SỨC MẠNH THÁNH THẦN
Lm. Gioan Vũ Xuân Nghị
Người đời lấy làm lạ, đã nhiều thể chế xã hội qua đi, vậy mà Giáo Hội Công Giáo, một tổ chức hữu hình trần gian, hai ngàn năm qua vẫn tồn tại và phát triển, bất chấp bao thế lực thù địch, sức mạnh ác thần, tưởng chừng như muốn nhấn chìm con thuyền Giáo Hội, nhưng Giáo Hội vẫn trường tồn và phát triển. Tại sao vậy? câu trả lời được tìm thấy trong ngày lễ hôm nay. Bởi Giáo Hội Công Giáo, không phải là một tổ chức xã hội thuần túy nhân loại, nhưng còn yếu tố Thần linh, có Thánh Thần cùng đồng hành, hướng dẫn cho đến ngày tận thế.
Chính Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ, làm cho ông trở nên can trường, thông minh, khôn ngoan, hiên ngang ra đi làm chứng cho Tin mừng, chẳng sợ mưu mô satan quỷ quyệt. Nhớ lại, những ngày theo Chúa Giêsu, bôn ba khắp nơi loan báo Tin mừng, lòng các tông đồ đầy tham vọng, chọn chỗ nhất, chỗ nhì, mong được kẻ hầu người hạ, tranh giành hơn thua, tâm trí ngu muội, hạn chế mọi mặt “ăn không nên đọi, nói không nên lời”. Thế mà, chỉ sau ngày lễ Ngũ tuần, Thánh Thần biến đổi lòng dạ các ông, coi tất cả những sự thế gian, như rơm, như rác, đồng lòng chung sức, hiệp nhất nên một, chia sẻ tình huynh đệ, cùng nhau loan báo sứ điệp tình thương của Thiên Chúa, chấp nhận gian nan khổ cực, bách hại, vì danh Chúa Kitô.
Chúa Thánh Thần hiện diện ở khắp mọi nơi, trong lòng Giáo Hội, luôn đổi mới và canh tân Hội Thánh, tạo nên sức hấp dẫn thần linh quy tụ muôn người. Người ta không khỏi ngỡ ngàng, khi Đức Gioan XXIII, một vị giáo hoàng bình dân, đơn sơ, hiền hòa, lại có một quyết định táo bạo, triệu tập công đồng Vaticanô II, mở ra luồng sinh khí mới, một mùa xuân cho Giáo Hội. Đức Gioan Phaolô II, một cụ già hơn 80 tuổi, nhìn dưới dáng vóc bề ngoài, chẳng có gì hấp dẫn, vậy mà ngài đi đến đâu, giới trẻ tuốn theo ngài đến đó. Điều kỳ diệu, sức hấp dẫn lại được nhân lên nơi Đức Phanxicô, vị giáo hoàng không chỉ của người công giáo, mà có thể nói là của cả nhân loại. Các phương tiện truyền thông đại chúng, tốn không biết bao giấy mực, để viết và ca tụng ngài, như là hiện thân của tiếng lương tâm nhân loại, về lòng bao dung, bác ái, yêu thương. Người ta khao khát ước mong được gặp, nhìn thấy ngài, chẳng vậy mà, cứ trưa Chúa nhật, hay thứ tư hàng tuần, năm sáu chục ngàn người, xếp hàng tại quảng trường thánh Phêrô, để lắng nghe những Giáo huấn, lời lẽ khôn ngoan, phát ra từ môi miệng của Đức Thánh Cha.Theo thống kê mới đây của Tòa thánh, số các tín hữu gia tăng hơn tỷ lệ tăng dân số thế giới.
Chỉ có sức mạnh của Chúa Thánh Thần mới làm được như vậy. Có Thánh Thần phù trợ, dẫn lối chỉ đường, chúng ta chẳng lo lắng, sợ sệt điều gì. Hãy để cho Thánh Thần biến đổi, canh tân cõi lòng chúng ta, thành những chứng nhân can trường của Chúa, biết bỏ đi lối sống, suy nghĩ, ích kỷ hẹp hòi, để sống một đời sống mới, nhiệt thành, bác ái, quên mình, dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
Nhận xét góp ý