THIÊN SỨ của LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
TRẦM THIÊN THU
Chúa Nhật 4-9-2016, Giáo hội Công giáo hân hoan kính chào một vị thánh mới: Mẹ Têrêsa Calcutta (TP Kolkata, Ấn Độ, 1910-1997).
Mẹ Teresa được mệnh danh là “Thiên Sứ của Thiên Chúa”. Cả cuộc đời Mẹ đấu tranh cho giá trị nhân phẩm của những con người nghèo khổ nhất, đã nêu gương luân lý làm cầu nối các khoảng cách về văn hóa, giai cấp và tôn giáo. Một con người có vóc dáng nhỏ bé nhưng lại có trái tim “cực đại” và đầy lòng nhân ái. Bà nói: “Ngay cả những người giàu cũng khao khát tình yêu, muốn được quan tâm, muốn có ai đó thuộc về mình”.
Cha mẹ của bà là người Albani. Bà sinh ngày 26-8-1910 tại Shkup (nay là Skopje), thuộc Cộng hòa Nam Tư (Macedonia), trước đó là Yugoslavia, với tên “cúng cơm” là Agnes Gonxha Bojaxhiu. Bà là con út trong 3 người con.
Lúc bà 7 tuổi, cha của bà bị giết, nên bà quan tâm chính trị. Tuổi thiếu niên, bà là thành viên của nhóm bạn trẻ trong giáo xứ, gọi là nhóm Tương tế Tôn giáo (Sodality), dưới sự hướng dẫn của một linh mục Dòng Tên, bà cảm thấy quan tâm việc truyền giáo. Lúc 17 tuổi, bà gia nhập Dòng Nữ tử Loreto ở Ai-len, một dòng chuyên về giáo dục, rồi bà được gởi tới Bengal năm 1929 để vào nhà tập. Bà chỉ lõm bõm tiếng Anh nhưng vẫn khấn lần đầu, với tên dòng là Têrêsa (chọn theo tên của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu).
Đến năm 1950, nữ tu Têrêsa lập Dòng Truyền giáo Bác ái (Dòng Thừa sai Bác ái, Missionaries of Charity). Bà nhận Giải Nobel Hòa bình năm 1979 và nhận Giải Bharat Ratna (भारत रत्न, nghĩa là “Viên Ngọc Ấn Độ”, giải thưởng cao nhất của Ấn Độ dành cho người dân) năm 1980. Trước đó, năm 1962, bà đã được chính phủ Ấn trao giải Padma Shri. Trong những thập niên kế tiếp bà được trao tặng các giải thưởng lớn như Giải Jawaharlal Nehru về Hiểu biết Quốc tế năm 1972.
Trong thời kỳ Ấn Độ bị người Anh đô hộ (British Raj), trường Loreto nhận rất ít người Ấn, đa số là người Hindu Bengal, con gái các gia đình có thế lực ở Calcutta, nhưng đa số giáo viên vẫn là các nữ tu gốc Ai-len. Nữ tu Têrêsa không thuộc Dòng Nữ tử Loreto nữa nhưng thi thoảng bà vẫn về thăm. Bà dạy ở các trường nữ khác trong 3 năm trước khi (như bà nói) “theo Chúa đến với người nghèo khổ”. Theo các nữ sinh nói, sự gián đoạn đó không hoàn toàn thân thiện, ít là phần các nữ tu Dòng Loreto.
Hình ảnh nữ tu Têrêsa nhỏ bé, với tấm khăn choàng sari (trang phục của phụ nữ Ấn) xõa xuống vai và lưng, bước đi trên đường đá đỏ, trông thật giản dị và khiêm nhường. Bà luôn có một hoặc hai nữ tu choàng sari đi theo. Bà là con người kỳ lạ của thế kỷ XX. Có thể bà “khác người” vì chúng ta không thấy nữ tu nào choàng sari như vậy. Nhưng đó là thói quen của nữ tu Têrêsa vùng Calcutta, bà “quên” mình là người Albani để hòa nhập và hoàn toàn nên giống các phụ nữ Ấn.
Chính phủ đã “ầm ĩ” chống truyền giáo nhưng chưa bao giờ làm khó các nữ tu truyền giáo.
Đầu thập niên 1950, các học sinh không có đạo ở Nhà Loreto đã nghi ngờ ý định của Mẹ Têrêsa trong việc giúp đỡ các trẻ em đường phố hoặc trẻ mồ côi. Bà đang cứu vớt chúng để “dụ” đưa chúng vào đạo Công giáo? Cứ hai tuần một lần, Mẹ Têrêsa nói chuyện để vận động phụ nữ không phá thai và bảo vệ sự sống.
Dự định của Mẹ Têrêsa là chăm sóc những người bệnh ở thời kỳ cuối, những người đến Đền Kalighat để được chết gần “thánh địa”. Mẹ Têrêsa không mong kéo dài sự sống cho họ, nhưng buồn về tình trạng nhơ uế và cô độc của họ trong thời gian cuối đời. Mẹ Têrêsa quan ngại về tỷ lệ tử vong và ám ảnh về cách chết của họ, ngược với quan niệm của người Hindu về sự tái sinh và sự chết là được giải thoát khỏi maya.
Mẹ Têrêsa lập một trại phong (Leprosarium) ở ngoại ô Calcutta, trên khu đất do chính phủ cấp. Bà là người lý tưởng hóa hơn là người lập dị. Người phong cùi bị coi thường không chỉ ở Calcutta mà ở khắp Ấn Độ, đến vài xu lẻ cũng không ai muốn bố thí cho họ. Ai cũng sợ bị lây nhiễm. Từ đó, người ta cũng có ánh mắt không thiện cảm với Mẹ Têrêsa.
Từ năm 1970, Mẹ Têrêsa trở nên một nhân vật nổi tiếng thế giới với các hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo và những người sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng, một phần cũng nhờ cuốn sách và bộ phim tư liệu tựa đề “Something Beautiful for God” (Điều Tốt Đẹp Dành Cho Chúa) của Malcome Muggeridge.
Bà không chỉ là nhà truyền giáo, mà còn là một “lương y” tận tình chăm sóc người phong cùi. Cách dấn thân của bà đã thay đổi người dân Calcutta, chính các nữ tu Dòng Loreto cũng trở lại tìm bà.
Dân Calcutta rất quý mến Mẹ Têrêsa. Các chị em ở trường nữ Loreto hồi thập niên 1970 đều trở nên các bà vợ tốt, có địa vị trong xã hội và tình nguyện hoạt động xã hội theo ý định của Mẹ Têrêsa, nhất là vì trại phong. Những năm sau, Mẹ Têrêsa rất tin tưởng những phụ nữ tốt nghiệp trường Loreto.
Số phận những người vận động luân lý dễ bị tổn thương vì các thay đổi của thói đạo đức giả hoặc tùy tiện của các chiến dịch. Những kẻ gièm pha đã kết tội Mẹ Têrêsa là phóng đại cảnh nghèo khổ của dân Calcutta. Mẹ Têrêsa luôn phải phải đấu tranh, dù vẫn bị người ta chỉ trích nhưng hoạt động của bà không suy giảm. Thậm chí bà còn thành công và cảm hóa chính những người đã nghi ngờ hoặc những người ghen ghét bà. Chính Mẹ Têrêsa đã thay đổi nhiều trái tim, đó là phép lạ thực sự vĩ đại.
Mẹ Têrêsa nói: “Ở Tây phương có sự cô đơn, điều mà tôi gọi là bệnh-phong-của-Tây-phương. Bằng nhiều cách, nó còn tệ hơn người nghèo của chúng tôi tại Calcutta. Tôi không bao giờ từ chối một đứa trẻ nào, không bao giờ, dù chỉ một”.
Năm 1950, cũng là năm Mẹ Têrêsa lập Dòng Truyền giáo Bác ái, ĐGH Piô XII đã phê chuẩn dòng này. Mẹ Têrêsa cũng đã từng có những lần sang thăm Việt Nam, chính Gx Thanh Đa (giáo hạt Gia Định, Saigon) đã được vinh dự đón tiếp Mẹ.
Vì tuổi cao sức yếu, Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5-9-1997, sau hơn nửa thế kỷ phục vụ những người cùng đinh trong xã hội trong đức ái của Chúa Giêsu. Mẹ Têrêsa được ĐGH Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 19-10-2003.
Mẹ Teresa là nhân chứng sống động của Lòng Chúa Thương Xót. Thật tuyệt vời và phấn khởi, nhưng cũng thực sự mắc cở, khi nhớ lại lời nhận xét của Mẹ: “Người nghèo KHÔNG CẦN chúng ta THƯƠNG HẠI, họ cần TÌNH YÊU và CẢM THÔNG. Họ cho chúng ta nhiều hơn chúng ta cho họ. Trong thời gian khó khăn của Ấn Độ, chúng tôi xin một số người tình nguyện từ khắp nơi đến giúp. Nhiều ngàn người đã đến, và khi họ ra về, họ có chung nhận xét là họ đã đem về nhiều hơn là đem cho. Có một lần ờ Calcutta, chúng tôi nhặt được năm người đang hấp hối, trong đó có một người phụ nữ bệnh quá nặng. Tôi muốn ngồi với chị trong giờ phút cuối cùng. Tôi đặt tay tôi lên tay chị. Chợt chị tỉnh ra, nhìn tôi, không than đói, không than khát, nhưng cười và nói lời cảm ơn trước khi nhắm mắt từ giã cuộc đời”.
Lạy Mẹ Têrêsa, xin ban cho chúng con trái tim nhân hậu như Mẹ để chúng con yêu thương mọi người, nhất là những người nghèo khổ, những người bị ruồng bỏ, những người bị ngược đãi,… Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ giàu lòng thương xót của chúng con. Amen.KINH CẦU THÁNH TERESA CALCUTTA
(Trầm Thiên Thu chuyển ngữ)
Kinh cầu làm Tuần Cửu Nhật kính nhớ và cầu xin Mẹ Teresa Calcutta – từ 27-8 tới 5-9:
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con truyền bá hương thơm của Ngài tới mọi nơi con đến. Xin đổ vào linh hồn con tràn ngập tinh thần và tình yêu của Ngài. Xin làm thấm nhuần và sở hữu con hoàn toàn để cả cuộc đời con là ánh sáng của Ngài.
Xin chiếu sáng con và ở trong con để mỗi linh hồn con giao tiếp đều có thể cảm nhận sự hiện hữu của Ngài trong linh hồn con. Xin để các linh hồn nhìn lên và không còn thấy con nữa mà chỉ thấy Chúa Giêsu. Xin ở lại với con và con sẽ bắt đầu tỏa sáng như Ngài tỏa sáng, tỏa sáng để thành ánh sáng cho người khác. Amen.
(http://catholicism.about.com/od/dailyprayers/qt/Daily-Prayer-Of-Mother-Teresa.htm)
Những giây phút cuối cùng bên Mẹ Teresa thật cảm động: https://www.youtube.com/watch?v=RPnsaX397FI
Nhận xét góp ý