngày 28/06/2008, Giáo Hội chính thức khai mạc Năm Thánh kỷ niệm vị Tông Đồ Vĩ Đại của dân ngoại, tức Thánh Phaolô Sự kiện có một không hai này đủ cho thấy tầm quan trọng của vị Thánh mà cho đến nay, người ta vẫn chưa nắm hết được mọi khía cạnh linh hứng từ con người và trước tác của Ngài. Khi khai mạc Năm Thánh Thánh Phaolô, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI khuyên ta hãy bắt chước Thánh Phaolô. Điều đặc biệt, chính Thánh Nhân cũng khuyên ta như vậy. Dường như trong lịch sử các thánh từ xưa đến nay, chưa có vị thánh nào khuyên như thế, ngoại trừ Thánh Phaolô. Mà không phải Ngài chỉ khuyên ta có một lần mà thôi. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Ngài khuyên, đúng ra là năn nỉ, ta đến hai lần: “Hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Chúa Kitô” (1 Cor 11:1; 4:16; 2 Tx 3:7, 9; Dt 13:7).
Trong lịch sử Giáo Hội, vinh quang Chúa được phản ảnh nhiều cách. Có những vị thánh phản ảnh một khía cạnh nào đó, được một số người nhận dạng với. Nhưng cũng có những vị thánh phản ảnh nhiều khía cạnh hơn, và do đó được nhiều người nhận dạng hơn, như Phaolô là một điển hình. Hans Urs von Balthasar gọi những vị thánh ấy là “thánh phổ quát”.
Vậy Phaolô là ai mà uy tín và tầm ảnh hưởng của ngài cao sâu đến như vậy? Ta hãy tìm hiểu cá tính và tâm lý con người của Phaolô. Muốn tìm hiểu về tính cách của một con người nói chung, và của Thánh Phaolô nói riêng, chúng ta phải tìm hiểu về thời đại và tiểu sử của con người hay vị thánh ấy. Cũng như qua chính những tác phẩm của họ, phần nào sẽ nói lên cá tính và tâm lý của họ vì: “Văn là người”

*GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
Phaolô-Một con người của 3 nền văn hóa
Tính chất nhãn quan phổ quát tiêu biểu cho cá tính của Thánh Phaolô, ít là của một Phaolô Kitô hữu sau biến cố trên đường đi Damasco, chắc chắn được sâu xa xuất phát từ niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô, vì hình ảnh của Đấng Phục Sinh vượt ra ngoài bất cứ một giới hạn đặc biệt nào. Thật vậy, đối với vị tông đồ này, thì ‘không còn Do Thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, mà tất cả chỉ là một trong Chúa Giêsu Kitô’. Tuy nhiên, hoàn cảnh lịch sử về văn hóa của thời Ngài và môi trường cũng ảnh hưởng tới những chọn lựa và dấn thân của ngài. Thánh Phaolô đã được diễn tả như là một con người của 3 nền văn hóa, liên quan tới nguồn gốc Do Thái của Ngài, ngôn ngữ Hy Lạp và đặc quyền làm ‘công dân Rôma’ của Ngài, như cũng được chứng thực nơi tên của Ngài có gốc Latinh.
1. Thánh Phaolô là ai?
Chúng ta không biết nhiều về thánh Phaolô trước khi Ngài gặp Đức Giêsu trên đường Damascus. Nhiều dữ kiện về con người Phaolô dựa vào sách Công Vụ Tông Đồ, vì thánh Phaolô không nói nhiều về lịch sử mình trong những thư Ngài viết cho các giáo đoàn.
Thánh Phaolô sinh tại Tarsus (Cv, 9:11; 21:39; 22:3) một thành phố phía đông của biển Địa Trung Hải (ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) vào khoảng năm 8 (nhiều sử gia phỏng đoán giữa năm 5-10 sau công nguyên). Ngài lớn lên và được giáo dục ở Jerusalem với một thầy Rabbi nổi tiếng đương thời là Gamaliel (Cv 22:3) nhằm trở nên một Pharisiêu (Biệt Phái), và sau này Ngài là một Pharisiêu nhiệt thành (Cv 23:6; 26:5; Phil 3:4-6; Gal 1:13-14).
Thánh Phaolô nói tiếng Hi Lạp, ngôn ngữ được dùng phổ biến thời bấy giờ (Cv 21:37), và tiếng Aram của người Do Thái vùng Palestine (Cv 21:40; 22:2). Ngài có quốc tịch Rôma, quyền ưu tiên này cho Ngài nhiều quyền lợi sau này trong đời sống truyền giáo (Cv 16:37-38; 22:25-29; 23:27).
Là một Pharisiêu nhiệt tâm với Do Thái giáo, Phaolô truy bắt những Kitô hữu tin theo Đức Giêsu Kitô (Cv 7:54-8:1; 9;1-4; 1 Cor 15:9; Gal 1:13; Phil 3:6). Vì theo Phaolô, Ông Giêsu bị lên án chết như một tử tội chứng tỏ đây là dấu hiệu bị Thiên Chúa nguyền rủa hơn là được Thiên Chúa chúc phúc.
Sau khi gặp gỡ Đức Giêsu Kitô trên đường Damascus (khoảng năm 34), Phaolô (trước có tên Do Thái là Saolô) dành hơn 30 năm để rao giảng Tin mừng Đức Kitô, với 3 hành trình truyền giáo trong khu vực Địa Trung Hải.
Trong Tân Ước kê khai 13 thư với tên thánh Phaolô là tác giả. Ngày nay, phần lớn các nhà Kinh Thánh tin rằng 7 thư được chính thánh Phaolô viết gồm: thư gởi Rôma, 1 và 2 Côrintô, Galata, Philipphê, 1 Thexalonica và Philêmon. Và 6 thư còn lại có thể được những người khác viết nhân danh Phaolô, gồm: Ephêsô, Côlôsê, 2 Thexalonica, 1 và 2 Timôtê và Titô.
Ngài chết tại Rôma khoảng năm 62-64, và theo truyền thuyết là bị chém đầu (dựa vào thư 1 Clementê viết khoảng năm 96, và dựa vào sách gọi là Công Vụ Phaolô viết khoảng năm 185-195).
2. Trong Bức Thư gửi giáo đoàn Galata, ngài đã cống hiến cho chúng ta một bản tuyên xưng đức tin của bản thân ngài, trong đó ngài mở lòng mình ra cho độc giả ở mọi thời đại và cho thấy những gì là nguồn mạch sâu xa nhất của cá tính và tâm lý con người ngài: ‘Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình cho tôi’. Tất cả những gì Thánh Phaolô làm đều được bắt đầu từ tâm điểm ấy. Đức tin của ngài là cảm nghiệm đưoơc Chúa Giêsu Kitô yêu thương một cách hoàn toàn riêng tư; nó là nhận thức về sự kiện Chúa Kitô đã chấp nhận chết đi không phải cho một cái gì đó vô danh mà là vì yêu thương ngài, yêu thương Thánh Phaolô, và sự kiện là, khi sông lại, Chúa Kitô vẫn yêu thương ngài, đã hiến mình cho ngài. Đức tin của ngài đã được tình yêu của Chúa Giêsu Kitô chiếm đoạt, một tình yêu chi phối bản thể sâu xa nhất của ngài và biến đổi ngài. Đức tin của ngài không phải là một thứ lý thuyết, một chọn lựa Thiên Chúa hay trần gian. Đức tin của ngài là âm vang của tình yêu Thiên Chúa nơi tâm can của ngài. Bởi vậy mà chính đức tin ấy là tình yêu thương Chúa Giêsu Kitô.
Đối với nhiều người thì Thánh Phaolô tỏ ra như là một con người hiếu chiến, biết cách sử dụng gươm giáo ngôn từ. Thật vậy, trên con đường làm tông đồ của ngài đã không thiếu những cuộc tranh cãi. Ngài đã không tìm kiếm một thứ hòa hợp hời hợt nông cạn. Trong bức thư thứ nhất của mình gửi cho giáo đoàn Thexalonica, chính ngài đã nói rằng: ‘Chúng tôi lấy can đảm trong Chúa để tuyên bố cùng anh chị em rằng Phúc Âm của Thiên Chúa đang gặp phải chống đối mạnh mẽ…. Vì chúng tôi chưa bao giờ dùng những lời lẽ xu nịnh, như anh chị em biết, hay che đậy lòng tham lam’. Đối với ngài sự thật này quá ư là cao cả để vì muốn được thành đạt bề ngoài mà sẵn sàng chấp nhận hy sinh nó đi. Sự thật này ngài đã cảm nghiệm được nơi việc ngài gặp gỡ với Đấng Phục Sinh xứng với những gì ngài phải đối chọi, bị bách hại và chịu khổ đau. Tuy nhiên, cái tác động ngài ở tận thâm cung con người của ngài đó là ngài được Chúa Giêsu Kitô yêu thương và ngài ước muốn truyền đạt tình yêu này cho người khác. Thánh Phaolô là một con người đã có thể yêu, và tất cả mọi hoạt động cùng khổ đau của ngài đều được sáng tỏ từ trung tâm điểm này.
Những quan điểm tiềm ẩn việc loan báo của ngài chỉ có thể hiểu khi căn cứ vào nền tảng đó. Chúng ta chỉ cần lấy một trong những lời chính yếu của ngài đó là tự do. Cái cảm nghiệm được Chúa Kitô yêu thương cho đến cùng đã làm cho mắt ngài mở ra về sự thật và con đường của việc con người hiện hữu; cái cảm nghiệm ấy đã bao hàm hết mọi sự. Thánh Phaolô sống tự do như là một con người được Thiên Chúa yêu thương, mà bởi Thiên Chúa, ngài đã có thể yêu thương cùng với Người. Tình yêu này giờ đây là ‘luật’ cho đời sống của ngài, và chính vì thế, đã là tự do cho đời sống của ngài. Ngài nói năng và tác hành, đều được tác động bởi trách nhiệm yêu thương; ngài được tự do, và vì ngài là con người yêu thương, ngài sống hoàn toàn theo trách nhiệm của tình yêu thương này và không lấy tự do để làm bình phong cho khoái lạc và cái tôi. Ai yêu mến Chúa Kitô như Thánh Phaolô đã mến yêu Người thì có thể thực sự làm được những gì họ muốn, vì tình yêu của họ được liên kết với ý muốn của Chúa Kitô, và vì thế, được liên kết với ý muốn của Thiên Chúa, vì ý muốn của họ được gắn chặt vào chân lý, và vì ý muốn của họ không chỉ là ý muốn của họ nữa, một thứ toàn quyền của cái tôi tự động của họ, mà được đồng nhất với tự do của Thiên Chúa, nhờ đó nó thấy được đường lối để theo.
3. Một trong những đặc nét về thánh Phaolô là cá tính và tâm lý con người Phaolô chứa đựng nhiều tranh cãi và khúc mắc:
Là một Pharisiêu nhiệt tình với Do thái giáo (Cv 22:3), Phaolô đánh giá lòng nhiệt thành tôn giáo của mình bằng những bạo động truy bắt các Kitô hữu tin theo Đức Giêsu Kitô nhằm triệt tiêu một tổ chức tôn giáo mới (Gal 1:13; Phil 3:6; Cv 24:5, 14; 28:22). Nhưng sau khi gặp gỡ Đức Giêsu trên đường Damas, Phaolô trở nên tông đồ hăng say rao giảng về Đức Giêsu Kitô cho dân ngoại và cho chính những người Ngài bắt bớ (Cv 9; Gal 1:13-16), cũng với một mức độ nhiệt tình như Ngài có dành cho Do Thái Giáo (Rm 11:13; 15:18-20; 2 Cr 11:2).
Thêm vào đó, lối giảng dạy cứng rắn và cương quyết, đôi khi trực diện và phũ phàng, của thánh Phaolô làm cho những thư Ngài viết có giá trị giảng dạy về tín lý và luân lý cách rõ ràng và khẳng định.
4. Nói như thế không có nghĩa là thánh Phaolô không tỏ ra nhu mì, lo lắng, quan tâm đến những nhu cầu mục vụ của những cộng đoàn Kitô hữu Ngài thiết lập hay có trách nhiệm giảng dạy (1 & 2 Tim; Titus). Vai trò và ảnh hưởng của thánh Phaolô rất lớn đối với sự hình thành và phát triển Kitô giáo. Nhiều thần học gia dùng danh từ “Ngài Là Đấng Sáng Lập Kitô giáo”, không phải với ý nghĩa thần học rằng Phaolô là đối tượng của đức tin vì chỉ có Thiên Chúa – và con Thiên Chúa làm người – là đối tượng không thay thế được của đức tin, nhưng là một nhà lãnh đạo xã hội đã xây dựng và đặt nền móng sinh hoạt cho giáo hội Kitô giáo hình thành và phát triển. Những lời giảng dạy của thánh Phaolô không chỉ thích ứng với thời đại Ngài đang sống, mà còn giá trị thích hợp với mọi thời đại trong đời sống Kitô hữu.
5. Đọc thư thánh Phaolô, chúng ta có thể đọc được tâm trạng của một người mang nhiều ưu tư, phải tự biện minh cho việc làm và con người mình, chỉ vì sự nghi ngờ của những người chung quanh. Trong thư gởi tín hữu Côrintô, Ngài viết: “Tôi không tự do ư? Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giêsu, Chúa chúng ta sao? Anh em không phải là công trình của tôi trong Chúa sao? Nếu đối với những người khác tôi không phải là tông đồ, thì ít ra đối với anh em tôi là tông đồ, vì ấn tín chứng thực chức vụ tông đồ của tôi trong Chúa chính là anh em. Đây là lời biện hộ của tôi chống lại những kẻ hạch sách tôi” (1 Cr 9:1-3).
6. Nơi khác, Phaolô mạnh mẽ khắng định quyền năng giảng dạy của mình, và nhắc nhở cho các tín hữu rằng sứ mạng ngài lãnh nhận không từ các Tông đồ hay tự mình, nhưng trực tiếp từ Thiên Chúa (Gal 1:1, 12).
Phaolô tự nhận mình bất xứng: “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1 Cr 15:9).
7. Kiên nhẫn là nhân đức của những người có sức mạnh như vẫn thường được hiểu trong các thư của thánh Phaolô:
Thường thì đời sống bấp bênh chắc chắn đòi phải có sự tập luyện cam go và lâu dài về đức kiên nhẫn. Nếu không có sức mạnh của đức kiên nhẫn, con người sẽ không thể có được bình an nội tâm, nhất là khi gặp những hoàn cảnh khổ đau, hay hoang mang trong nỗi cô đơn.
Thánh Phaolô là một con người kiên nhẫn khi khuyên các tín hữu Rôma: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12). “Chúng ta tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy”.
Đức kiên trì anh hùng của Thánh Phaolô qua nhiều cơn thử thách và nỗi khổ cực trong suốt cuộc đời đã được thánh nhân kể ra nhiều lần trong các lá thư của mình. Chứng từ được biết đến nhiều nhất được tìm thấy trong lời bào chữa chi tiết và mãnh liệt về tính chính thống và hợp pháp trong công việc truyền giáo của ngài, và trong những lời đả kích dũng cảm và thường là quyết liệt của thánh nhân, chống lại những người đặt vấn đề về sứ vụ của thánh nhân với tư cách là một tông đồ, nhất là vì những khốn khó thánh nhân đã chịu (2Cr 4,7-15; 6,3-10; 11,23-33), tình trạng yếu đuối thể lý (2Cr 10,1,10; 1Cr 2,1-5), sự thiếu thốn về quyền uy ân sủng (2Cr 12,12; 13,3), và trách nhiệm của thánh nhân là tự do rao giảng Tin Mừng. Một số các đối thủ của thánh nhân thuộc về cộng đoàn Kitô hữu ở Côrintô (2Cr 10,10; 11,4,12-15, 21-23), số khác không thuộc cộng đoàn đó (2Cr 13,5-10).
Thánh nhân thực thi sứ vụ của mình qua việc “kiên trì chịu đựng khi bị gian nan, khốn quẫn, ngặt nghèo, đòn vọt, tù tội, khi gặp biến loạn, bị nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ”. Các hành động của Thánh nhân được thực thi bằng cách ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối, bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa; lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, khi vinh cũng như khi nhục”.
Nỗ lực khó khăn để biết kiên nhẫn với chính sự bất kiên nhẫn của mình có thể được trợ giúp nhờ việc nhìn lại hành trình dài và đầy gian khổ đã biến Tông Đồ Phaolô từ một “người bách hại và bạo lực” (1Tm 1,13) thành một “mẫu gương vĩ đại nhất về đức kiên nhẫn” như Đức Giáo Hoàng Clêment đã diễn tả rất đúng trong thư gửi giáo hữu Côrinthô, được viết vào khoảng năm 96.
Dù vậy, thánh Phaolô cảm thấy cần phải bày tỏ lý do trong việc nghiêm khắc sửa trị: “tôi viết những lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để khuyên bảo anh em như những người con yêu quý của tôi” (1Cr 4,14). Thánh nhân còn giải thích thêm: “tôi đã phải gian nan nhiều, con tim se thắt, nước mắt chan hòa khi viết cho anh em: tôi viết không phải để làm cho anh em buồn phiền, nhưng là để cho anh em biết tôi hết lòng yêu mến anh em” (2Cr 2,4).
Thánh nhân còn viết: “tôi khuyên bảo anh em như những người con yêu quý của tôi. Thực vậy, thánh nhân xác định: “tôi đã cho anh em uống sữa” (1Cr 3,2); cho dẫu anh em có ngàn vạn giám hộ trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4,14-15).
Và như một người cha, thánh Phaolô sẵn sàng tha thứ. Lý do duy nhất đẻ ngài mạnh tay xử phạt là hy vọng làm cho các con cái của mình biết hồi tâm nghĩ lại (2Cr 3,12).
Thánh nhân không ân hận vì đã khiển trách họ: “dù trong bức thư trước tôi có làm cho anh em buồn phiền, tôi cũng không hối tiếc. Mà giả như có hối tiếc – vì thấy rằng bức thư ấy đã làm cho anh em buồn phiền, tuy chỉ trong một thời gian ngắn -, thì nay tôi lại vui mừng, không phải vì anh em đã buồn phiền, nhưng vì nỗi buồn phiền đó làm cho anh em hối cải” (2Cr 7,8-9).
Với các tín hữu Thexalônica, thánh Phaolô cư xử dịu dàng, như người mẹ hiền với các con của mình. Thánh nhân quan tâm nhiều đến họ đến nỗi sẵn sàng chia sẻ với họ không những Tin Mừng của Thiên Chúa mà cả mạng sống của mình nữa, vì họ đã trở nên những người thân yêu của ngài (1Tx 2,7-8). Thánh nhân khuyên bảo họ “như cha đối với con” (1Tx 2,1-11).
Tuy nhiên thánh nhân không nương tay với những người làm xáo trộn đời sống cộng đoàn, như được chứng tỏ trong cách sử dụng các từ ngữ: “những kẻ giả danh là anh em, những kẻ dò xét (Gl 2,4), những kẻ xuyên tạc Lời Chúa (2Cr 2,17), những tông đồ giả, thợ gian giảo, đội lốt tông đồ của Đức Kitô, đồ đệ của Satan, những kẻ đội lốt người phục vụ sự công chính” (2Cr 11,13-15).
8. “Phần ông Sao-lô, ông tán thành việc giết ông Tê-pha-nô…Có mấy người sùng đạo chôn cất ông Tê-pha-nô và khóc thương ông thảm thiết. Còn ông Sao-lô thì cứ phá hoại Hội Thánh: ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục” (Cv 8,1-3). Đoạn sách Công vụ trên cho thấy trước khi trở lại, Phaolô là người có cá tính bạo lực: “hằm hằm đe dọa giết các môn đệ Chúa” (Cv 9,1).
Nhưng khi chính Đức Giêsu mạc khải cho ông khi ông đang xuất thần cầu nguyện trong đền thờ: “mau lên, hãy rời khỏi Giêrusalem gấp, vì chúng sẽ không chấp nhận lời anh làm chứng về Thầy đâu… Hãy đi, vì Thầy sẽ sai anh đi xa, đến với các dân ngoại”. Thì Phaolô đơn sơ và hăng hái đón nhận: “Lạy Chúa, chính họ biết rõ con đây đã đến từng hội đường bắt giam và đánh đòn những kẻ tin vào Chúa. Khi máu của ông Stêphanô, chứng nhân của Chúa, đổ ra, thì chính con cũng có mặt, con tán thành và giữ áo cho những kẻ giết ông ấy” (Cv 22,18-21).
Mối ân hận vì đã bách hại các môn đệ Chúa Kitô luôn giày vò tâm hồn ông, như có thể đọc thấy trong thư gửi giáo đòan Côrintô: “tôi là người hèn mọn nhất trong số các tông đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ, vì đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15,9). Đồng thời, ông ôn tồn ý thức rằng “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ra ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ” (Gl 1,15).
Qua đó ta nhận ra một Phaolô với một tâm lý giằng co vì Tin Mừng Đức Kitô.
9. Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường (Mt 11,29).
Ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nhưng ngay sau khi trở lại, ông Phaolô đã nhận được giáo huấn từ Đức Giêsu là Thầy như Người đã được mọi người nhìn nhận (Ga 13,13; Mt 19,16; 22,16,36; Mc 9,5,17,38; Lc 7,40; 17,13; Ga 3,2; 11,28). Thật vậy, chỉ một mình Đức Giêsu là Thầy chân thật (Mt 23,8). Ông Phaolô đã đón nhận toàn bộ tư tưởng của Thầy đến nỗi ông có thể nói lên: “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Ta thấy một Phalô hiền hậu và khiêm nhường bắt chước Thầy mình.
10. Thánh Phaolô không bao giờ chán nản, tuyệt vọng: “chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu” (2Cr 4,8-10). Vì luôn mang trên mình những dấu tích của Đức Giêsu (Gl 6,17), nên Thánh nhân luôn “chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2Cr 7,4).
Thánh Phaolô hãnh diện về những khốn khó của mình: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài Thập Giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta! nhờ Thập Giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào Thập Giá đối với tôi và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14).
Thánh nhân so sánh mọi khốn khó của mình với cuộc rước khải hoàn của người Rôma, trong đó người thắng trận dẫn những tù nhân như là những nô lệ đến chỗ chết. Thánh nhân nhấn mạnh rằng Đức Kitô cũng xử với ông như vậy (2Cr 2,14).
Thánh nhân nói với người Côrintô rằng ông là người Thiên Chúa đã đặt “ở chỗ chót”, như Người “mang án tử” trong đấu trường của người Rôma (1Cr 4,9; X. 2Cr 1,9).
Có thể nói Thánh Phaolô là con người của niềm hy vọng. Hy vọng rằng việc kể ra những khốn khó mình đã trải qua không làm nản lòng những độc giả, thánh nhân viết: “tôi xin anh em đừng nản chí khi thấy tôi phải gian truân vì anh em”. Thánh nhân cũng cho họ biết lý do để không được chán nản: những gian truân ấy là “vinh quang của anh em” (Ep 3,13), tức là tôi được hưởng lợi vì ơn cứu độ của anh em. Thánh nhân cũng tạ ơn Chúa vì có cơ hội hiến dâng những đau khổ của mình vì ơn cứu độ người khác: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi nhân ái và là Thiên Chúa hằng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết nâng đỡ những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi. Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu. Chúng tôi lấy làm an tâm về anh em, vì biết rằng anh em thông phần thống khổ với chúng tôi thế nào, thì cũng sẽ được thông phần an ủi như vậy” (2Cr 1,3-7).
Tóm lại: Đọc trong Tân Ước, ta thấy có 13 thư mang tên tác giả Phaolô gởi cho các giáo đoàn hay cá nhân theo thứ tự: Rôma, 1 và 2 Corintô, Galata, Ephêsô, Philiphê, Côlôsê, 1 và 2 Thesalônica, 1 và 2 Timôtê, Titô, và Philêmon. Một số học giả Thánh Kinh cho rằng tất cả 13 thư trên là do Phaolô viết hay những trợ tá trực tiếp viết. Nhưng phần lớn các học giả Thánh kinh ngày nay tin rằng chỉ có 7 thư do chính Phaolô viết là: Roma, 1 và 2 Corintô, Galata, Philiphê, 1 Thesalonica và Philêmon. Ngay cả trong số 7 thư này cũng có những cộng sự viên cùng viết với Ngài và tên của họ được liệt kê trong những lời giới thiệu đầu thư như thư 1 và 2 Côrintô, Philiphê, 1 Thesalonica và Philêmon. Còn sáu thư còn lại (2 Thesalonica, Ephêsô, Côlôsê, 1 và 2 Timôtê và Titô) là đề tài tranh luận giữa những học giả Thánh Kinh về tác quyền, và họ gọi những thư này là Thứ Kinh (Deutero-Pauline letters).
Nhìn chung, tất cả 13 thư trên đều trình bày những giáo huấn thống nhất của một Phaolô: cương nghị, dứt khoát và nhiệt tình trong giảng dạy.

*NHẬN ĐỊNH:
1. Trong truyền thống của Giáo Hội, thánh Phaolô vẫn luôn luôn được nhìn nhận là cha và là thầy của những người, khi được Chúa kêu gọi, đã chọn lựa hiến thân vô điều kiện cho Chúa và Tin Mừng của Chúa: “Anh chị em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Chúa Kitô” (1 Cr 11,1).
Quả thực, từ chính tiếng nói của thánh Phaolô chúng ta có thể nhận ra một lối sống diễn tả bản chất của đời thánh hiến, sống theo các lời khuyên Phúc Âm: thanh bần, khiết tịnh và vâng phục. Thánh nhân thấy trong cuộc sống thanh bần như một bảo đảm sao cho việc rao giảng Tin Mừng được thực hiện một cách hoàn toàn nhưng không (1 Cr 9,1-23), đồng thời biểu lộ tình liên đới cụ thể với các anh chị em túng thiếu. Về vấn đề này, tất cả chúng ta đều biết quyết định của thánh Phaolô tự sinh nhai bằng công việc tay chân và sự dấn thân của ngài trong việc lạc quyên để giúp đỡ người nghèo ở Jerusalem (1 Tx 2,9; 2 Cr 8-9). Thánh Phaolô cũng là vị tông đồ, khi đón nhận lời Chúa kêu gọi sống khiết tịnh, đã trao hiến con tim cho Chúa một cách không chia sẻ, để có thể phụng sự anh chị em mình một cách tự do và tận tụy hơn (1Cr 7,7; 2 Cr 11,1-2); hơn nữa trong một thế giới trong đó các giá trị của đức khiết tịnh Kitô ít được đón nhận (1 Cr 6,12-20), thánh nhân mang lại một điểm tham chiếu chắc chắn trong đường lối cư xử. Còn về đức vâng phục, chỉ cần để ý rằng sự chu toàn thánh ý Chúa và “nỗi ray rứt hằng ngày và mối bận tâm đối với tất cả các giáo đoàn” (2 Cr 11,28) linh hoạt, uốn nắn và làm tiêu hao cuộc sống của thánh nhân, biến thành hy tế đẹp lòng Thiên Chúa. Tất cả những điều ấy khiến thánh Phaolô thốt lên như đã viết cho các tín hữu thành Philiphê: “Quả thực đối với tôi sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).
2. Một khía cạnh căn bản khác trong cuộc đời thánh Phaolô chính là sứ mạng truyền giáo. Thánh nhân hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu và nhất là trở thành Chúa Giêsu cho mọi người: “tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người, để cứu vớt với bất kỳ giá nào một số người” (1 Cr 9,22). Chúng ta thấy, nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô như thế, thánh Phaolô đã có khả năng sâu xa liên kết đời sống thiêng liêng với hoạt động truyền giáo; nơi thánh nhân hai chiều kích nhắc nhớ nhau. Và vì thế có thể nói thánh Phaolô thuộc vào hàng ngũ “những nhà xây dựng thần bí”, có cuộc sống vừa là chiêm niệm vừa là hoạt động, cởi mở với Thiên Chúa và tha nhân, để chu toàn hữu hiệu công tác phục vụ Tin Mừng. Thánh nhân có lòng can đảm trước hy sinh, khi đương đầu với những thử thách kinh khủng, cho đến cuộc tử đạo (2 Cr 11,16-33), niềm tín thác không lay chuyển dựa trên Lời Chúa: “Ơn Ta đủ cho con; vì sức mạnh được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9-10). Kinh nghiệm thiêng liêng của thánh Phaolô xuất hiện trước chúng ta như một sự diễn tả sống động mầu nhiệm vượt qua, mà ngài say mê tìm hiểu và rao giảng như một lối sống của Kitô hữu. Thánh Phaolô sống vì Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Thánh nhân viết: “Tôi đã chịu đóng đanh với Chúa Kitô, không còn là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20), và “đối với tôi, sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).
3. Không những là “con người của Tình yêu”, Phaolô còn là “con người của chân lý”. Đối với Phaolô, chân lý là “Tin mừng Chúa Giêsu Kitô” mà ông rao giảng. Đó là Tin mừng về Tình yêu và ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, là Tin mừng ẩn giấu từ muôn thuở, nay đã được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô. Đó cũng là Tin mừng về chính Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, mà Giáo Hội cùng với Chúa Thánh Thần không ngừng loan báo và làm chứng .
4. Sống với thái độ tạ ơn: Thánh Phaolô là người được đào tạo trong Cựu Ước vốn thấm nhiễm tinh thần tạ ơn. Tạ ơn là một đáp trả hiệp đoàn trước sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ Salômôn (2Sb 7:3) và là lệnh chiến đấu của các thầy Lêvi, những người đi trước dẫn dân Do Thái lâm trận (2Sb 7:6). Ngoài việc đứng hàng đầu trong việc thờ phuợng tại đến thờ và chiến trận ra, tạ ơn cũng là lời cầu nguyện liên tục của thánh vịnh gia (7:17; 9:1; 28:7; 30:12; 54:6; 86:12; 109:30; 118:28…)
Thánh Phaolô cho rằng “tạ ơn” là một trong hai điều nhân loại tội lỗi đã từ chối không chịu dành cho Thiên Chúa (Rm 1:21). Đây là vấn đề công bằng (dành cho Chúa điều Chúa có quyền được hưởng), và là điều chủ yếu để nhân loại chúng ta nói lên lời tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa. Khi ta không làm việc đó, tâm trí ta bèn trở nên tối tăm. Ta bắt đầu đánh mất nhân tính của mình và hành động như thú vật.
Khi thực sự hiểu được ơn phúc của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô, thì đáp trả duy nhất ta có thể làm được phải là liên tục tạ ơn. Thánh Phaolô nắm rất vững chân lý này, và đời sống Ngài được đánh dấu bằng tinh thần tạ ơn. Không những Ngài truyền cho Kitô hữu phải tạ ơn (Cl 1:12; 3:17; 1Tx 5:18) mà Ngài còn nêu gương việc đó trong đời sống và các thư từ của Ngài. Thực vậy, một trong những phần chủ yếu trong các lá thư của Thánh Phaolô đã được dùng để Ngài dâng lời cám ơn cả Thiên Chúa lẫn các tín hữu đồng đạo của mình (Rm 6:17; 7:25; 1Cor 1:4; 15:57; 2Cor 2:14; 9:15; 1Tx 1:3; 2Tx 2:13).
*ỨNG DỤNG THẦN HỌC:
Từ việc tìm hiểu cá tính và tâm lý con người Phaolô, chúng ta học được những điều sau đây:
1. Tin Mừng của Thiên Chúa cần được rao giảng cho mọi người (lớn-bé, già-trẻ, tự do-nô lệ…) và mọi dân (Do thái cũng như Dân ngoại).
2. Tin Mừng của Thiên Chúa có khả năng thích ứng với và đi sâu vào các nền văn hóa khác nhau của nhân loại.
3. Tin Mừng của Thiên Chúa sẽ phúc âm hóa các nền văn hóa tức đón nhận và phát huy những điều tốt đẹp của các nền văn hóa ấy và thanh luyện, bổ sung và hoàn thiện những gì còn khiếm khuyết của các nền văn hóa ấy.
4. Thiên Chúa có thể dẫn đưa một con người từ chốn lầm lạc trở về chân lý. Thiên Chúa cũng có thể biến đổi một con người từ tội lỗi nên thánh thiện để người ấy làm vinh danh Thiên Chúa và đem lại lợi ích thiêng liêng cho các linh hồn. Thánh Phaolô là một điển hình có một không hai trong lịch sử Kitô giáo.
5. Thiên Chúa có một kế hoạch riêng cho mỗi Kitô hữu.
6. Thiên Chúa cần đến tất cả những gì là tốt đẹp sẵn có trong mỗi con người, để mỗi người dễ bề chu toàn sứ mạng được trao.
7. Chúng ta học được từ thánh Phaolô trong đời sống Đức Tin Cậy Mến: tin tưởng, cậy trông, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn và yêu tha nhân như chính mình.

*KẾT LUẬN:
Thánh Phao lô là con người đa diện, một mẫu mực bao gồm những đức tính thường đối lập nhau: tài lý luận và trí tưởng tượng phong phú, tài phân tích và tài tổng hợp, tất cả những đức tính ấy được đúc kết trong con người nhiệt thành của ông. Chúa Ki tô đã chiếm hữu tâm hồn con người đầy nhiệt thuyết này. Ông sẽ là người giúp Đức Ki tô thực hiện công trình cứu độ và sửa soạn cuộc quang lâm của Người. Ông ý thức sứ mệnh cao cả này. Ông rao giảng Tin Mừng và tổ chức Hội thánh với tấm lòng khiêm nhường, hy sinh, trung thành và vô vị lợi, miễn sao vinh quang Thiên Chúa rạng rỡ hơn và nhân loại được hạnh phúc. Ông mãi mãi là bài học cho mỗi người tín hữu học hỏi.
Có thể tóm tắt cá tính và tâm lý của Thánh Phaolô trong một đoạn của Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Phaolô VI: “Mẫu gương truyền giáo là Tông Đồ Phaolô đã viết những lời này trong thư gửi tín hữu Thessalônica, và cũng là chương trình cho tất cả chúng ta: ‘Chúng tôi đã yêu mến anh em tha thiết, đến nỗi sẵn sàng chia sẻ với anh em, không những chỉ Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả chính mình chúng tôi, vì anh em đã trở nên rất thân yêu đối với chúng tôi’ (1 Tx 2:8). Tình yêu này là gì? Tình yêu ấy phải hơn tình yêu của một vị thầy; đó là tình yêu của một người cha; và cũng là tình yêu của một người mẹ. Đó chính là tình yêu mà Chúa mong mỏi nơi mỗi người rao giảng Tin Mừng, nơi mỗi người xây dựng Hội Thánh. Một dấu hiệu của tình yêu là quan tâm ban phát chân lý và đưa người ta đến hợp nhất. Một dấu hiệu khác của tình yêu là một lòng tận tụy rao giảng Đức Chúa Giêsu Kitô, mà không hạn chế hay quay đầu trở lại.”

Tài liệu tham khảo:
1. Thánh Phao lô Con Người Và Sứ Điệp – A. Brunot
2. Dẫn Nhập Các Thư Thánh Phao lô.
3. Kinh Thánh Cựu và Tân Ước – Nhóm các giờ kinh phụng vụ.
4. Thư Phaolô – Đại Chủng Viện Thánh Giuse.

(Bài viết mừng lễ thánh Phaolô Tông đồ trở lại 25/01/2012)

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*