CHÚA NHẬT XXIX TN C: TIN VÀO LỜI CẦU NGUYỆN
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Ai có dịp đến hành hương Đức Mẹ Lavang, Tapao hoặc viếng Cha Bửu Diệp, có thể dễ dàng nhận ra những người đến đó không phải là người Kitô hữu, nhưng là những người dân ngoại. Nhiều người đã để lại những tấm bia tạ ơn cùng với lòng xác tin rằng lời cầu nguyện của họ đã được nhận lời, dù họ chưa biết Chúa và Đức Mẹ, nhưng họ đến với một tấm lòng thành và họ đã được ơn.
Cầu nguyện là hơi thở của người có đạo, là nâng tâm hồn lên tới Chúa và là trải lòng ra trước mặt Chúa. Đó là những định nghĩa về việc cầu nguyện, nhưng thông thường cầu nguyện vẫn là gặp gỡ cầu xin cùng Thiên Chúa ban ơn trợ giúp. Cầu xin là tâm tình chung của nhiều người, vì họ tin rằng Thiên Chúa là đấng quyền năng, làm chủ mọi loài mọi vật, Ngài có thể làm được tất cả. Cầu xin còn là thể hiện sự khiêm tốn, nhìn nhận thân phận giới hạn thấp kém của con người trước mặt Thiên Chúa và sẵn sàng phó thác mọi sự cho Chúa. Đó cũng là những tâm tình phải có, mà hôm nay, lời Chúa nhắc lại cho chúng ta.
Lời cầu nguyện với niềm tin, có sức mạnh vô song. Câu chuyện sách Xuất Hành kể là một minh chứng. Lúc đó dân do Thái đang chuẩn bị bước vào đất hứa thì đã bị những người Amalêch tấn công. Ông Môsê đã phân công cho ông Giosuê dẫn một số người ra đương đầu với giặc, còn Mosê tiến lên đỉnh đồi, tay cầm gậy của Thiên Chúa, giang tay cầu nguyện. Trận chiến diễn ra không phải do tài quân sự của Giosuê, nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào lời cầu nguyện của Môsê. Vì, khi nào ông Môsê giơ tay lên thì quân Israel thắng thế, khi nào ông hạ tay xuống, thì quân Amalêch thắng thế. Cho đến chiều, người ta đã phải lấy hòn đá cho ông Môse ngồi và hai người đưa vai kê hai tay của Môsê cho đỡ mỏi cho đến tối. Quân Israel đã chiến thắng. Như thế, không phải Giosuê cùng với quân lính đánh trận mà là chính Mosê đã dùng lời cầu nguyện để đương đầu với quân Amalêch. Lời cầu nguyện của Mose có sức mạnh phá tan quân địch.
Câu chuyên cũng cho thấy, trong vai trò là một người lãnh đạo, là người trung gian giữa Thiên Chúa và Israel, Mose vẫn cần có sự cộng tác giúp đỡ của các cộng tác viên. Trong cuộc cầu nguyện này, chính những cộng tác viên đã giúp lấy hòn đá cho Mose ngồi và còn đưa vai đỡ lấy cánh tay của ông, để lời cầu nguyện của Mose được liên tục dâng lên Chúa từ sáng tới chiều tà. Điều đó cho thấy, sự liên đới hỗ trợ nhau trong việc cầu nguyện là điều cần thiết và là việc đem lại kết quả. Không phải chỉ những linh mục tu sĩ mới là những người cầu nguyện, mà các cộng tác viên, các tín hữu là những người cùng cầu nguyện với các vị đó.
Nếu như bài đọc một nói lên sức mạnh của lời cầu nguyện, thì bài Tin Mừng Chúa Giêsu nói đến việc kiên trì, tin tưởng trong lời cầu nguyện. Có một quan tòa không kính sợ Chúa, cũng chẳng nể ai. Vậy mà, có một bà góa đến năn nỉ ông, xin ông xét xử cho, lúc đầu ông làm ngơ, nhưng vì bà góa này kêu nhiều, nên ông nói: Dù ta không kính sợ Thiên Chúa, không coi ai ra gì, nhưng bà góa này quấy rầy quá, ta xét xử cho rồi vì bà này làm ta nhức óc. Chắc chắn Thiên Chúa không giống như vị quan tòa, Chúa Giêsu chỉ muốn so sánh rằng: Dầu một quan tòa bất chính, mà còn xét xử cho bà góa theo lời van nai của bà, thì Thiên Chúa không thể làm ngơ trước lời kêu xin của con cái Chúa.
Thiên Chúa là cha yêu thương, không có người cha nào có thể làm ngơ khi thấy con mình té ngã kêu khóc, mà không ra tay cứu giúp. Thiên Chúa là cha giàu lòng thương xót, là Thiên chúa hay chạnh thương, Ngài biết chúng ta đang cần gì và Ngài không thể từ chối chúng ta khi chúng ta chạy đến với Ngài. Chúng ta cầu xin mà chưa được nhận lời, vì có thể Chúa muốn rèn luyện lòng tin và sự kiên nhẫn của chúng ta. Sự chậm trễ của Thiên Chúa là cách thế Chúa muốn chúng ta cầu nguyện nhiều hơn nữa. Có thể, chúng ta không được như chúng ta xin, là vì những điều chúng ta xin không có ích lợi cho linh hồn chúng ta. Chúng ta cứ muốn Chúa phải ra tay làm phép lạ ngay tức khắc, giải gỡ khó khăn mà quên rằng Chúa đang ban ơn trợ giúp và sức mạnh để chúng ta có thể vượt qua khó khăn thử thách. Khi cầu nguyện chúng ta thường muốn Thiên Chúa làm theo ý mình, mà quên rằng chúng ta phải nhận ra và làm theo ý Chúa.
Lối sống ngày nay được gọi là “lối sống mì ăn liền”, người ta muốn có ngay những gì người ta cần hoặc muốn, vì thế con người dễ bị cảm dỗ nản chí hoặc thất vọng khi cầu nguyện. Ma quỷ nó nói với người tín hữu rằng: Ông bà cầu nguyện làm gì cho tốn công, Chúa không nhận lời đâu! Anh chị tội lỗi lắm, không xứng đáng để Chúa nhận lời đâu! Tôi bận rộn, làm ăn tối ngày, làm gì có giờ mà cầu nguyện! Những cám dỗ này nhắm kéo chúng ta xa lìa khỏi việc cầu nguyện mỗi ngày và dần dà kéo chúng ta xa Chúa. Ma quỷ không muốn chúng ta cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, nó cám dỗ chúng ta cậy dựa vào sức của mình và những của cải vất chất hơn là Thiên Chúa.
Thực tế nhiều người tin Chúa nhưng lại không cầu nguyện, nếu có cầu nguyện thì cũng chỉ là cầu xin Chúa đáp ứng những nhu cầu vật chất trước mắt. Đời sống đạo không cầu nguyện là một đời sống èo uột, thiếu sức sống; một người tín hữu dễ nản lòng, dễ buống xuôi trong đời sống đạo là người tín hữu thiếu chiều sâu đức tin. Cầu nguyện là thiết lập tương quan cá nhân với Thiên Chúa, là sống tình cha con đối với Thiên Chúa. Nhiều người ngày nay đã mất thói quen cầu nguyện, đọc kinh, họ cho rằng việc đọc kinh cầu nguyện là của người già và trẻ nhỏ. Nghĩ như thế là hết sức sai lầm và rơi vào cạm bẫy của ma quỷ.
Cuộc sống vật chất ngày cảng khá lên, khoa học ngày càng phát triển càng khiến cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ bỏ qua việc cầu nguyện, vì nghĩ rằng khoa học và tiền bạc giải quyết được tất cả. Những ý nghĩ như thế đang đục khoét tâm hồn nhiều người trẻ và biến họ trở thành những con người hời hợt trống rỗng, sống không mục đích không chiều sâu. Họ tôn thờ tiền bạc và khoa học và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
Cầu nguyện là dám phó thác đời mình trong tay Chúa, là gieo mình vào vòng tay Chúa, dù có những lúc thật tăm tối mịt mù. Người ta kể câu chuyện: Đang đêm, ngôi nhà gỗ của hai vợ chồng bốc cháy ngùn ngụt. Vừa phát hiện lửa cháy, hai vợ chồng đã vội lao ra khỏi cửa. Lúc đó, họ chợt nhớ còn đứa con trai ba tuổi đang ngủ trên gác. Lửa đã cháy bịt kín lối vào, hai vợ chồng không thể chạy vào cứu cậu con trai còn mắc kẹt trong nhà. Bỗng từ cửa sổ trên căn gác, cậu bé thò cổ ra ngoài và kêu lớn: Ba ơi cứu con với! Không biết làm thế nào, người cha trả lời: Con cứ nhảy xuống đi. Đứa bé lại kêu lên: Con sợ lắm. Người cha động viên: Con đừng sợ, cứ nhảy xuống đi. Đứa bé trả lời: Nhưng nhiều khói lắm, con không nhin thấy ba. Người cha lại nói vọng lên: Con không nhìn thấy ba, nhưng ba nhìn thấy con, con cứ nhay xuống đi. Thế là đứa bé đã mạnh dạn nhảy xuống, và người cha đã đưa tay ra chộp được cậu bé.
Ta không nhìn thấy Chúa, nhưng Chúa vẫn nhìn thấy ta. Chỉ có điều ta có dám nhảy vào lòng Ngài không mà thôi. Amen
Nhận xét góp ý